Mặc dù chịu ảnh hưởng từ những khó khăn chung nhưng tốc độ tăng trưởng của ngành xây dựng năm 2022 đạt khoảng 8-8,5%, góp phần đưa tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế vượt kế hoạch 6-6,5% của Chính phủ đã đề ra.
Ngay từ đầu năm 2022, ngành xây dựng đã chủ động chọn mục tiêu tạo đột phá; trong đó có hoàn thiện thể chế pháp luật về xây dựng để tăng cường quản lý nhà nước, đồng thời tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng, phân cấp mạnh cho địa phương. Cùng đó, đẩy mạnh quản lý phát triển nhà ở, thị trường bất động sản
Tiếp tục hoàn thiện thể chế
Vụ trưởng Vụ Pháp chế Tống Thị Hạnh cho biết theo thẩm quyền được phân công, Bộ Xây dựng đã ban hành 6 Thông tư và hoàn thiện, sửa đổi, xây dựng tới 5 bộ luật. Đây là một khối lượng công việc khá "đồ sộ."
Cụ thể, Bộ Xây dựng hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) trình Chính phủ, báo cáo Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023; đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, trình Chính phủ thông qua chính sách; báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Đề án hoàn thiện hệ thống định mức và giá xây dựng giai đoạn 2017-2021, đề xuất nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai trong những năm tiếp theo.
Theo bà Hạnh, các văn bản này được đề xuất, ban hành nhằm đáp ứng 3 mục tiêu chính là cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp quản lý nhà nước, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Đồng thời, đề xuất các chính sách mới, giải quyết vấn đề bất cập trên thực tiễn và phải bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Tuy nhiên, bà Hạnh cũng chỉ rõ một số hạn chế. Trong quá trình theo dõi, đánh giá tác động của pháp luật, chính sách trong thực tiễn thi hành, việc phát hiện, đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định pháp luật không còn phù hợp đôi lúc chưa kịp thời. Tình trạng xin rút, điều chỉnh tiến độ, chậm trình ban hành văn bản so với kế hoạch đề ra vẫn còn...
Bởi vậy, năm 2023, yêu cầu tiếp tục hoàn thiện thể chế, pháp luật ngành xây dựng vẫn là yêu cầu cấp bách nhằm thể chế kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, phù hợp với yêu cầu thực tiễn, hội nhập quốc tế, cải thiện môi trường kinh doanh.
Ngoài việc bám sát chủ trương, đường lối của Đảng và yêu cầu thực tiễn để chủ động đề xuất các lĩnh vực cần ưu tiên trong xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và thi hành pháp luật..., cần gắn kết xây dựng pháp luật với tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật, bảo đảm quy định pháp luật được ban hành có tính khả thi cao và đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn - bà Hạnh nêu vấn đề.
Một trong những phương án được ủng hộ là tăng cường lấy ý kiến, đối thoại với doanh nghiệp, hiệp hội để tạo sự đồng thuận, bảo đảm tính minh bạch, khả thi trong việc ban hành và thực thi các văn bản quy phạm pháp luật.
Đồng thời, khẩn trương xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu số, thông tin số về tình hình thực hiện pháp luật ngành xây dựng; tình hình tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về các vướng mắc, bất cập trong quy định pháp luật và thủ tục hành chính.
"Cầm cương" thị trường bất động sản
Kịp thời kiểm soát thị trường bất động sản là một trong những thành công được ghi nhận trong quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng năm 2022.
(Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)
Bộ Xây dựng đã đánh giá toàn diện thị trường để chỉ ra những tồn tại và đề xuất giải pháp nhằm đảm bảo thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh và bền vững.
Dưới vai trò Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các dự án bất động sản, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã tổ chức họp, thành lập Nhóm giúp việc.
Bộ trưởng đã làm việc ngay với một số địa phương như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng cùng các doanh nghiệp bất động sản để rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án.
Cùng với việc thường xuyên theo sát diễn biến tình hình thị trường, Bộ Xây dựng chủ động thông tin dự báo, kịp thời có giải pháp ứng phó khi thị trường có biến động bất thường, kịp thời xử lý các vấn đề "nóng" phát sinh.
Điển hình như việc báo cáo Thủ tướng Chính phủ và thường trực Ủy ban kinh tế Quốc hội về tác động của kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất cao bất thường đến thị trường bất động sản; kiến nghị một số giải pháp liên quan đến việc sửa đổi chính sách, pháp luật về đấu giá và tăng cường quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất tại các địa phương.
Ngoài ra, Bộ còn phối hợp với Ngân hàng Nhà nước để đánh giá cụ thể tình hình, diễn biến dòng vốn vào thị trường bất động sản, đề xuất giải pháp xử lý phù hợp. Tình hình thị trường bất động sản năm 2022 đã có dấu hiệu hồi phục và phát triển với tổng lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền cao hơn so cùng kỳ năm 2021; tỷ lệ hấp thụ sản phẩm ở hầu hết các phân khúc ở mức cao; tỷ lệ trống văn phòng, mặt bằng thương mại cho thuê giảm dần.
Về cơ bản thị trường đã cân bằng trở lại giữa hoạt động đầu tư, kinh doanh với mua bán để sử dụng. Tuy nhiên, thị trường vẫn đang đối diện tình trạng thiếu nguồn cung ở tất cả phân khúc sản phẩm và cơ cấu hàng hóa không phù hợp, thiếu trầm trọng nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ, giá giao dịch tăng cao.
Nguồn cung bất động sản hạn chế tại tất cả các phân khúc. Giá giao dịch nhiều phân khúc vẫn giữ ở mức cao đã được thiết lập tại thời điểm cuối quý 2/2022 ảnh hưởng đến tính thanh khoản và lượng giao dịch của thị trường đặc biệt là thị trường thứ cấp...
Để "cầm cương" thị trường bất động sản, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị yêu cầu rà soát, cắt giảm các thủ tục theo hướng cải cách để "khơi thông" hoạt động đầu tư nhưng vẫn đảm bảo tuân thu quy định pháp luật.
Thời gian tới tiếp tục nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách, giải pháp khuyến khích, thu hút đầu tư nước ngoài vào thị trường bất động sản, khắc phục lệch pha cung-cầu sản phẩm bất động sản; chú trọng khuyến khích phát triển sản phẩm bất động sản đáp ứng nhu cầu lớn của xã hội như nhà ở xã hội, nhà ở thương mại với giá phù hợp.
Cùng đó, hoàn thiện, duy trì thường xuyên hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản; thường xuyên bám sát tình hình thị trường bất động sản để kịp thời điều chỉnh, tháo gỡ những khó khăn, hạn chế, bất cập của cơ chế, chính sách, pháp luật, thiên tai, tác động của dịch COVID-19 đối với thị trường bất động sản, để đảm bảo thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Những "trợ lực" này chính là đòn bẩy giúp ngành xây dựng hoàn thành tốt các nhiệm vụ của năm bản lề 2022, chủ động nhận diện thách thức của năm 2023 để duy trì tốc độ tăng trưởng bền vững.