Cho nên, cái câu “hòn đất mà biết nói năng” không chỉ liên quan kết cục “thầy địa lý hàm răng chẳng còn”, mà tác động sâu sắc đến đời sống xã hội. “Sốt đất” lan tràn từ thành phố đến nông thôn, khiến cuộc tìm kiếm “miếng đất cắm dùi” chứa đựng 1.001 điều thị phi.
Người Việt sinh ra và lớn lên trên nền văn minh lúa nước. Sự tích tụ “đất lề quê thói” đã đúc kết rất nhiều kinh nghiệm mưu sinh trên đất, từ “đất thiếu trồng dừa, đất thừa trồng cau”, đến “đất màu trồng đậu trồng ngô/ đất lầy cấy lúa, đất khô làm vườn”. Vậy mà, cái tập quán canh tác “khoai đất lạ, mạ đất quen” và bản lĩnh thu hoạch “hòn đất nỏ là một giỏ phân” vẫn ái ngại thời tiết “mưa tháng ba hoa đất, mưa tháng tư hư đất”.
Thời hội nhập, những số phận “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” bỗng dưng phát hiện sự thật choáng váng là họ đang ăn, ngủ, hít thở trên... khối tài sản khổng lồ. Thế nhưng, lời kêu gọi khẩn thiết “ai ơi đừng bỏ ruộng hoang/ bao nhiêu tấc đất, tấc vàng bấy nhiêu”, không phải sự giục giã đi cấy đi cày nữa, mà hướng đến tư duy chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Đành rằng, “đất có chỗ bồi chỗ lở”, song phải đủ tiêu chí “đất lành chim đậu” mới mong có dự án biến đất nông nghiệp thành đất thổ cư, để “người lười, đất không lười” vẫn đột ngột giàu lên sau một giấc ngủ chập chờn mộng mị.
Những con người chân lấm tay bùn bắt đầu được khai sáng bởi những kẻ môi giới bất động sản giương cao khẩu hiệu “buôn vàng thì lỗ, buôn thổ thì lời”. Quá đúng, người có thể sinh ra thêm, nhưng đất thì không. Kỹ thuật “đất chăng dây, cây cắm sào” được áp dụng linh hoạt hơn và từng bước nâng cấp thành công nghệ phân lô bán nền. Thật khó kể hết bao nhiêu dự án ma đã mọc lên từ những mảnh đất bình yên. Tính riêng vụ án Công ty Alibaba tại TPHCM đã có 4.316 nạn nhân với hơn 2.264 tỷ đồng bị chiếm đoạt. Ai cũng nghĩ bản thân có thể phất lên từ đất, khiến chiêu trò lừa đảo được dịp nảy nở.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong một lần tiếp xúc cử tri Hà Nội, đã lên tiếng: “Nhiều người giàu lên vì đất, nhưng nhiều người khốn khổ, nghèo đi về đất, mất cả tình cảm gia đình vì đất. Vừa qua, 75% khiếu kiện cũng xung quanh vấn đề đất đai. Không có đất sao có lúa gạo để ăn no, mặc ấm. Do đó, đất đai là loại tư liệu sản xuất đặc biệt và vô cùng quan trọng”.
Đất đai được xác định là sở hữu toàn dân, nên đối tượng có khả năng xâm hại đất đai nhất là những kẻ đang chiếm lợi thế nhất thời trong cộng đồng. Đã có rất nhiều biệt thự, biệt phủ, khu nghỉ dưỡng của quan chức được xây dựng trên đất rừng phòng hộ, đất lúa. Thí dụ, biệt thự của đại gia Nguyễn Hồng Sơn ở phường Chánh Lộ, thành phố Quảng Ngãi rộng hàng ngàn mét vuông rất nguy nga. Song ngoài những khối nhà được phép xây dựng, công trình có tòa nhà đồ sộ trên đất lúa hơn 620m. Chưa hết, chủ nhân còn ngang nhiên chiếm gần 110m2 đất thủy lợi và đất giao thông do Nhà nước quản lý để xây dựng hồ cá, tiểu cảnh, trồng cây cảnh...
