PHÓNG VIÊN: - Được biết ông là người rất hiểu các DN, doanh nhân hơn ai hết, cũng như ông đã từng nghiên cứu tầng lớp này từ thời phong kiến xa xưa. Vậy ông có thể nhận xét về vai trò của tầng lớp doanh nhân Việt Nam đối với phát triển kinh tế trong cả quá khứ và hiện tại?
TS. VŨ TIẾN LỘC: - Về khách quan mà nhìn nhận, chúng ta phải nói thẳng với nhau rằng trong quá khứ từ hàng trăm năm trở về trước, người Việt xưa không xem trọng người làm nghề buôn bán mà nay chúng ta gọi là doanh nhân.
Điều này cũng xuất phát từ văn minh nông nghiệp, môi trường chủ yếu tự cấp tự túc, giao thương kém hoặc ít có cơ hội phát triển mạnh mẽ thực sự, và lực lượng thương nhân cũng chưa bao giờ có được một chỗ đứng được thừa nhận đàng hoàng trong xã hội phong kiến. Chúng ta có thể thấy rõ điều ấy trong chính kho tàng truyện kể, ca dao tục ngữ của người Việt.
Về ca dao có những câu như: “Thật thà cũng thể lái trâu / yêu nhau cũng thể nàng dâu mẹ chồng”, hay: “Lái trâu, lái lợn, lái bè / trong ba anh ấy chớ nghe anh nào”... Trong kho tàng truyện cổ của người Việt viết về chủ đề doanh nhân cũng rất hiếm. Có hai câu chuyện là “Mụ Lường” và “Đồng tiền Vạn Lịch”, nội dung cả hai đều nói về những mặt trái của công việc buôn bán, phê phán người đi buôn, nghĩa là chỉ nhìn ở mặt hạn chế chứ không nhìn mặt tích cực của nghề này.
Cũng bởi vậy mà theo quan niệm thời xưa, thương nghiệp bị xem thường và trong 4 thành phần “sĩ, nông, công, thương” trong xã hội chữ “thương” bị xếp cuối.
Ngay cả khi đến tận những năm đầu thế kỷ 20, tầng lớp thương nhân Việt được hình thành và bắt đầu có chỗ đứng, có địa vị xã hội (trong xã hội thuộc địa nửa phong kiến), thì quan niệm xem thường thương nhân vẫn không vì thế mà giảm đi.
Trong tiếng Pháp có từ “affair”, nghĩa là một vụ/thương vụ buôn bán, được người Việt gọi chệch đi thành chữ “áp phe”. Rồi dần dần gọi tắt là “phe”, sau đó chuyển sang khía cạnh tiêu cực thành “phe phẩy”, là “con phe”, nghĩa là những cách gọi chứa đầy sự phân biệt đối xử, hàm ý miệt thị người làm công việc buôn bán.
Nhìn suốt lịch sử trung cận đại, dường như chỉ có một lần giới thương nhân được gọi tên và được đánh giá với hàm ý ít nhiều được xem trọng, đó là câu nói của nhà sử học Lê Quý Đôn, rằng: “Phi nông bất ổn, phi công bất phú, phi thương bất hoạt, phi trí bất hưng”.
Ở đây, Lê Quý Đôn nói “phi thương bất hoạt” có nghĩa là không làm buôn bán thì con người (và cả kinh tế) sẽ không có sự linh hoạt, nhạy bén, nhanh nhẹn.
Câu này giờ đây thường bị gọi nhầm, hay đúng hơn là gọi tắt thành “phi thương bất phú”. Nói như vậy để thấy rằng, số phận của tầng lớp doanh nhân Việt Nam trong lịch sử khá hẩm hiu, không được may mắn so với tầng lớp doanh nhân ở những quốc gia khác.
Trong quá khứ từ hàng trăm năm trở về trước, người Việt xưa không xem trọng người làm nghề buôn bán mà nay chúng ta gọi là doanh nhân. Điều này cũng xuất phát từ văn minh nông nghiệp, môi trường chủ yếu tự cấp tự túc, giao thương kém hoặc ít có cơ hội phát triển mạnh mẽ thực sự. |
Và người đầu tiên rất coi trọng tầng lớp doanh nhân, xem đây là cơ sở, nền tảng để xây dựng một nền kinh tế tự chủ cho một quốc gia độc lập, cũng chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nên cũng có thể nói, cùng với Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công và đưa đến sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, số phận của tầng lớp doanh nhân Việt Nam đã khác. Họ đã được lột xác, được thay đổi về cách nhìn nhận, đánh giá, được trọng dụng cả vào bộ máy chính quyền để phụng sự quốc gia, dân tộc.
