Tắt nghẽn chuỗi cung ứng toàn cầu: Ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc mua sắm dịp lễ cuối năm

(ĐTTCO) - Các công ty bán lẻ cho biết họ đang chứng kiến sản lượng bị sụt giảm khi các nhà máy tại Đông Nam Á phải vật lộn để duy trì hoạt động trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát. Thiếu hàng tồn kho vì vấn đề vận chuyển ảnh hưởng đến việc mua sắm vào các kỳ nghỉ lễ cuối năm. Đây là một hệ quả khác của cuộc khủng hoảng vận chuyển liên quan đến đại dịch Covid-19 trong thời gian qua làm tê liệt chuỗi cung ứng toàn cầu.
Cảng Los Angeles trên vịnh San Pedro, California, Hoa Kỳ (Ảnh: REUTERS)
Cảng Los Angeles trên vịnh San Pedro, California, Hoa Kỳ (Ảnh: REUTERS)

Sự chậm trễ trong cung ứng hàng hóa

Chỉ còn vài tuần nữa là đến Halloween, người mua sắm trên khắp nước Mỹ đang bắt gặp những kệ hàng trần trụi, những biển hiệu “cháy hàng” trên khắp các trang bán hàng trực tuyến khi họ săn lùng đồ trang trí và hóa trang.

Theo thông lệ hằng năm, vào thời điểm này, các công ty sẽ giao khoảng hơn 90% hàng hóa đến các cửa hàng của mình, các sản phẩm được định giá và sẵn sàng lên kệ để phục vụ khách hàng. Nhưng tính đến hiện tại, mới chỉ khoảng 80% số hàng hóa được gửi đi. Phần còn lại sẽ được giao vào tuần thứ ba của tháng 10 – tức là khoảng một tuần trước Halloween hoặc thậm chí, có nhiều nhà bán lẻ phải chấp nhận các sản phẩm sẽ chưa thể lên kệ trước ngày 31/10. Tác động của sự chậm trễ trong việc vận chuyển hàng hóa đã bắt đầu kể từ mùa xuân năm nay.

Bên cạnh Halloween, Lễ Tạ Ơn, Black Friday, Lễ Giáng Sinh cũng được dự đoán sẽ chịu tác động nặng nề tương tự. Không chỉ riêng ngành hàng bán lẻ đồ trang trí, hóa trang mà hầu hết ngành hàng khác như điện tử tiêu dùng, đồ nội thất, thiết bị gia dụng, đồ chơi trẻ em và may mặc cũng bị ảnh hưởng bởi các vấn đề liên quan đến đình trệ trong việc sản xuất, cung ứng hàng hóa đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Theo dự báo của Bain, Deloitte và Mastercard, doanh số bán hàng trong dịp lễ năm nay sẽ tăng ít nhất 7% so với năm ngoái. Tuy nhiên, đối với các nhà bán lẻ, tình trạng thiếu nhân công và dịch bệnh Covid bùng phát ở các khu vực khác trên thế giới có thể khiến việc nhanh chóng đưa các mặt hàng lên kệ và đến tay của người tiêu dùng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

Các siêu thị, các công ty tiêu dùng chủ lực cho đến các công ty thương mại điện tử đang đối phó với tình trạng khan hiếm tài xế xe tải ở nhiều nơi trên thế giới cũng như thiếu hụt container chở hàng đúng nơi, đúng giá.

Dây chuyền sản xuất “đình trệ” tại Đông Nam Á

Theo Khảo sát nhanh của Cục Điều tra Dân số, tính đến giữa tháng 9, hơn một phần ba (khoảng 35%) các doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực hậu cần, bao gồm các công ty vận tải đường bộ, gặp khó khăn khi tìm kiếm nhân viên cho các vị trí trống.

Mối đe dọa càng tăng thêm căng thẳng khi đại dịch Covid-19 bùng phát khắp châu Á - nơi sản xuất chip máy tính, nguyên liệu thô và hàng tiêu dùng thành phẩm như giày thể thao, đồ chơi và ô tô với sự gia tăng của biến chủng Delta đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động kinh doanh trong khu vực, buộc các nhà máy và cảng phải đóng cửa, làm đình trệ nền kinh tế và phá vỡ chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đặc biệt, Việt Nam là một điểm nghẽn đáng lo ngại. Nhà cung cấp quần áo và giày dép lớn thứ hai đã thu hút đầu tư trong những năm gần đây từ các công ty toàn cầu đang tìm kiếm giải pháp thay thế Trung Quốc làm cơ sở sản xuất, một xu hướng gia tăng cùng với căng thẳng thương mại Mỹ-Trung.

