Tập đoàn 7.000 tỷ USD không đứng ngoài cơn khủng hoảng ngân hàng

Tập đoàn Charles Schwab đang bị cuốn vào một cơn bão do chính sách thắt chặt tiền tệ của Fed mang tới.
Tập đoàn 7.000 tỷ USD không đứng ngoài cơn khủng hoảng ngân hàng

Nếu chỉ nhìn bề nổi, sẽ không hợp lý khi cho rằng Charles Schwab đang bị cuốn vào cuộc khủng hoảng ngân hàng gần đây.

Tập đoàn 7.000 tỷ USD

Charles Schwab là một trong những công ty lớn nhất trong ngành môi giới chứng khoán tại thị trường Mỹ và đã hoạt động trong suốt nửa thế kỷ qua. Công ty này đầu tư nhiều vào lĩnh vực tiền ảo như Silvergate Capital và Signature Bank, đồng thời cũng đầu tư nhiều vào lĩnh vực startup và hoạt động đầu tư mạo hiểm như Silicon Valley Bank (SVB). Chỉ có gần 20% các khoản đầu tư tại Schwab vượt quá 250.000 USD - mức bảo hiểm mà FDIC đề ra, trong khi tỷ lệ này ở SVB lên tới 90%.

Công ty này có khối tài sản hơn 7.000 tỷ USD với 34 triệu tài khoản khách hàng và đội ngũ tư vấn chuyên nghiệp. Quy mô của Charles Shwab đã vượt xa các ngân hàng trong khu vực, thế nhưng vẫn xuất hiện nhiều sự hoài nghi về việc công ty này có đứng vững giữa cơn bão khủng hoảng ngân hàng hiện nay. Các nhà đầu tư bắt đầu lo lắng về những rủi ro tiềm ẩn của Charles Schwab. Trong báo cáo tài chính, công ty này đang nắm rất nhiều trái phiếu có kỳ hạn dài và ghi nhận các khoản lỗ chưa thực hiện lên tới 29 tỷ USD tại thời điểm cuối năm 2022.

Trong bối cảnh lãi suất tăng cao, khách hàng của Charles Schwab bắt đầu rút tiền khỏi một số dịch vụ của Công ty. Điều này làm cho Công ty trở nên khó khăn hơn về tài chính vì doanh thu của họ đến chủ yếu từ nguồn tiền gửi nhàn rỗi của khách hàng.

Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu của Schwab đã giảm hơn 25% trong thời gian qua. Một số chuyên gia phân tích Phố Wall dự đoán lợi nhuận của công ty sẽ giảm sút.

Ông Michael Wong, Chuyên viên phân tích của Morningstar, nhận xét: “Schwab lẽ ra nên đưa ra những lựa chọn đầu tư thận trọng hơn”.

Walt Bettinger, CEO Charles Schwab và nhà sáng lập Charles Schwab lên tiếng trấn an các nhà đầu tư, họ cho rằng công ty vẫn đủ tiềm lực tài chính và sẵn sàng chống chọi với cuộc bất ổn hiện nay, đồng thời họ tư vấn cho các nhà đầu tư không nên quá lo lắng tới các khoản lỗ trên giấy.

Cuộc khủng hoảng ngân hàng vừa cho thấy tín hiệu hạ nhiệt trong ngày 27/3, sau khi First Citizens BancShares đồng ý mua lại phần lớn SVB. Động thái này cũng giúp cổ phiếu ngành tài chính tăng vọt, trong đó cổ phiếu của Schwab tăng 3,1%. Dù vậy, cổ phiếu Schwab vẫn còn thấp hơn 42% so với mức đỉnh xác lập vào tháng 2/2022, một tháng trước khi Fed bắt đầu tăng lãi suất.

