Trong cuốn sách, Daigo chỉ ra rằng ngày còn đi học, bạn quyết tâm học bài xong mới nghỉ ngơi xem tivi, nhưng chỉ cần nhạc hiệu chương trình yêu thích vang lên ngoài phòng khách, bạn đã phân tâm, không còn muốn làm bài nữa. Đến lúc đi làm, bạn chỉ tập trung làm việc được 30 phút, sau đó phải lướt web, mua sắm online, đọc báo lá cải xong mới có thể quay lại làm việc tiếp.
Nguyên nhân của tình trạng trên chỉ do: mất tập trung. Do đó, cuốn sách giới thiệu những phương pháp khoa học giúp tăng cường khả năng tập trung, dựa trên kinh nghiệm thực tế của nhà tâm thần học nổi tiếng xứ sở mặt trời mọc Daigo.
Thông qua những phương pháp trong cuốn sách sẽ giúp độc giả có cách tập trung vào một hành động và dần biến nó thành thói quen vững chắc. Sau đó, có được sự tập trung tối thượng, năng suất làm việc cũng cao hơn nhiều người bình thường. Năng lực tập trung sẽ trở thành vũ khí cả đời cho phép bạn kiểm soát toàn bộ cuộc sống của mình như mong muốn.
Nghiên cứu của nhà tâm lý học Mark Muraven và các đồng nghiệp về cảm giác mệt mỏi của não bộ và giảm động lực đã chứng minh rằng: Tình trạng giảm quyết tâm, động lực và cảm giác mệt mỏi của não bộ không phải là hiện tượng có thật, nó khác với tình trạng tương tự ở cơ thể, chẳng hạn sự tích tụ các chất gây mệt mỏi và suy giảm vận động cơ bắp.
Sự tập trung không phải là đặc tính bẩm sinh mà là một khả năng có được thông qua rèn luyện. Khi đầu óc bạn có thể tập trung cao độ, công việc sẽ được thực hiện một cách suôn sẻ và nhanh chóng hơn. 24 giờ mỗi ngày là tài sản được trao bình đẳng cho tất cả mọi người.
Tuy nhiên, khi bạn có thể tự do kiểm soát năng lực tập trung của mình, những việc bạn làm được trong 24 tiếng sẽ rất khác biệt. Bí quyết nằm ở việc biến hoạt động thường ngày thành thói quen vững chắc. Khi tập trung, chúng ta sử dụng phần thùy trán của não bộ, nhưng nếu tập thành thói quen, tiểu não sẽ thay thùy trán đảm nhận việc này. Sự mệt mỏi của thùy trán giảm đáng kể do không phải xử lý, từ đó bạn có thể kéo dài thời gian tập trung.
Từ đây, bạn có thể lên một danh sách những việc cần làm hàng ngày, điều gì duy trì cố định, nên thực hiện vào khung giờ nào là hiệu quả nhất… Những hành động như ăn uống, ngủ nghỉ cũng cần sắp xếp thời gian cụ thể để bạn chỉ việc làm theo, không phải đắn đo suy nghĩ dẫn đến tiêu hao sức mạnh ý chí.
Ngoài ra, hãy gạt bỏ những thói quen, đồ vật khiến bạn phân tâm trong quá trình làm việc. Chẳng hạn không để điện thoại trước mặt trong khi muốn đọc sách, học tiếng Anh… Đừng để những đồ vật có cơ hội khiến bạn nảy sinh suy nghĩ khác trước mặt khi muốn dồn toàn bộ sự tập trung cho công việc.
Cuối cùng, đừng quên đưa vào lịch trình hàng ngày những quãng nghỉ hợp lý để vận động nhẹ nhàng, cho mắt nghỉ ngơi, đứng dậy đi lại, ăn nhẹ… để phục hồi sự tập trung sau một thời gian dài làm việc.