Tuy nhiên, do chưa được đầu tư đồng bộ nên một số TTC, điểm hẹn, tập kết rác còn đang gây ô nhiễm môi trường. Trong đó, chủ yếu là ô nhiễm về nước rỉ rác, mùi hôi thối, rác đổ bừa bãi, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Thiếu trạm trung chuyển đạt chuẩn
Theo Sở TN-MT TPHCM, để giám sát chất lượng vệ sinh môi trường trên địa bàn theo Chỉ thị 19 của Thành ủy, công tác kiểm tra vệ sinh môi trường tại các TTC được thực hiện theo tần suất tối thiểu 2 lần/tháng. Ghi nhận thực tế cho thấy, tình hình vệ sinh tại hầu hết TTC trên địa bàn thành phố đạt yêu cầu (sàn công tác được vệ sinh, có thực hiện phun xịt khử mùi, có vận hành hoạt động hệ thống xử lý khí thải, nước thải, không để chất thải rắn sinh hoạt tràn ra khu vực lưu chứa, có sổ nhật ký phương tiện ra - vào trạm).
Tuy vậy, vẫn còn một vài nơi ghi nhận chất lượng vệ sinh môi trường chưa được đảm bảo. Tại một số TTC quận huyện còn tình trạng chất thải rắn tràn ra khỏi khu vực lưu chứa trong khoảng thời gian cao điểm, chất thải rắn để tồn đọng qua đêm với khối lượng lớn, sàn công tác TTC xuống cấp, bùn đất và nước rỉ rác lầy lội, gây mất vệ sinh... Tại một số điểm hẹn rác, thường xuyên có tình trạng thải đổ chất thải rắn sinh hoạt trực tiếp xuống mặt đường gây ô nhiễm môi trường, gây bức xúc cho người dân.
Ghi nhận tại điểm hẹn thu gom rác thải trên đường Hùng Vương, phường 1, quận 10, sau khi thu gom rác thải sinh hoạt từ các con hẻm, do không được đầu tư trạm nên rác thải phần lớn chỉ được để trên xe thu gom, có những xe do số lượng rác nhiều nên chảy tràn cả ra lòng đường, nước rỉ rác bốc mùi hôi khó chịu. Nước từ các xe chở rác rò rỉ lâu ngày đã làm biến màu mặt đường Hùng Vương một đoàn dài.
Rác thải đủ loại thu gom trên địa bàn được đưa về đây, chất trên những xe ba gác thô sơ, xếp thành hàng dài, nhân viên thu gom luôn phải túc trực để xử lý. Tương tự, tại điểm tập kết rác trên đường Điện Biên Phủ (đoạn nối với đường Ung Văn Khiêm, thuộc phường 25, quận Bình Thạnh) không được che chắn kín, rác bốc mùi nồng nặc, bay thẳng vào nhà dân.
Liên quan đến vấn đề này, Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM Huỳnh Minh Nhựt cho biết, việc tăng nhanh chóng chất thải rắn đô thị trên địa bàn thành phố, khoảng 6%-9%/năm, cộng thêm tính chất, thành phần chất thải đa dạng gây áp lực cho các nhà quản lý và các đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải.
Không dừng lại đó, công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn còn dàn trải, chưa tập trung; phương tiện, thiết bị, công nghệ thu gom, vận chuyển và xử lý chưa đồng bộ, hiện đại; tỷ trọng rác do lực lượng dân lập thu gom cao là những nguyên nhân dẫn đến sự thiếu đồng bộ trong công tác thu gom, vận chuyển, xử lý, làm ảnh hưởng đến chất lượng môi trường và mỹ quan đô thị.
Ở góc độ khác, đại diện nhiều quận huyện cho rằng, do thiếu quỹ đất nên rất nhiều nơi trên địa bàn thành phố đã tận dụng vỉa hè, lòng lề đường, thậm chí là công viên để làm nơi tập kết, trung chuyển rác thải sinh hoạt. Việc không được đầu tư đúng yêu cầu kỹ thuật dẫn đến tình trạng nhiều điểm tập kết rác gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị.
