Tạo sức mạnh DN từ thế “kiềng ba chân”

(ĐTTCO) - Việc gắn kết mối tương tác giữa doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp trong nước với Chính phủ tạo thế “kiềng ba chân” sẽ tăng tính bền vững.

(ĐTTCO) - Việc gắn kết mối tương tác giữa doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp trong nước với Chính phủ tạo thế “kiềng ba chân” sẽ tăng tính bền vững.

 

Với 97% doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp Việt Nam dù đa dạng về lĩnh vực, giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội nhưng số doanh nghiệp có thể vươn ra thị trường thế giới, sánh vai cùng các doanh nghiệp nước ngoài vẫn còn hạn chế. Do đó, cần tăng cường hơn nữa việc gắn kết mối tương tác giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp trong nước với Chính phủ nhằm tạo thế “kiềng ba chân” vững vàng, ổn định và cùng thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế.

Theo Tổng cục Thống kê, tính đến hết tháng 11 năm nay, cả nước có hơn 101.000 doanh nghiệp mới thành lập, như vậy, bình quân cứ 1 tiếng lại có 12 doanh nghiệp ra đời.

Tuy nhiên, dù đông đảo về số lượng song doanh nghiệp Việt Nam lại thiếu những doanh nghiệp lớn, đủ mạnh, đủ tầm, đủ tiêu chuẩn để dẫn dắt cuộc chơi trong nước hay tham gia cuộc chơi hội nhập. Số doanh nghiệp Việt bước ra được thị trường thế giới như Vinamilk, Viettel, Vietnam Airlines… còn rất ít. Báo cáo của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) cho thấy, hiện mới có 21% doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, trong khi con số này tại Thái Lan là 30%, Malaysia là 46%.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, trong những năm qua, dù đã rất thành công trong việc thu hút đầu tư nước ngoài, nhưng Việt Nam đã không đạt hiệu quả tạo ra sự lan tỏa về công nghệ của khu vực đầu tư nước ngoài đối với nền kinh tế. Khu vực đầu tư nước ngoài vẫn tồn tại gần như một ốc đảo trong nền kinh tế Việt Nam. Khu vực kinh tế tư nhân trong nước không kết nối được với khu vực đầu tư nước ngoài.

Chuyển giao công nghệ là một trong những mục tiêu quan trọng của việc thu hút đầu tư nước ngoài. Các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài có trách nhiệm chuyển giao công nghệ nhằm mở rộng mối quan hệ mua bán phụ tùng và sản phẩm từ các doanh nghiệp Việt Nam.

Tuy nhiên, ông Ryu Hang Ha, Đồng Chủ tịch Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam 2016 cho rằng, bên cạnh một số doanh nghiệp không muốn chuyển giao công nghệ, thực tế còn không ít rào cản cho vấn đề này như trình độ kĩ sư ở các địa phương của Việt Nam còn hạn chế.

“Chúng tôi có thể chuyển giao công nghệ, nhưng do năng lực, trình độ nhân lực của Việt Nam còn yếu kém, nên việc chuyển giao cũng bị hạn chế. Đối với các doanh nghiệp ở các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, TP HCM nhân lực có tay nghề không thiếu, nhưng ở các địa phương xa hơn thì nhân lực có tay nghề rất thiếu. Thực tế có rất nhiều doanh nghiệp FDI ở các tỉnh bỏ rất nhiều tiền để đào tạo các kĩ sư mới tốt nghiệp, thậm chí cử ra nước ngoài đào tạo nhưng chỉ sau 2-3 năm họ lại bỏ việc để lên các thành phố lớn nên lại thiếu nhân lực”, ông Ryu Hang Ha nêu rõ.

Bên cạnh đó, thủ tục pháp lý, hành chính vẫn còn nhiều tồn tại, gây khó khăn trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cả trong nước và nước ngoài. Cộng đồng doanh nghiệp cho rằng, Chính phủ và các cơ quan ban ngành cần có những hành động cụ thể, quyết liệt hơn nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư, với những chính sách, những định hướng rõ ràng thể hiện quyết tâm, rút ngắn khoảng cách giữa chính sách và thực tế, cũng như xóa bỏ sự khác biệt giữa văn bản và thực thi.

Bà Virginia B.Foote, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam vẫn sử dụng hệ thống thanh toán khác so với xu hướng của thế giới. Bên cạnh đó, các thủ tục thuế cũng cần được quan tâm cải cách hơn. Đây là điều thực sự quan trọng đối với các mối liên hệ với nền kinh tế toàn cầu.

“Các quy định pháp lý cũng cần thay đổi để đồng bộ hơn, tốt hơn với cộng đồng toàn cầu. Và cuối cùng, chúng tôi muốn đề cập đến tầm quan trọng của giá trị. Giá trị để các quan hệ đối tác đáng tin cậy hơn, các sản phẩm được tốt hơn và được thực hiện đúng thời gian để từ đó nền tảng tổng thể xuất khẩu cho Việt Nam được phát triển bền vững”, bà Virginia B.Foote chỉ rõ.

Để tăng cường mối quan hệ hợp tác hỗ trợ giữa doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài và doanh nghiệp trong nước, việc tạo ra một kênh thông tin để hai bên thấu hiểu lẫn nhau là vô cùng quan trọng. Các chuyên gia cho rằng, cần thành lập một cơ quan giúp kết nối các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài và doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam để dễ dàng tìm được các cơ hội kinh doanh.

Ông Han Dong Hee, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam kiến nghị: Cần thành lập một Ủy ban Hợp tác Đầu tư để cung cấp thông tin về các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiềm năng của Việt Nam cho các doanh nghiệp FDI trước khi đưa ra các tư vấn cho các trường hợp cụ thể.

Bên cạnh đó, cần có một chính sách để lựa chọn, khuyến khích và quảng bá các doanh nghiệp FDI đã tích cực hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam. Ngoài ra, cần tạo ra các chương trình trực tiếp kết nối doanh nghiệp FDI và người lao động trong nước có chất lượng cao để tăng thêm hiệu quả kết nối lao động.

Các chuyên gia nhận định, doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài là cầu nối giữa doanh nghiệp trong nước và sân chơi quốc tế, là cánh cửa để Việt Nam có thể tham gia chuỗi cung ứng, sản xuất toàn cầu.

Các doanh nghiệp trong nước cần phát huy hết sức mạnh của mình, có sự kết nối, hội nhập với các doanh nghiệp FDI cùng với sự hậu thuẫn về chính sách của Chính phủ để tạo nên sức mạnh nội tại của chính mình, chứ nền kinh tế không thể chỉ phụ thuộc vào doanh nghiệp FDI và không thể tồn tại có hai nền kinh tế (tư nhân và nước ngoài) trong một nền kinh tế quốc gia.

Các tin khác