- Ông có thể nói cụ thể hơn sự thay đổi hoàn toàn số phận của tầng lớp doanh nhân Việt Nam sau tháng 9-1945?
- Ở đây tôi chỉ nhắc đến 3 sự kiện tiêu biểu trong năm 1945, để thấy tầng lớp doanh nhân được Chủ tịch Hồ Chí Minh xem trọng như thế nào.
Thứ nhất đó là ngày 21-8. Khi mới từ Việt Bắc về, Thường vụ Trung ương Đảng gồm 15 người, trong đó có các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ… đã về ở tại ngôi nhà 48 Hàng Ngang (Hà Nội). Đến ngày 24-8, Bác Hồ cũng đã từ Việt Bắc về đây ở. Và cũng tại đây, Bác Hồ đã khởi thảo bản Tuyên ngôn Độc lập, chuẩn bị đọc trong ngày 2-9.
Ngôi nhà số 48 Hàng Ngang này là của cụ Hoàng Thị Minh Hồ, một nhà tư sản giàu có của Hà Nội khi đó. Bác Hồ và tất cả thành viên trong Trung ương Đảng đều đã được gia đình cụ chăm lo chỗ ăn, ngủ chu đáo. Tại sao Bác không chọn nơi khác mà lại chọn ở đây?
Điều này là minh chứng sinh động nhất cho sự tin tưởng của Đảng, của Bác đối với tầng lớp doanh nhân, và thêm nữa đó còn là lòng yêu nước, trung thành với cách mạng của những doanh nhân yêu nước, sẵn sàng cống hiến tài sản, nhân lực cho sự nghiệp cách mạng và giải phóng dân tộc.
Thứ hai đó là sự kiện ngày 18-9-1945. Chỉ một tháng sau sự kiện ngày Cách mạng Tháng Tám thành công. Ngày này tại Bắc bộ phủ, Bác Hồ đã tiếp khoảng 30 nhà công thương có tiếng ở Hà Nội, động viên mọi người đóng góp cho “Tuần lễ Vàng” để tỏ rõ cho thế giới biết người Việt Nam đồng lòng yêu nước. Hưởng ứng sau lời kêu gọi của Bác Hồ, của Chính phủ lâm thời, cả nước đã quyên góp được 370kg vàng và khoảng 20 triệu đồng Đông Dương cho Chính phủ để cứu quốc, kiến thiết quốc gia.
Một trong những doanh nhân yêu nước tiêu biểu là cụ Trịnh Văn Bô (1914 – 1988) đã đóng góp 5.147 lượng vàng, tương đương 2 triệu đồng Đông Dương. Có thể kể thêm những doanh nhân như: Bạch Thái Bưởi, Nguyễn Sơn Hà, Đỗ Đình Thiện, Ngô Tử Hạ… Nhắc lại để thấy rằng, đội ngũ doanh nhân chính là rường cột của nền kinh tế, họ phát huy yếu tố tích cực ngay từ khi đất nước lâm vào tình cảnh khó khăn nhất.
Thứ ba đó là sự kiện ngày 13-10-1945. Đây là ngày thành lập Công thương đoàn (nay vẫn được lấy làm ngày Doanh nhân Việt Nam). Và nhân sự kiện này, Bác Hồ đã gửi thư đến cho các doanh nhân. Lá thư Bác viết chỉ dài gần 200 chữ thôi, song lại chứa đựng trong đó rất nhiều nội dung ý nghĩa, mà tôi vẫn hay nói rằng đây chính là “Nghị quyết” đầu tiên của Đảng về doanh nhân.
Chúng ta chỉ cần phân tích 3 câu thôi cũng đã thấy tầm nhìn và tư duy cởi mở của Bác: “Chính phủ, nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp đỡ giới thương nhân trong công cuộc kiến thiết này. Việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà DN thịnh vượng”.
Ở đây, ngoài việc Bác nhấn mạnh đến sự liên quan mật thiết giữa số phận giới doanh nhân với sự nghiệp cách mạng nước nhà, chúng ta còn thấy Bác dùng cụm từ nhấn mạnh: “Chính phủ, nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp đỡ giới thương nhân…”. Điều này cho thấy tầm nhìn rất xa của Người. Từ “tận tâm” đã thể hiện được sự quan tâm, sự chân thành, sự sâu sát của người đứng đầu khi đó đối với tầng lớp nhân dân.
