Hàng ngàn điều kiện kinh doanh (ĐKKD) bất hợp lý đã được bãi bỏ; công tác kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu đã được đổi mới cơ bản theo nguyên tắc đánh giá rủi ro, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm; số lượng dịch vụ công trực tuyến tăng nhanh...
Theo đánh giá, xếp hạng của các tổ chức quốc tế, MTKD năm 2018 của Việt Nam được cải thiện 13 bậc so với năm 2016. Hơn 50% doanh nghiệp đã đánh giá MTKD thông thoáng, thuận lợi hơn đáng kể. Kết quả cải thiện nhanh, rõ nét của MTKD, nâng cao NLCT được các tổ chức quốc tế đánh giá cao, doanh nghiệp và người dân ghi nhận. Dù vậy, xếp hạng MTKD, NLCT của nước ta mới ở mức trung bình khá trên bình diện quốc tế (xếp thứ 69/190 về MTKD, xếp thứ 77/140 về NLCT).
Trong khu vực ASEAN, chúng ta vẫn chưa vào nhóm 4 nước dẫn đầu (đứng thứ 5 về MTKD, thứ 7 về NLCT). Một số chỉ số có mức cải thiện chậm, thậm chí bị tụt hạng so với khu vực và thế giới. Đáng chú ý, các chỉ số liên quan tới công nghệ, sáng tạo nhằm thích nghi với nền sản xuất mới trong CMCN 4.0 chậm được cập nhật và cải thiện.
Vì thế, mục tiêu tổng quát của Nghị quyết 02 là nâng cao thứ hạng trong các xếp hạng quốc tế của các tổ chức quốc tế về MTKD, NLCT nhằm thích ứng với nền sản xuất mới trong CMCN 4.0. Cải thiện mạnh mẽ MTKD, tăng nhanh về số lượng doanh nghiệp mới thành lập; giảm tỷ lệ doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động; giảm chi phí đầu vào, chi phí cơ hội, chi phí không chính thức cho doanh nghiệp và người dân; phấn đấu MTKD và NLCT nước ta thuộc nhóm 4 nước dẫn đầu khu vực ASEAN.
Nhiệm vụ và giải pháp đầu tiên của Nghị quyết 02 là tăng cường trách nhiệm của các bộ được phân công làm đầu mối theo dõi việc cải thiện các bộ chỉ số; các bộ được phân công chủ trì, chịu trách nhiệm đối với các nhóm chỉ số, chỉ số thành phần. Tiếp tục bãi bỏ, đơn giản hóa các quy định về ĐKKD; thực thi đầy đủ, triệt để những cải cách về ĐKKD đã thực hiện trong năm 2018.
Chủ tịch UBND cấp tỉnh theo dõi, chỉ đạo các sở, ngành, UBND cấp huyện đảm bảo thực thi đầy đủ ĐKKD đã bị bãi bỏ, những nội dung được đơn giản hóa của các quy định về ĐKKD; không tự đặt thêm ĐKKD trái quy định của pháp luật; xử lý nghiêm những cán bộ, công chức không thực hiện đúng, đầy đủ các quy định mới về ĐKKD.
Tiếp tục thực hiện cải cách toàn diện công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành và kết nối Cổng thông tin một cửa quốc gia. Cụ thể, các bộ, cơ quan ngang bộ đến hết năm 2019 thực hiện đầy đủ các nguyên tắc cải cách về quản lý, kiểm tra chuyên ngành, gồm áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro dựa trên đánh giá, phân tích về mức độ tuân thủ của doanh nghiệp và mức độ, quy mô rủi ro của hàng hóa.
Chuyển mạnh sang hậu kiểm, chủ yếu thực hiện tại giai đoạn lưu thông hàng hóa tại thị trường nội địa; minh bạch về danh mục mặt hàng kiểm tra chuyên ngành đã cắt giảm kèm mã số HS trong quý I-2019. Trước tháng 6-2019, hoàn thành rà soát, cắt giảm thực chất 50% mặt hàng thuộc danh mục mặt hàng kiểm tra chuyên ngành và thực hiện việc công khai đầy đủ danh mục này.
Đẩy mạnh thanh toán điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4. Theo đó, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ chỉ đạo thực hiện cung cấp ít nhất 30% số dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền giải quyết ở cấp độ 4…
Có thể nói, Nghị quyết 02 thể hiện rõ tinh thần chỉ đạo “bứt phá đầu tiên là thể chế” trong Thông điệp đầu năm mới 2019 của người đứng đầu Chính phủ về nỗ lực đổi mới, sáng tạo, quyết liệt hành động, tạo nền tảng cho phát triển nhanh và bền vững.