Tăng tốc định vị ngành công nghiệp hỗ trợ

Ngày 28-3 Bộ Kế hoạch - Đầu tư tổ chức hội nghị tổng kết 25 năm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Ngày 28-3 Bộ Kế hoạch - Đầu tư tổ chức hội nghị tổng kết 25 năm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Một trong những nguyên nhân được xác định, cho rằng hiệu quả tổng thể của khu vực FDI chưa cao là do ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) ở nước ta còn rất yếu, thiếu đồng bộ và chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của ngành công nghiệp lắp ráp. Đây có thể xem như “vùng trũng” trong thu hút và phát huy hiệu quả của FDI.

Xét trên cả tầm nhìn trung và dài hạn, ngành CNHT đóng một vai trò quan trọng, bởi đây là cơ sở cần thiết để xây dựng các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành công nghiệp Việt Nam.

Tuy nhiên, trên thực tế CNHT liên quan hầu hết tới các ngành công nghiệp chế tạo quan trọng như ô tô, xe máy, cơ khí, hóa dầu, điện, điện tử, chế tạo máy… không chỉ doanh nghiệp trong nước mà cả doanh nghiệp FDI cũng gặp phải khó khăn do khả năng đáp ứng của các doanh nghiệp hỗ trợ rất hạn chế, nhất là các linh kiện, phụ kiện đòi hỏi tính chính xác cao.

Ngành CNHT nước ta hiện nay chỉ mới ở giai đoạn đầu của sự phát triển, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, chủ yếu sản xuất các linh kiện chi tiết đơn giản, giá trị gia tăng thấp và còn có sự chênh lệch về năng lực giữa doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam với yêu cầu của các hãng sản xuất toàn cầu. Hiện nay, đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này chủ yếu từ Nhật Bản, Hàn Quốc... nhưng vẫn chỉ ở mực độ vừa phải.

Năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 12/QĐ-TTg về phát triển CNHT, tuy nhiên các hỗ trợ ưu đãi doanh nghiệp trong lĩnh vực CNHT gần như không có gì mới. Thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp trong nhiều năm qua hầu như chỉ tập trung các tập đoàn lớn, tạo nhiều việc làm, tạo ra giá trị sản xuất công nghiệp lớn.

Đa số tập đoàn lớn trong các ngành chế tạo là các doanh nghiệp lắp ráp, tạo ra giá trị gia tăng rất ít trong sản phẩm, không giảm nhập siêu, không có tác động lan tỏa sang doanh nghiệp nội địa. Còn các doanh nghiệp sản xuất CNHT thường có quy mô nhỏ và vừa, có nhu cầu thuê diện tích sản xuất nhỏ, lại gần như chưa được quan tâm cả ở tầm Trung ương lẫn địa phương.

Các dự án sản xuất CNHT được Chính phủ ưu đãi và khuyến khích đầu tư thời gian qua, như Intel, Foxconn… hầu hết là sản xuất linh phụ kiện phục vụ 100% cho xuất khẩu. Nguyên vật liệu, linh phụ kiện đầu vào của các dự án này cũng 100% nhập khẩu.

Các nhà sản xuất CNHT xuất khẩu loại này ít có động cơ nội địa hóa, thường lựa chọn đầu tư vào Việt Nam để tận dụng thị trường lao động rẻ, các ưu đãi của Chính phủ về giá thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp… Đây là những bất cập lớn trong các dự án thu hút đầu tư FDI vào CNHT hiện nay.

Để khỏa lấp “vùng trũng” CNHT trong lĩnh vực FDI, nhiều ý kiến cho rằng cần thực sự đổi mới tư duy về chính sách phát triển cũng như quản lý. Với vai trò to lớn của CNHT trong nền kinh tế, Chính phủ nên thành lập cơ quan đầu mối quản lý nhà nước về CNHT.

Bên cạnh các công việc liên quan đến chính sách cho CNHT, một trong những nhiệm vụ quan trọng của cơ quan đầu mối là hàng năm nên ban hành “sách trắng” về CNHT, hay dưới dạng hệ thống cơ sở dữ liệu về các ngành CNHT.

Thể chế hóa việc khuyến khích phát triển CNHT bằng các văn bản mang tính pháp lý của Chính phủ cũng là một yêu cầu được đặt ra. Cụ thể, chính sách khuyến khích, ưu đãi về đăng ký kinh doanh, giá thuê đất, thuế, cũng như các trợ giúp gián tiếp thông qua các khóa đào tạo về nhân lực.

Cần có các chương trình quảng bá về sản xuất CNHT ở Việt Nam. Bên cạnh đó, cần hướng doanh nghiệp nhà nước với vai trò chủ đạo nền kinh tế quốc dân tham gia sản xuất CNHT, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất cơ khí, điện-điện tử, nhựa cao su…, dần biến thành các tập đoàn lớn chuyên cung ứng và xuất khẩu chi tiết linh kiện cho thị trường quốc tế.

Một giải pháp quan trọng khác là khuyến khích các doanh nghiệp cung ứng linh kiện phụ tùng thuộc mạng lưới sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia đã có mặt ở Việt Nam. Việc khuyến khích được các doanh nghiệp này vào Việt Nam sản xuất sẽ làm tăng tỷ lệ nội địa hóa, giảm dần các phụ kiện phải nhập khẩu.

Các tin khác