Vì vậy, sau khuyến cáo của Bộ NN-PTNT, tới lượt Bộ Công thương cũng ra văn bản gửi các doanh nghiệp và các địa phương liên quan để hướng dẫn.
Lần này, công văn do Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh ký, gửi UBND tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, thay vì các tỉnh nằm ở biên giới phía Bắc như đã ban hành cách đây 1 tuần.
Công văn nêu rõ, Trung Quốc đã có công hàm thông báo tăng cường quản lý, áp dụng các biện pháp siết chặt, hạn chế nhập cảnh tại khu vực biên giới giữa hai nước Việt Nam – Trung Quốc để phòng chống dịch.
“Với những biện pháp mà phía Trung Quốc mới thông báo áp dụng, nếu lưu lượng xe và hàng hóa xuất khẩu từ các tỉnh, thành phố đưa lên khu vực biên giới phía Bắc không giảm thì sẽ xảy ra tình trạng tồn đọng, ùn ứ hàng hóa tại các cửa khẩu” - Bộ Công thương lưu ý.
Vì vậy, Bộ trưởng Bộ Công thương đề nghị các địa phương điều hành, điều chỉnh nhịp độ đưa hàng hóa lên biên giới trong bối cảnh hiện nay.
Đề nghị các hộ nông dân, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp chế biến xuất khẩu nông sản và trái cây tươi chủ động kế hoạch sản xuất, đóng gói, giao nhận, xuất khẩu hàng hóa, tránh để phát sinh ùn ứ và các tác động bất lợi; xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc theo hình thức chính ngạch, tuyệt đối không nên đưa hàng lên biên giới chỉ để bán tại các cặp chợ, không rõ đối tượng mua hàng, đối tượng nhận hàng, không tuân thủ các tiêu chuẩn tối thiểu về bao bì, đóng gói, truy xuất nguồn gốc đối với hàng xuất khẩu...
Văn phòng Bộ Công thương và Vụ Thị trường châu Á - châu Phi cũng vừa thông tin, để tháo gỡ khó khăn cho thương mại Việt Nam – Trung Quốc, trong thời gian qua, Bộ Công thương đã phối hợp với Bộ Y tế xây dựng thành công quy trình và cơ chế phối hợp giám sát y tế, phòng chống dịch bệnh đối với hoạt động giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu, trao đổi cư dân biên giới tại các cửa khẩu, cặp chợ biên giới giữa hai nước. Quy trình này không những giúp khôi phục lại hoạt động thông thương hàng hóa Việt – Trung (bao gồm xuất khẩu nông sản và nhập khẩu nguyên liệu sản xuất trong nước) mà còn đảm bảo an toàn tuyệt đối phòng chống dịch bệnh.
Cùng với liên tục cập nhật thông tin về tình trạng ùn ứ hàng nông sản xuất khẩu, Bộ Công thương còn thường xuyên trao đổi, làm việc với Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam và đề nghị Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Tây và Vân Nam về việc tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu tại khu vực biên giới.
Mới đây, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã điện đàm với Bí thư Khu ủy Khu tự trị Choang - Quảng Tây Trung Quốc, có công thư gửi gửi Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Chung Sơn, công thư gửi Tổng cục trưởng Tổng Hải quan Trung Quốc Nghê Nhạc Phong... để tháo gỡ khó khăn trong xuất nhập khẩu nông sản, nguyên liệu, hàng hoá; đảm bảo thương mại thông suốt. Bộ Công thương cũng đã đề nghị Bộ Ngoại giao cùng phối hợp thúc đẩy tháo gỡ khó khăn trong thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho hàng hóa xuất khẩu do Trung Quốc tăng cường quản lý, siết chặt nhập cảnh, Bộ Công thương cho biết, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh sẽ tiếp tục điện đàm với Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Chung Sơn, có công văn gửi Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc đề nghị phối hợp trao đổi với các cơ quan chức năng của Trung Quốc để tháo gỡ vướng mắc hiện nay.
Đặc biệt, để tránh gia tăng ùn tắc hàng hóa nông sản do hình thức vận chuyển, giao - nhận bằng xe tải, xe container có thể tăng nguy cơ tiếp xúc, lây lan dịch bệnh nên bị hạn chế nhập cảnh, hiện nay Bộ Công thương đang phối hợp với Sở Thương mại Quảng Tây - Trung Quốc tăng số lượng chuyến tàu vận tải hàng hóa đường sắt chở nông sản Việt Nam – Trung Quốc. Đây là giải pháp hiệu quả để đảm bảo ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm dịch mà vẫn đảm bảo cho hàng hóa được thông suốt.