Nghiên cứu ngầm hóa các trạm trung chuyển
Trước thực tế trên, Giám đốc Sở TN-MT TPHCM Nguyễn Toàn Thắng cho biết, thành phố đã quy hoạch mạng lưới TTC chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố định hướng đến năm 2025. Theo đó, có 40 TTC (13 TTC khu vực và 27 TTC phục vụ quận, huyện) tại 19 quận, huyện được đầu tư sử dụng công nghệ ép rác kín, trang bị đầy đủ hệ thống xử lý môi trường, tiếp nhận chất thải rắn sinh hoạt, các chất thải nguy hại và các hệ thống hiện đại khác như cân, hệ thống camera, hệ thống phần mềm theo dõi khối lượng chất thải tiếp nhận tại trạm, chất lượng môi trường của trạm...
Trên thực tế, sở cũng đã hướng dẫn UBND quận huyện đầu tư 9 TTC rác thải. Trong đó có 3 trạm đang triển khai xây dựng tại quận 12 và quận Thủ Đức; 6 trạm đang xin chủ trương đầu tư phân đều ở các quận Bình Tân, quận 9, huyện Củ Chi, Nhà Bè. UBND TPHCM cũng đã giao Sở TN-MT phối hợp với đơn vị hoàn chỉnh nội dung Đồ án quy hoạch xử lý chất thải rắn TPHCM đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050.
Đối với các TTC rác thải, tập trung nghiên cứu quy hoạch trạm trung chuyển chất thải rắn trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, tiến tới xóa bỏ các TTC nằm trong khu dân cư đông. Bên cạnh đó, các đơn vị liên quan đảm bảo mục tiêu giảm số lượng, tăng diện tích và công suất của các TTC, giảm điểm hẹn thu gom chất thải rắn sinh hoạt trên đường phố. Các trạm chất thải phải được quy hoạch trên các tuyến đường vành đai của thành phố, thuận lợi giao thông, xa khu dân cư, đồng thời nghiên cứu công nghệ ép kín và xây dựng ngầm các trạm.
Ông Huỳnh Minh Nhựt cho biết thêm, công ty đang quản lý, vận hành và nâng cấp 2 trạm trung chuyển liên vùng được UBND TPHCM cho tiếp tục vận hành, mở rộng và nâng cấp giai đoạn 2020-2025. Không chỉ dừng hoạt động trung chuyển, tại các TTC sẽ triển khai phân loại rác thải bao bì nhựa từ lực lượng thu gom rác dân lập, tạo nền tảng để nghiên cứu sản xuất nguồn nguyên liệu thứ cấp phục vụ cho hoạt động tái chế, tái sử dụng, giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường và thiết lập mô hình kinh tế tuần hoàn. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả hoạt động của các TTC, rất cần thực hiện hiệu quả hoạt động phân loại rác tại nguồn.
TPHCM đang đẩy mạnh chương trình phân loại rác tại nguồn để giảm tải cho quá trình thu gom và xử lý rác thải. Để chương trình có hiệu quả, thành phố không chỉ đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân trong việc xả rác mà còn phải đầu tư mạnh cho phương tiện thu gom, TTC và các nhà máy xử lý rác.
Để xử lý tình trạng ô nhiễm tại các điểm tập kết rác thải hiện nay, thành phố vạch ra một lộ trình thật cụ thể. Trước mắt, ở những điểm tập kết, TTC quá tải, buộc đóng cửa và điều chuyển rác đi nơi khác. Trong kế hoạch dài hơi, thành phố quy hoạch quỹ đất cho các TTC đạt tiêu chuẩn. Nếu thực hiện đồng bộ được các yếu tố này thì vấn đề quản lý, xử lý rác thải của thành phố chắc sẽ được cải thiện rõ rệt.