Theo đó, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đang xây dựng kế hoạch điều chỉnh mức giá dịch vụ sử dụng tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây.

Cụ thể, đơn giá dịch vụ sử dụng tuyến đường cao tốc này dự kiến được điều chỉnh từ 2.100 đồng/km lên 2.240 đồng/km, tương ứng với mức tăng 7% (đã bao gồm thuế giá trị gia tăng theo quy định hiện hành).
Theo VEC, các dự án cao tốc do đơn vị này đầu tư, trong đó có tuyến TPHCM - Long Thành - Dầu Giây đã được phê duyệt phương án tài chính với quy định cụ thể về mức thu và lộ trình tăng 3 năm/lần với tỷ lệ tăng 12% mỗi lần.
Cuối năm 2023, các dự án khác do VEC đầu tư đã được điều chỉnh tăng phí 12%, riêng tuyến TPHCM - Long Thành - Dầu Giây chỉ tăng 5% do bị giới hạn bởi quy định mức giá tối đa theo Thông tư 28 của Bộ Xây dựng. Nay thông tư này đã bãi bỏ nên VEC điều chỉnh tăng phí ở tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây để đảm bảo hiệu quả dự án cũng như phù hợp khả năng trả nợ các khoản vay đầu tư ban đầu.
Hiện mức phí dịch vụ sử dụng cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây được tính theo từng loại xe, quãng đường.
Theo đó, ôtô dưới 12 chỗ, xe tải dưới 2 tấn, xe buýt là 24.000-78.000 đồng mỗi lượt, tuỳ đoạn; ôtô 12-30 chỗ, xe tải 2-4 tấn với mức phí 36.000-117.000 đồng; ôtô từ 31 chỗ trở lên, xe tải 4-10 tấn có mức phí 47.000-157.000 đồng.
Còn với ôtô tải 10-18 tấn, xe container loại 20 feet có mức phí 53.000-187.000 đồng; xe tải trên 18 tấn, ôtô container 40 feet là 85.000-295.000 đồng.
Cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây dài 55,7 km, kết nối từ TPHCM đến Đồng Nai đã được đưa vào khai thác từ năm 2015.