“Đất có thổ công, sông có hà bá” là quan niệm xa xưa, vì hôm nay đất có quy luật thị trường riêng. Khung giá đất được Chính phủ ban hành 5 năm 1 lần, để làm cơ sở định giá đất theo mục đích sử dụng và theo khu vực dân cư. Nhưng nhiều địa phương áp dụng thêm hệ số điều chỉnh giá đất hàng năm, và xuất hiện hàng loạt giá khác nhau. Theo đó, giá đất để bồi thường giải phóng mặt bằng, giá đất bán chỉ định, giá đất để thu thuế của doanh nghiệp và giá đất để cổ phần hóa… đều do Hội đồng thẩm định giá đất địa phương quyết định, dẫn đến mỗi nơi một kiểu. Cho nên, “đất cũ đãi người mới”, tình trạng lạm dụng quyền lực và tham nhũng trong lĩnh vực đất đai vô cùng phức tạp.
Chẳng hạn, vụ án đất vàng ở Bình Dương dính líu đến các quan chức đầu tỉnh, đã hé lộ chi tiết rất “hài” là bị cáo Dương Đình Tâm được xác định nắm giữ 45% cổ phần của Công ty Âu Lạc (đơn vị liên doanh với Tổng Công ty 3-2 trực thuộc Tỉnh ủy Bình Dương để mua rẻ 43ha đất vàng), khẳng định bản thân chỉ đứng tên dùm người khác còn mình có nghề bán thịt heo. Sau cơn sốt đất hạ nhiệt vì khuất tất được phanh phui, nhiều đại gia bất động sản cũng bị khởi tố. Hoàn cảnh của các đại gia bất động sản đều dở khóc dở mếu “chim quyên xuống đất ăn giun, anh hùng lỡ vận lên nguồn đốt than”. Kỳ lạ hơn, những doanh nghiệp bất động sản lâu lâu lại giở trò “vụng múa chê đất lệch” để kiến nghị Chính phủ giải cứu, mà những lúc hốt bạc không nghe họ yêu cầu được nộp thêm thuế vào ngân sách.
Người ta thường ví von việc các quan chức bị kỷ luật do liên quan đến đất đai là những kẻ “ăn đất”. Nhưng trong tập truyện “Gia tộc ăn đất” của Lê Minh Nhựt được giải thưởng Văn học Tuổi Hai Mươi, lại miêu tả hành vi ăn đất đúng nghĩa đen: “Chú Út cầm từng viên đất moi được dưới ruộng lên và đưa vào miệng mình nhai, nuốt một cách ngon lành... Chú Út vẫn ăn uống bình thường như những người khác nhưng mỗi bữa chú ăn thêm vài hòn đất, được phơi khô qua vài ba tháng. Thỉnh thoảng chú cũng chế biến: thay vì chỉ toàn ăn đất thì chú trộn thêm vài loại gia vị như hành, tiêu, tỏi, ớt...”. Ngay khi kề cận cái chết, chú Út chẳng thèm cơm, chỉ thèm ăn vài cục đất ruộng “Cha tôi ứa nước mắt, ngồi xuống ôm lấy người em trai vỗ về: Của chú tất cả, cứ để dành đó. Ăn từ từ coi chừng mắc nghẹn”. Bởi vậy, đừng ai tin “ghét nhau đào đất đổ đi” nữa nhé.
Dù đã có nhiều văn bản quyết tâm bảo vệ đất lúa và đất rừng, nhưng “bờ xôi ruộng mật” vẫn đang từng ngày hao hụt một cách trớ trêu theo kiểu “đất có tuần, dân có vận”. Đất nông nghiệp đang được “phù phép” thành đất dịch vụ kết hợp du lịch, vì những kẻ vàng kho bạc đống không còn thích cảnh chen lấn đô thị ngột ngạt nữa. Đất ngoại ô, đất nông thôn bắt đầu mọc lên những biệt thự vườn, biệt thự nghỉ dưỡng đáp ứng nhu cầu “Anh về cuốc đất trồng cau/ Cho em giâm ké dây trầu một bên/ Chừng nào trầu nọ bén lên/ Cau kia ra trái lập nên cửa nhà”.