Giống như SVB, Schwab nắm giữ nhiều trái phiếu dài hạn có lãi suất thấp trong năm 2020 và 2021. Điều này có nghĩa là các khoản lỗ trên giấy tờ của công ty đã tăng lên nhanh chóng khi Fed bắt đầu chiến dịch tăng lãi suất để chống lạm phát. Tuy nhiên, các biện pháp nghiệp vụ đã giúp Schwab không phải trích lập dự phòng và từ đó không tác động tới lợi nhuận và vốn chủ sở hữu.

“Về cơ bản, họ dự báo lãi suất sẽ tăng mạnh. Công ty không biết quá trình tăng lãi suất kéo dài bao lâu hoặc tăng bao nhiêu, nhưng họ phải phòng vệ rủi ro bằng cách chuyển dịch khoản đầu tư”, Stephen Ryan, Giảng viên kế toán tại Trường Kinh doanh Stern thuộc Đại học New York, nhận định.

Quy định về sự chuyển dịch khoản đầu tư trên cũng khá nghiêm ngặt. Nếu đã quyết định chuyển sang khoản nắm giữ trái phiếu tới khi đáo hạn, công ty sẽ buộc phải nắm giữ cho tới ngày đáo hạn.

Theo đó, Schwab phải giữ hơn 150 tỷ USD trái phiếu có lãi suất bình quân 1,74% cho đến ngày đáo hạn. Phần lớn các khoản trái phiếu này (khoảng 114 tỷ USD) phải hơn 10 năm nữa mới đáo hạn.

Tiền gửi ngày càng giảm

Nỗi lo khác là lãi suất cao hơn sẽ làm cho khách hàng ồ ạt rút tiền khỏi các tài khoản của Schwab.

Một trong những nguồn doanh thu chính của Schwab đến từ tiền nhàn rỗi của khách hàng. Thông thường, Schwab sẽ chuyển tiền gửi từ tài khoản chứng khoán sang ngân hàng của mình, rồi tái đầu tư số tiền này vào các sản phẩm trả lãi suất cao hơn. Năm ngoái, thu nhập lãi thuần (NIM) chiếm 51% tổng doanh thu thuần của Schwab.

“Schwab phụ thuộc vào lượng tiền nhàn rỗi ở các tài khoản chứng khoán”, Allan Roth, nhà sáng lập của công ty hoạch định tài chính Wealth Logic, nhận định.

Với lãi suất tăng nhanh chóng trong thời gian qua, khách hàng hoàn toàn có lý do để chuyển tiền sang nơi khác. Nhiều quỹ thị trường tiền tệ đang có mức lãi suất lên tới 4%, còn tài khoản chuyển gửi (sweep account) của Schwab chỉ trả lãi suất 0,45%.

Hiện vẫn chưa rõ khách hàng sẽ rút bao nhiêu tiền khỏi các tài khoản chứng khoán của Schwab. Đội ngũ chuyên viên của Schwab thừa nhận rằng hoạt động rút tiền của khách hàng đã tăng trong năm 2022.

Khi lãi suất tăng nhanh trong năm 2022, công ty đã bị khách hàng ồ ạt rút tiền khỏi tài khoản và chuyển sang các loại tài sản có lãi suất cao hơn. Làn sóng rút tiền ngày càng nhiều hơn”, Schwab cho biết trong báo cáo thường niên.

Tăng vay nợ

Để chống đỡ sự thiếu hụt thanh khoản, Schwab đã vay 12,4 tỷ USD thông qua hệ thống FHLB tại thời điểm cuối năm 2022. Hiện Công ty này có khả năng vay tới 68,6 tỷ USD từ FHLB, theo báo thường niên của Schwab.

Các chuyên viên phân tích đang cân nhắc các yếu tố trên trong các báo cáo khuyến nghị của mình. Trong đó, Barclays và Morningstar đã hạ giá mục tiêu với cổ phiếu Schwab trong vài tuần gần đây.

CEO Bettinger và nhà sáng lập Schwab cho biết sự uy tín của Công ty sẽ giúp khách hàng vượt qua đợt khó khăn tài chính hiện tại như những gì đã làm trong hơn 50 năm qua.

Các tin khác