Việc điều chỉnh này là một phần trong lộ trình cải cách tiền lương (CCTL), thực hiện theo Nghị quyết 27 Hội nghị Trung ương 7 khóa XII về CCTL đối với cán bộ, công chức (CBCC), viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp, để đến năm 2021 đẩy nhanh tiến độ tăng lương cơ sở.
Thực tế, dù đã trải qua 4 lần cải cách, nhưng hiện nay CCTL ở nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Lương hành chính sự nghiệp được trả theo hệ số nhân với mức lương cơ sở, sau nhiều lần điều chỉnh, hiện tại mới đang ở mức 1,3 triệu đồng. Thí dụ, 1 cử nhân sau khi tốt nghiệp đại học bắt đầu đi làm có hệ số 2,34, nhân với mức lương cơ sở, cộng thêm phụ cấp, trung bình mỗi tháng được 4 triệu đồng.
Sau đó, cứ 3 năm sẽ được tăng lương 1 lần theo kiểu “đến hẹn lại lên”. Việc xét nâng lương cũng chỉ làm kiểu chiếu lệ nên hầu như ai cũng được tăng nếu không có vi phạm đáng kể. Mức tăng cũng rất bèo, chỉ thêm được 0,33 vào hệ số, tương đương 400.000 đồng/tháng.
Thế nên mới có tình trạng công chức, viên chức chỉ cần làm việc làng nhàng, đến hẹn lại được tăng lương và tất nhiên lương chẳng đủ sống. Để có thu nhập theo mặt bằng chung của xã hội, họ phải tìm mọi cách để kiếm thêm. Từ đó sinh ra chạy chức, tham nhũng, hách dịch, cửa quyền, vòi vĩnh dân…
Một khi công chức, viên chức nhấp nhỏm, không chuyên tâm với công việc, hiệu quả làm việc sẽ rất thấp, cống hiến cho xã hội ít, không có tinh thần phục vụ nhân dân, thậm chí đẻ ra các tiêu cực, hệ lụy cho xã hội.
Đó là một bộ phận CBCC, chẳng làm được việc, sáng cắp ô đi tối cắp về, chẳng sống bằng lương mà bằng bổng lộc có được từ vị trí làm việc trong cơ quan công quyền. Các quy định pháp luật liên quan cũng đặt ra nhiều ưu đãi với CBCC, nhất là quyền lợi về việc làm, hầu như là công chức suốt đời. Điều này tạo lực cản cho cải cách hành chính, tinh giản biên chế và CCTL.
Theo quy chế CCTL mới sẽ bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương hiện nay, xây dựng mức lương cơ bản bằng số tiền cụ thể trong bảng lương mới; trả lương cho công chức, viên chức theo chức vụ, vị trí việc làm, khối lượng công việc không bình quân, cào bằng. Trong cải cách bộ máy, sẽ chuyển sang chế độ hợp đồng với CBCC.
Những ai đáp ứng đủ các điều kiện mới có thể ký hợp đồng; khi đánh giá lại kết quả công việc nếu thấy không đáp ứng đủ các điều kiện, tiêu chí có thể chấm dứt hợp đồng. Lương sẽ được trả theo năng lực, vị trí, chức danh làm việc, không trả theo kiểu “sống lâu lên lão làng” như hiện nay.
Lúc đó, chúng ta có đội ngũ CBCC đủ năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức, đúng nghĩa công bộc phục vụ nhân dân. Đồng thời CCTL mới đem lại cho CBCC sự yên tâm với đồng lương đủ sống, không phải băn khoăn cơm áo gạo tiền hàng ngày. Tất nhiên đây là việc không dễ dàng, đòi hỏi nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị nhưng là việc phải làm và làm thật tốt.
Cũng sẽ không có chuyện làm việc làng nhàng, chất lượng và hiệu quả phục vụ kém lại được lãnh lương nhiều, trái quy luật kinh tế thị trường. Cải cách, nâng cao tiền lương, thu nhập cho người lao động sẽ gắn liền với các giải pháp cụ thể để kiểm soát và tạo động lực cho người lao động làm việc tích cực hơn, hiệu quả hơn. CCTL mới cũng quy định rõ cơ chế thưởng - phạt, chính sách tuyển dụng đúng đắn, tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng về nguồn nhân lực.
Vấn đề đặt ra, cần quyết liệt hơn trong tinh gọn bộ máy, biên chế, dù đây là lĩnh vực khó, nhạy cảm, nhưng không thể không tiến hành. Đã đến lúc bộ máy hành chính nhà nước phải được sắp xếp lại theo hướng gọn nhẹ, đa chức năng, không chồng chéo, nhằm giảm bớt nhân lực dư thừa, góp phần tạo thêm nguồn tài chính để trả lương cho CBCC tương xứng với giá trị sức lao động.
CCTL mới nhằm nâng cao thu nhập cho người lao động, đặc biệt là CBCC, để người lao động có động lực tăng năng suất, hiệu quả công việc. Nhưng người lao động cũng phải làm việc hiệu quả, cống hiến, thực sự chuyên tâm… mới được nhận mức lương cao.