Sau 1945 đưa đến sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, số phận của tầng lớp doanh nhân Việt Nam đã khác. Họ đã được lột xác, được thay đổi về cách nhìn nhận, đánh giá, được trọng dụng cả vào bộ máy chính quyền để phụng sự quốc gia, dân tộc. |
So sánh thế để thấy rằng, ngay từ những ngày đầu lập quốc, tư duy và tư tưởng của Bác đã rất cởi mở, tầm nhìn của Người cũng rất xa, xa hơn rất nhiều chúng ta.
- Nói như vậy phải chăng tầm nhìn của Bác còn mang hàm ý rộng hơn về quan niệm mới của đường lối phát triển kinh tế?
- Đúng vậy. Không chỉ cái nhìn đối với doanh nhân mà tư tưởng về quản lý, điều hành, xây dựng mô hình kinh tế của Bác cũng rất tiến bộ. Thậm chí, mô hình nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã được manh nha trong tư tưởng của Bác Hồ từ gần 100 năm về trước.
Trong “Điều lệ” của Tổ chức Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội, được viết vào năm 1924, Bác Hồ đã chỉ dẫn: Sau này, chúng ta sẽ thành lập Chính phủ nhân dân và thực hành chính sách “Tân kinh tế”. Chính sách Tân kinh tế mà Bác nhắc tới ở đây chính là chính sách kinh tế mới (N.E.P) của Lenin. Tân kinh tế thực chất là chính sách kinh tế nhiều thành phần dưới sự lãnh đạo của Nhà nước chuyên chính vô sản - một chính sách kinh tế được áp dụng trong thời kỳ quá độ ở nước Nga vào giữa những năm 20 của thế kỷ trước.
Tất nhiên, đó chỉ là một mô hình sơ khai và chưa hoàn thiện, phù hợp với hoàn cảnh bấy giờ của nước Nga, nhưng điều đó cho thấy Bác đã gợi ý về mô hình kinh tế trong thời kỳ quá độ ở Việt Nam. Sau này, trong nhiều bài nói, bài viết của Người, đặc biệt là trong cuốn “Thường thức kinh tế học” xuất bản vào năm 1953, Bác Hồ đã đề cập về những thiết kế ban đầu của mô hình nền kinh tế nhiều thành phần đó.
Tuy nhiên, do điều kiện của chiến tranh và cơ chế kinh tế kế hoạch tập trung diễn ra trong nhiều thập niên sau đó, mô hình kinh tế nhiều thành phần theo tư tưởng của Người đã không trở thành hiện thực. Hơn một thập niên sau ngày thống nhất đất nước, vào năm 1986, Đại hội lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam đã khởi động hành trình đổi mới ở nước ta với chủ trương xây dựng “nền kinh tế nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước”.
Có thể nói với chủ trương này, Đại hội Đảng lần thứ VI đã đánh dấu sự trở về với tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “nền kinh tế nhiều thành phần” dưới sự lãnh đạo của “Chính phủ nhân dân”, phù hợp với yêu cầu của giai đoạn mới.
Trải qua gần 40 năm, thực hiện đường lối Đổi mới của Đảng, Việt Nam đã trở thành một mẫu hình thành công của quá trình chuyển đổi từ kinh tế kế hoạch tập trung sang kinh tế thị trường, mở cửa và hội nhập quốc tế.
Việt Nam cũng đã kể cho thế giới câu chuyện thoát nghèo vĩ đại, đưa được hàng chục triệu đồng bào thoát khỏi đói nghèo và trở thành một nước có thu nhập trung bình, đang vững vàng trên con đường tiến tới mục tiêu trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045, nhân dịp kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập nước.
- Vậy sau gần 40 năm Đổi mới (1986) và sau 20 năm cá nhân ông gắn bó cùng với sự phát triển của cộng đồng DN Việt Nam, ông đánh giá gì về tầng lớp doanh nhân hiện nay?
- Nói về tầng lớp doanh nhân và DN hiện nay, quả thực chúng ta có rất nhiều điều để nói. Đó là cả thành tựu lẫn hạn chế, cả niềm vui và cả những nỗi lo. Như tôi đã từng nói, hiện nay chúng ta đang có một thế hệ doanh nhân đặc biệt, bởi các doanh nhân của Việt Nam có trải nghiệm mà không phải ở nền kinh tế nào cũng có được.
