Tăng tốc “rượt đuổi” mục tiêu xuất khẩu

(ĐTTCO)-Theo Bộ Công thương, tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu đang mất cân đối. Với những ngành hàng có thị trường xuất khẩu chính là Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn giữ mức tăng trưởng ổn định. Ngược lại, nhóm ngành hàng xuất khẩu chủ yếu vào Trung Quốc thì giảm mạnh về số lượng hoặc giá trị. 
Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu tại Công ty cổ phần chế biến gỗ Đức Thành. Ảnh: CAO THĂNG
Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu tại Công ty cổ phần chế biến gỗ Đức Thành. Ảnh: CAO THĂNG

Nhiều mặt hàng gặp khó

Đơn cử với hàng nông sản, kim ngạch xuất khẩu 8 tháng chỉ đạt 11,27 tỷ USD, giảm 8,8% so với cùng kỳ năm 2018. Nhóm hàng xơ sợi tuy vẫn giữ đà tăng trưởng 16% (tính đến đầu tháng 9-2019), nhưng giá trị gia tăng không cao. Tính chung, kim ngạch xuất khẩu đến nay đã giảm hơn 10% so với cùng kỳ năm 2018.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, lý giải việc Trung Quốc liên tục phá giá đồng nhân dân tệ đã tạo ra sự chênh lệch lớn giữa đồng đô la Mỹ với đồng nhân dân tệ. Trong khi đó, doanh nghiệp (DN) Việt phải nhập khẩu bông của Mỹ, sản xuất và xuất sợi vào thị trường Trung Quốc, nên biên độ lợi nhuận giảm. DN nào ký hợp đồng xuất khẩu thanh toán bằng đồng nhân dân tệ thì lợi nhuận còn giảm mạnh hơn.

Ngoài ra, các thị trường nhập khẩu sợi khác của Việt Nam như Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc, Ai Cập… liên tục áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, tăng thuế nhập khẩu với sản phẩm này khiến hàng Việt càng giảm năng lực cạnh tranh. 

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực, thực phẩm TPHCM, thông tin các cơ quan chức năng Trung Quốc đã ban hành nhiều quy định mới, như yêu cầu tất cả sản phẩm cá nuôi hoặc đánh bắt từ biển (hải sản ướp đá) đều phải được lấy từ các công xưởng có đăng ký DN Việt Nam, khi khai báo hải quan phải xuất trình chứng thư về thủy sản do Nhà nước Việt Nam cấp. Phía Trung Quốc cũng thông báo một số nội dung liên quan đến quản lý, giám sát hàng hóa, đặc biệt là tăng cường quản lý về kiểm dịch… Thực tế này đã gây khó khăn cho hàng xuất khẩu. 


Tuy nhiên, tín hiệu vui lại đến với những ngành hàng khác như điện - điện tử, phụ tùng máy móc, linh kiện điện tử, máy tính, cao su - nhựa, lương thực thực phẩm… Đây là nhóm ngành hàng vẫn duy trì đều đặn đà tăng trưởng ở mức trên 10% từ đầu năm đến nay. Cá biệt, điện thoại các loại và linh kiện có kim ngạch xuất khẩu trong tháng 8 đạt trị giá 5,91 tỷ USD, tăng 48,1% so với tháng trước, kéo kim ngạch xuất khẩu toàn ngành trong 8 tháng đạt 33,39 tỷ USD.

Mức tăng trưởng ấn tượng này nhờ xuất khẩu tập trung chủ yếu ở các thị trường Mỹ, châu Âu, Á - Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… Hiện Mỹ và Liên minh châu Âu vẫn là thị trường xuất khẩu chủ lực của các nhóm ngành hàng này, chiếm hơn 60% tổng kim ngạch xuất khẩu. 

Linh hoạt thị trường 

Chỉ còn 3 tháng nữa kết thúc năm 2019 và theo các chuyên gia, để giữ được mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu, DN cần chủ động hơn trong việc tìm kiếm, mở rộng thị trường; đa dạng nguồn hàng và thị trường xuất khẩu. Tham tán thương mại Việt Nam tại Australia cho hay, hiện nhiều DN đã chủ động chuyển xuất khẩu thô sang xuất khẩu đã qua chế biến và có thương hiệu.

Cách tiếp cận thị trường cũng được chuyển đổi theo hướng sâu và chặt chẽ hơn với các hệ thống phân phối ngoại. Điều này giúp DN Việt chuẩn hóa chất lượng, mẫu mã hàng hóa ngay từ khâu sản xuất. Đồng thời giảm rủi ro do phải thu hồi lô hàng khi không đáp ứng điều kiện xuất vào nước bạn. Riêng với ngành chế biến thực phẩm, các DN còn chủ động tham gia chuỗi cung ứng hệ thống nhà hàng, khách sạn, từng bước tiếp cận người tiêu dùng và gia nhập sâu thị trường. 

Ông Vũ Đức Giang chia sẻ thêm, tuy ngành xơ sợi Việt Nam giảm mạnh về kim ngạch xuất khẩu, nhưng ngược lại, DN may mặc có sự gia tăng đột biến đơn đặt hàng dịch chuyển từ khu vực Trung Quốc. Hoặc như ngành nhựa, ông Trần Việt Anh, Phó chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM, cho biết thêm, ngay từ đầu năm 2019, nhiều DN đã có sự chuyển đổi công nghệ sản xuất theo hướng tập trung phát triển sản phẩm thân thiện môi trường, nhựa kỹ thuật hoặc sản phẩm nhựa xuất khẩu không nằm trong danh mục bị thị trường quốc tế đánh thuế hoặc hạn chế sử dụng. Do vậy, có thể bù đắp vào tổng kim ngạch xuất khẩu chung của toàn ngành. 

Theo các chuyên gia kinh tế, cuộc chạy đua hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu chỉ còn 3 tháng nữa để tăng tốc. Dựa vào năng lực cũng như sự linh hoạt trong việc tìm kiếm, chuyển tiếp thị trường xuất khẩu hiện nay của các DN Việt, hy vọng mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đặt ra từ đầu năm sẽ đạt được.

Thông tin từ Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 8-2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 337,22 tỷ USD, tăng 8,1% (tương ứng tăng 25,18 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, trị giá hàng hóa xuất khẩu đạt 171,3 tỷ USD, tăng 8,1% và nhập khẩu đạt 165,92 tỷ USD, tăng 8%. Kết quả này đã góp phần đưa mức thặng dư thương mại hàng hóa của cả nước trong 8 tháng đầu năm đạt 5,37 tỷ USD.

Các tin khác