Nhân dịp đầu Xuân Nhâm Dần 2022, Báo ĐTTC có cuộc trao đổi với ông TRẦN VIỆT TRƯỜNG (ảnh), Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ xung quanh vấn đề phát triển của thành phố.
PHÓNG VIÊN:- Thưa ông, trong năm qua tình hình dịch Covid-19 diễn biến kéo dài đã ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh, cũng như đời sống người dân. Là thành phố trung tâm của vùng, Cần Thơ vừa ứng phó vừa duy trì mục tiêu phát triển kinh tế thế nào?
Ông TRẦN VIỆT TRƯỜNG: - Năm 2021, bối cảnh nền kinh tế trong nước có chuyển biến tích cực, tiếp nối những kết quả quan trọng, ấn tượng và toàn diện đạt được năm 2020. Tuy nhiên, khoảng tháng 5 khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại ở nhiều địa phương, đã tác động lớn đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân.
Tại TP Cần Thơ, dịch bùng phát trở lại vào giữa tháng 7-2021 buộc phải thực hiện giãn cách xã hội để tập trung phòng chống dịch; từ đó ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh, chuỗi cung ứng, thu ngân sách và đời sống người dân.
Dưới sự chỉ đạo của Trung ương, cùng Thành ủy, HĐND TP Cần Thơ và sự đồng hành, tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, người dân; sự điều hành quyết liệt của UBND thành phố quyết tâm khôi phục sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống, thích ứng với tình hình mới trong phòng chống dịch Covid-19.
Sau thời gian tập trung thực hiện các giải pháp phòng chống dịch, kinh tế dần phục hồi; UBND thành phố đã ban hành các văn bản nhằm khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội.
Đây là tiền đề quan trọng để mở rộng quy mô sản xuất, khôi phục chuỗi cung ứng, kết nối giao thương hàng hóa; đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống thích ứng với tình hình mới; phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2021…
- Vậy đâu là những kết quả quan trọng mà thành phố đạt được trong năm qua, thưa ông?
Xây dựng và phát triển Cần Thơ trên cơ sở khai thác, phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế của thành phố, của vùng ĐBSCL, nhất là vai trò trung tâm vùng, vị trí cửa ngõ của vùng hạ lưu sông Mekong; cảng biển và cảng hàng không quốc tế... |
Trong năm 2021, TP Cần Thơ cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 6 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký hơn 1,31 tỷ USD; tính đến nay có 86 dự án FDI, với tổng vốn hơn 2 tỷ USD.
Đối với đầu tư trong nước, TP Cần Thơ cũng cấp mới cho 3 dự án, với tổng vốn đầu tư 1.622 tỷ đồng; tính đến cuối năm thành phố có 104 dự án đang thực hiện, tổng diện tích 3.323ha, tổng vốn đầu tư theo chủ trương là 135.615 tỷ đồng…
Có kết quả trên là do thành phố không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư ngoài ngân sách...
Thành phố triển khai nhiều giải pháp nhằm tạo môi trường kinh doanh minh bạch, thông thoáng; cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết cũng như giảm bớt các thành phần hồ sơ không phù hợp; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp gia nhập thị trường.
Đối với sản xuất nông nghiệp tương đối thuận lợi, năng suất cây trồng, chăn nuôi, thủy sản đạt khá. Tổng diện tích lúa gieo trồng 222.376ha, vượt 7,47% kế hoạch; sản lượng thu hoạch khoảng 1,4 triệu tấn, vượt 12% kế hoạch...
Một góc thành phố Cần Thơ.
- Đâu là những mục tiêu mà TP Cần Thơ đặt ra trong năm mới 2022?
- Năm 2022, TP Cần Thơ sẽ đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ thông tin, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển nền kinh tế số, xã hội số; nâng cao năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh, tính tự chủ, khả năng chống chịu của nền kinh tế; tạo động lực phục hồi với tốc độ tăng trưởng cao, hiệu quả hơn.
Bên cạnh đó, thành phố sẽ chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, năng suất lao động. Rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách để huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực phát triển thành phố.
Đặc biệt, Cần Thơ tiếp tục đầu tư phát triển nhanh, mạnh, đồng bộ và bền vững kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông, hệ thống cảng, dịch vụ logistics. Chú trọng phát triển thị trường nội địa, nâng cao sức tiêu dùng trong nước và phát triển thương hiệu.
Đẩy mạnh chuỗi siêu thị tiện lợi, siêu thị bán lẻ, cửa hàng tự chọn và đa dạng hóa các phương thức kinh doanh mới, cung ứng hàng hóa theo hướng chuyên nghiệp; phát triển thương mại điện tử. Mở rộng thị trường xuất nhập khẩu, đa dạng hóa đối tác, hạn chế phụ thuộc vào một số thị trường.
Song song đó, phục hồi, kích cầu du lịch, cơ cấu lại ngành du lịch, bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại, phát triển trong điều kiện “bình thường mới”. Phát huy hiệu quả vai trò trung tâm vùng, vị trí cửa ngõ của vùng hạ lưu sông Mekong gắn với thế mạnh đường bộ, đường thủy và đường hàng không.
Phấn đấu tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 7,5%/năm; thu nhập bình quân đầu người năm 2022 đạt 77,5 triệu đồng. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội dự kiến tăng 10,17%; thu ngân sách nhà nước theo dự toán được giao 11.117 tỷ đồng...
- Xin cảm ơn ông.
Đề xuất các cơ chế đặc thù cho TP Cần Thơ Tháng 12-2021, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ. Trong tờ trình, Chính phủ đề xuất TP Cần Thơ được vay vốn thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ về cho thành phố vay lại, với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 60% số thu ngân sách thành phố được hưởng theo phân cấp. Dự thảo Nghị quyết cũng quy định cho phép HĐND TP Cần Thơ quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa 2 vụ trở lên, với quy mô dưới 500ha. Thủ tướng Chính phủ quyết định việc phân cấp cho UBND TP Cần Thơ phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch chung đô thị đã được Thủ tướng phê duyệt. HĐND thành phố được quyết định sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư của ngân sách thành phố, thực hiện chi trả thu nhập tăng thêm với mức không quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản… Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát triển TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, xác định việc xây dựng và phát triển Cần Thơ thành thành phố trung tâm vùng, sinh thái, văn minh, hiện đại, mang đậm bản sắc sông nước vùng ĐBSCL là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa không chỉ về kinh tế - xã hội mà cả về chính trị, quốc phòng, an ninh. Đây là nhiệm vụ không chỉ của riêng Cần Thơ, mà còn là nhiệm vụ của cả vùng ĐBSCL và cả nước; trong đó xác định nguồn lực nội tại của Cần Thơ là chủ lực, nguồn lực Trung ương có vai trò hỗ trợ, thúc đẩy nhanh sự phát triển của Cần Thơ. |