Tại Việt Nam, một số công ty cung cấp sản phẩm cho các hãng như Nike, Adidas đã thông báo tạm ngừng đóng cửa nhà máy trong vài tuần để phòng chống sự lây lan của dịch và chỉ vừa mới mở cửa hoạt động trở lại gần đây. Tuy nhiên, hàng triệu người lao động rời khỏi trung tâm nhà máy của đất nước - nơi có các nhà cung cấp cho các công ty bao gồm Abercrombie & Fitch Co., Nike Inc. và Adidas AG như một đòn giáng nữa vào chuỗi cung ứng đang gặp khó khăn của thế giới khi các nhà bán lẻ phương Tây chuẩn bị cho mùa mua sắm Giáng sinh quan trọng.

Nguy cơ công nhân rời đi ngày càng gia tăng củng cố cảnh báo của các lãnh đạo ngành về tình trạng thiếu lao động sắp xảy ra sau khi nhiều người trở về các tỉnh trong thời gian bị khóa cứng khi các nhà máy được lệnh thiết lập “3 tại chỗ” hoặc tạm thời đóng cửa.

Năm ngoái, các nhà máy tại Việt Nam sản xuất khoảng 50% tổng số giày dép mang nhãn hiệu Nike.

Gã khổng lồ về thiết bị thể thao - Adidas cũng không nằm ngoài sự tác động của đại dịch Covid-19.

Trên hết, lạm phát hàng hóa hoành hành và sự gián đoạn chuỗi cung ứng liên tục đang đe dọa lợi nhuận của doanh nghiệp. Việc suy giảm nguồn cung ứng này có thể dẫn đến suy thoái trong việc phục hồi và phát triển kinh tế toàn cầu.

Những nỗ lực “tạm thời” của các doanh nghiệp

Các nhà bán lẻ muốn chuyển hàng hóa nhanh chóng từ cảng đến cửa hàng và đến nhà khách hàng, nhưng điều đó sẽ khó khăn nếu họ không có đầy đủ nhân viên.

Trước tình hình các công ty chuyên sản xuất giày dép nổi tiếng như Pouchen Corp, Feng Tay chưa thể ổn định nhịp sản xuất ngay lập tức để đáp ứng nhu cầu sản lượng đặt ra, Nike và Adidas đã liên hệ với các đối tác của mình nhằm giảm thiểu tác động của việc ngừng hoạt động sản xuất hiện tại đối với hoạt động kinh doanh của công ty, tạm thời phân bổ sản xuất  cũng như chuyển một số đơn đặt hàng sang các quốc gia khác.

Lululemon đang nỗ lực giải quyết các vấn đề liên quan đến cảng bị tồn đọng bằng cách thuê thêm vận tải hàng không. Đây là chiến lược mà một số nhà bán lẻ đang áp dụng, nhưng nó làm chi phí vận chuyển bị “đội” lên rất nhiều.

Dick’s Sporting Goods chia sẻ, họ sẽ thuê số lượng nhân sự thời vụ lớn nhất trong lịch sử của công ty cho mùa lễ năm 2021 để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng.

Giám đốc điều hành của Walmart - Doug McMillon cho hay vào đầu tháng này, dự kiến thuê 20.000 nhân viên, gồm điều phối, vận chuyển hàng hóa và tài xế, để đáp ứng nhu cầu trong mùa mua sắm bận rộn và hơn thế nữa.

Theo các công ty, năm nay sẽ ít đi những đợt khuyến mãi, giảm giá sâu và phong phú do chi phí phát sinh tăng đáng kể, lượng hàng tồn kho hạn chế tại các cửa hàng, thời gian giao hàng lâu hơn do những khó khăn của chuỗi cung ứng và tình trạng thiếu hụt lao động mang lại.

Salesforce ước tính chi phí hàng hóa bán cho các nhà bán lẻ Hoa Kỳ sẽ tăng hơn 223 tỷ USD trong mùa lễ này so với một năm trước, do chi phí vận chuyển, sản xuất và lao động tăng vọt.

Các tin khác