Cùng dự có các đồng chí: Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM; Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM.
Đoàn đã đi thăm và nghe giới thiệu về Trung tâm giám sát điều hành CVPM Quang Trung; Trung tâm viễn thông của Công ty TNHH MTV Phát triển CVPM Quang Trung (QTSC) gồm Trung tâm dữ liệu, Kho dữ liệu dùng chung của thành phố; Bảo tàng QTSC, nơi trưng bày các kỷ vật, hình ảnh, ghi nhận những chặng đường lịch sử phát triển của Công viên, đồng thời là nơi giới thiệu và triển lãm các giải pháp công nghệ mới; Khu nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới với các sản phẩm, giải pháp công nghệ hiện đại đang được nghiên cứu…
Báo cáo với đoàn, ông Lâm Nguyễn Hải Long, Giám đốc QTSC, thông tin tóm tắt quá trình 20 năm hình thành, phát triển CVPM Quang Trung. Tính đến tháng 12-2020, CVPM Quang Trung có 165 doanh nghiệp phần mềm, nội dung số, dịch vụ công nghệ thông tin (trong đó có 52 DN nước ngoài). Doanh số tích lũy giai đoạn 2016-2020 đạt gần 50.170 tỷ đồng, xuất khẩu trực tiếp đạt gần 38.581 tỷ đồng (gần 1,7 tỷ USD). Trong 20 năm qua, ngân sách Nhà nước đầu tư vào CVPM Quang Trung khoảng 275 tỷ đồng, trong khi tổng vốn thu hút của nhà đầu tư và doanh nghiệp là gần 6.740 tỷ đồng. Như vậy, bình quân 1ha đất tại CVPM Quang Trung tạo ra doanh thu gần 1.640 tỷ đồng...
Theo ông Lâm Nguyễn Hải Long, mô hình CVPM Quang Trung được đánh giá là mô hình thành công, được các tổ chức quốc tế đánh giá cao và nhiều địa phương trong cả nước nghiên cứu học tập để rút ra bài học, kinh nghiệm trong quá trình tổ chức xây dựng và phát triển các khu công nghệ. Hiện chuỗi CVPM Quang Trung có 3 thành viên, gồm CVPM Quang Trung, Khu Công nghệ phần mềm Đại học Quốc gia TPHCM (ITP) và Trung tâm Công nghệ thông tin tỉnh Thừa Thiên - Huế (HueCIT).
Ngoài ra, hiện có 7 tỉnh khác cũng quan tâm tham gia vào chuỗi. Nêu rõ định hướng, tầm nhìn phát triển CVPM Quang Trung, ông Lâm Nguyễn Hải Long kiến nghị TPHCM cần có giải pháp phát huy lợi thế mở rộng các hoạt động cung cấp dịch vụ an toàn, an ninh thông tin, điều hành đô thị thông minh, cung cấp trang thiết bị, quản lý hệ thống camera… Điều này nhằm vừa giúp TPHCM tiết kiệm nguồn lực, vừa tạo đà phát triển QTSC trở thành một doanh nghiệp công nghệ chủ lực cho TPHCM.
Đặc biệt, ông Lâm Nguyễn Hải Long kiến nghị TPHCM cho ý kiến chỉ đạo về khu phần mềm thành phố (tại khu đất rộng 2ha ở đường Nguyễn Kiệm, quận Gò Vấp), CVPM Quang Trung tại huyện Củ Chi (rộng 200ha) và địa điểm xây dựng CVPM Quang Trung Thủ Đức. Đối với CVPM Quang Trung Thủ Đức, được thực hiện theo 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 sẽ xây dựng tòa nhà mang tính biểu tượng và giai đoạn 2 (trung hạn) đầu tư phát triển CVPM Quang Trung Thủ Đức trên diện tích khoảng 30-50ha, với thiết kế theo định hướng quy hoạch đô thị, ở vị trí thuận lợi.