Nhiều người trong số các doanh nhân ra đời trong chiến tranh, lớn lên trong bao cấp, là nhân chứng của quá trình đổi mới, hội nhập kinh tế của Việt Nam. Họ mang trong mình trải nghiệm, phẩm chất mà ở nhiều nơi, phải mất nhiều thế kỷ mới đúc rút được. Đó là tinh thần quyết liệt, khắc khổ, dũng cảm của người lính trong chiến tranh. Đó là sự trăn trở giữa mới và cũ, giữa lạc hậu, bảo thủ và đòi hỏi sáng tạo của thời Đổi mới. Đó cũng là những lấn cấn, chồng lấn cảm xúc giữa văn minh lúa nước, giữa văn hóa Việt Nam, văn hóa phương Đông và kinh tế thị trường hiện đại...
Về số lượng, hiện nay chúng ta có một số lượng doanh nhân, DN đông đảo. Cả nước hiện nay đã có hơn 900.000 DN. Con số trên là thống kê theo Luật DN, còn nếu tính cả các hộ kinh doanh, kinh tế hộ gia đình thì hiện nay chúng ta đã có tới gần 6 triệu hộ kinh doanh. Điều này là nền tảng, cơ sở vững vàng cho nền kinh tế tự chủ và cũng là thành tựu mà trước đó ta chưa từng có.
Về quy mô, chúng ta phải thừa nhận rằng DN Việt Nam còn quá khiêm tốn. Đa số chúng ta là DN vừa, nhỏ, thậm chí siêu nhỏ. Liên kết rời rạc, hoạt động manh mún. Điều này cũng dẫn đến hai mặt: một mặt vì quy mô nhỏ và vừa nên hoạt động của DN Việt Nam tương đối linh hoạt, dễ chuyển đổi, dễ thích ứng, song mặt khác lại cũng có hạn chế là vì nhỏ nên cạnh tranh yếu, chủ yếu là gia công, không hình thành được các chuỗi sản xuất có giá trị vừa tinh vừa mạnh.
- Nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Quốc khánh, ông có gửi gắm và kỳ vọng gì vào tầng lớp doanh nhân trong xây dựng và phát triển kinh tế đất nước trong hiện tại và cũng như giai đoạn tới?
- Trong những ngày này, khi chúng ta đang kỷ niệm 77 năm Ngày Quốc khánh, tự hào về chiến thắng của chiến tranh nhân dân, cũng là lúc thấy rõ khát vọng hùng cường, thịnh vượng của dân tộc. Chúng ta đang phấn đấu xây dựng một nền kinh tế hùng cường và tự chủ. Nhưng nếu không có tự chủ về kinh tế thì khó giữ được một nền độc lập quốc gia thực sự.
Hiện nay, khu vực FDI đóng góp khoảng 20% GDP, trên 50% giá trị sản xuất công nghiệp, khoảng 70% kim ngạch xuất khẩu của cả nước, và điều đáng nói là khu vực FDI rất thiếu liên kết với các DN trong nước. Nhìn ra nước ngoài, chúng ta thấy không một nền kinh tế nào có thể trở nên hùng cường chỉ trông cậy vào các FDI, nhưng cũng không một nền kinh tế nào có thể trở nên hùng cường nếu không kết nối được cộng đồng doanh nhân dân tộc với cộng đồng doanh nhân quốc tế.
Do đó, để có một nền độc lập đúng nghĩa và bền vững, dứt khoát chúng ta phải có một nền kinh tế tự chủ vững mạnh. Góp công để xây dựng nên nền kinh tế tự chủ đó, vai trò của tầng lớp doanh nhân là rất quan trọng. Tất nhiên, trong sự thành công của DN, doanh nhân còn có phần công lớn từ môi trường kinh doanh, thể chế chính sách, điều hành kinh tế vi mô của Nhà nước. Tôi vẫn tin tưởng rằng, vũ khí bách chiến, bách thắng cho cuộc chiến mới này cũng là bốn chữ “kinh tế tư nhân” và cũng là “kinh tế nhân dân”.
- Xin trân trọng cảm ơn ông.
-----------------------
-----------------------
(*) Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), nguyên Chủ tịch VCCI