Theo số liệu của NHNN, tín dụng đến ngày 25-10 tăng 11,5% so với cuối năm ngoái, và so với cùng kỳ cuối tháng 10 năm ngoái, tăng trên 17%, là mức cao so với cùng kỳ nhiều năm trước đây. Tuy nhiên, huy động vốn tăng trưởng chậm và hiện nay tốc độ huy động vốn tăng khoảng 4,6% so với đầu năm, tức là chỉ bằng 1/3 so với tốc độ tăng trưởng của tín dụng.
Phía NHNN đánh giá, vấn đề này đặt ra thách thức đối với hệ số sử dụng vốn của hệ thống NH rất cao, cũng gây quan ngại về thanh khoản của hệ thống NH vì có huy động tiền được mới cho vay được nền kinh tế.
Với áp lực bảo đảm nguồn vốn để có thể bảo đảm thanh khoản cho các TCTD cũng như có nguồn vốn để cung cấp tín dụng cho nền kinh tế, NHNN đã điều chỉnh các mức lãi suất điều hành từ tháng 9, và gần đây nhất là từ 24-10, điều chỉnh lần 2, tăng lãi suất điều hành và tăng lãi suất trần huy động của các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng. Điều này bảo đảm cho các TCTD có khả năng huy động thêm được nguồn vốn để bảo đảm an toàn thanh khoản, có điều kiện để cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế, đồng thời cũng phù hợp với thế giới khi lạm phát của thế giới tăng cao và kéo dài.
Chênh lệch giữa tốc độ tăng trưởng huy động và tăng trưởng tín dụng nói trên cũngd đang đẩy các NH tăng tốc trên đường đua lãi suất tiết kiệm. Ở thời điểm hiện tại, theo biểu lãi suất có hiệu lực từ ngày 26-10, Nam A Bank áp dụng lãi suất 11%/năm cho 3 tháng đầu cho các khoản tiền gửi tại sản phẩm Happy Future gửi kỳ hạn 9 tháng, 6 tháng cuối có lãi suất 5,95%/năm. NCB cũng áp dụng biểu lãi suất mới với mức cao nhất là 10,5%/năm cho các khách hàng gửi từ 500 tỷ trở lên. Lãi suất tiền gửi cao nhất tại SCB lên tới 9,3%/năm cho các kỳ hạn 15, 18, 24 và 36 tháng đối với hình thức gửi online. Nhiều nhà băng khác cũng đẩy lãi suất cao nhất lên 8,5 - 8,9%/năm. Thậm chí, lãi suất cao nhất tại các NHTM nhà nước cũng đã lên mức 7,4%/năm đối với tiền gửi tại quầy.