Số liệu của NHNN công bố sáng 21-6, tổng phương tiện thanh toán M2 đến ngày 15-6 tăng 3,96% so với cuối năm 2020, và tăng 14,27% so với cùng kỳ năm 2020. Tín dụng tăng 5,1% so với cuối năm 2020, tăng 15,29% so với cùng kỳ năm 2020.
Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay tháng 4-2021 giảm khoảng 0,3%/năm so với tháng 12-2020. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VNĐ thuộc một số ngành, lĩnh vực ưu tiên ở mức 4,5%/năm. Lãi suất cho vay USD bình quân ở mức 3-6%/năm.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết, các giải pháp tổng thể của Chính phủ, cùng với giải pháp của ngành NH đã tạo đà phục hồi tăng trưởng tín dụng, dự kiến đến cuối tháng 6 tăng trưởng tín dụng có thể đạt khoảng 5,5 - 6%.
Cơ cấu tín dụng tiếp tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên. Trong đó, 3/5 lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng tích cực, cao hơn mức tăng tín dụng của toàn nền kinh tế, gồm xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Dự kiến đến cuối tháng 6, tín dụng nông nghiệp, nông thôn ước tăng 4,8%; tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 3,9%; tín dụng xuất khẩu tăng 9%; tín dụng công nghiệp hỗ trợ tăng 6,94% và lĩnh vực doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 14,5%.
Cũng theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, tín dụng đối với lĩnh vực rủi ro được kiểm soát chặt chẽ, phù hợp với định hướng của NHNN.
Về triển khai chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, tính đến cuối tháng 5-2021, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho gần 258.000khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, với dư nợ gần 337.000 tỷ đồng. Các ngân hàng cũng đã miễn, giảm, hạ lãi cho hơn hơn 677.000 khách hàng với dư nợ gần 1,28 triệu tỷ đồng.
Các TCTD đã cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ 23-1-2020 đến nay đạt trên 3,5 triệu tỷ đồng cho hơn 480.000 khách hàng. Tính đến 31-5, NH Chính sách xã hội đã thực hiện gia hạn nợ cho 174.871 khách hàng với dư nợ 4.363 tỷ đồng, cho vay mới đối với hơn 3 triệu khách hàng với số tiền 111.256 tỷ đồng.
Từ đầu năm đến nay, 17 TCTD đã công bố công khai về các chương trình, sản phẩm tín dụng với lãi suất ưu đãi đối với khách hàng, địa phương bị ảnh hưởng bởi đợt dịch lần thứ 3 và thứ 4. Đây là giải pháp hỗ trợ riêng của các TCTD theo chỉ đạo của NHNN bên cạnh các giải pháp hỗ trợ chung.
Đối với chính sách hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines (VNA), đến nay, có 3 TCTD (SeABank, MSB và SHB) đã có văn bản cam kết tài trợ cho VNA vay với tổng số tiền là 4.000 tỷ đồng, từ nguồn tái cấp vốn của NHNN.
Các TCTD và VNA đang tích cực thực hiện các thủ tục, đàm phán, thống nhất ký kết hợp đồng tín dụng để sớm giải ngân cho vay cuối tháng 6 và tháng 7-2021.
6 tháng cuối năm, NHNN sẽ đẩy mạnh các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhằm nhanh chóng phục hồi sản xuất kinh doanh; tạo điều kiện để mở rộng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh.
Đồng thời, tiếp tục kiểm soát chặt tín dụng trong lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, các dự án BOT, BT giao thông, chứng khoán; tăng cường quản lý rủi ro đối với cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tín dụng tiêu dùng để kịp thời chỉ đạo các TCTD, đảm bảo an toàn hoạt động NH.