TCM hết động lực tăng giá?

(ĐTTCO) - CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (TCM) là doanh nghiệp dệt may duy nhất trên cả nước hưởng lợi từ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), do đáp ứng tiêu chuẩn từ sợi trở đi. Tuy nhiên, khi TPP đang có nguy cơ đổ vỡ, kỳ vọng về những lợi thế do hiệp định này mang lại cho TCM cũng không còn.

(ĐTTCO) - CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (TCM) là doanh nghiệp dệt may duy nhất trên cả nước hưởng lợi từ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), do đáp ứng tiêu chuẩn từ sợi trở đi. Tuy nhiên, khi TPP đang có nguy cơ đổ vỡ, kỳ vọng về những lợi thế do hiệp định này mang lại cho TCM cũng không còn.

Hưởng lợi lớn nhờ TPP

Theo nhận định của các chuyên gia, ngành dệt may được dự báo sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn hơn do xu hướng dịch chuyển đơn hàng sang các nước có giá nhân công rẻ. Bên cạnh đó, các nước ngoài TPP cũng đã có những chính sách chuẩn bị để cạnh tranh với khu vực TPP, dẫn tới các đơn hàng càng dịch chuyển mạnh qua những nước kể trên.

TPP gồm 12 thành viên: Việt Nam, Hoa Kỳ, Canada, Mexico, Peru, Chile, Brunei, Singapore, Malaysia, Australia, New Zealand, Nhật Bản, với dân số khoảng 792 triệu người cùng tỷ lệ mậu dịch đạt khoảng 1/3 kim ngạch thương mại toàn cầu. Theo thống kê, quy mô GDP của TPP ước tính khoảng 26.000 tỷ USD, chiếm 40% GDP toàn cầu, bao gồm cả thương mại (hàng hóa, dịch vụ) và phi thương mại (lao động, môi trường, doanh nghiệp nhà nước). Ngoài ra, TPP còn cam kết cao hơn với việc cắt giảm gần 100% các loại thuế quan.

Hoa Kỳ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam nên TPP được kỳ vọng sẽ tác động lớn đến xuất khẩu Việt Nam vào thị trường này. Việt Nam hiện xuất khẩu khoảng 1.000 dòng sản phẩm dệt may vào Hoa Kỳ, với thuế suất bình quân 17-18%. Hiệp định TPP được kỳ vọng sẽ cắt giảm mức thuế quan này dần về 0%. Theo dự báo của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), với triển vọng TPP, xuất khẩu dệt may Việt Nam sang Hoa Kỳ có thể tăng trưởng 12-13%/năm và đạt 30 tỷ USD vào năm 2025, đưa quy mô xuất khẩu toàn ngành năm 2025 đạt khoảng 55 tỷ USD.

Bên cạnh đó, nếu TPP thúc đẩy tốt đầu tư vào nguyên liệu như dự kiến, các chỉ tiêu về xuất siêu, giá trị gia tăng và tỷ lệ nội địa hóa của ngành đều được nâng cao. Dự kiến ngành sẽ về đích sớm với mục tiêu đạt tỷ lệ nội địa hóa 70% vào năm 2020. Tuy nhiên, để được hưởng thuế suất 0%, các doanh nghiệp dệt may phải đáp ứng yêu cầu từ sợi trở đi, có nghĩa các khâu từ kéo sợi, dệt - nhuộm - hoàn tất và may phải được thực hiện tại các nước thành viên TPP. Trong số hàng ngàn doanh nghiệp dệt may đang hoạt động, chỉ TCM là một trong những doanh nghiệp đầu tiên trong ngành dệt may được hưởng lợi từ TPP theo nguyên tắc xuất này, khi dây chuyền sản xuất của TCM khép kín từ khâu sản xuất sợi đến thành phẩm cuối cùng.

Những áp lực đè nặng

Với kỳ vọng lớn này, TCM đã có đợt sóng tăng rất mạnh trong năm 2015, đặc biệt là sau các cuộc đàm phán về TPP. Nếu thời điểm đầu năm 2013, TCM còn giao dịch ở mức 6.000 đồng/CP nhưng đến cuối tháng 7-2015, TCM đã phá mốc 40.000 đồng (tương đương mức tăng gần 7 lần). Tuy nhiên, sau cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ với chiến thắng thuộc về ứng cử viên Donald Trump, TCM gần như không còn động lực tăng giá và CP này hiện đang giao dịch ở mức giá khoảng 15.000 đồng/CP. Ngoài yếu tố này, việc TCM liên tục giảm giá xuất phát từ kết quả kinh doanh không mấy sáng sủa của doanh nghiệp.

Năm 2016, TCM đặt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận sau thuế đạt lần lượt 3.263,7 tỷ đồng (tăng 16,9%) và 160,2 tỷ đồng (tăng 3,58%). Đây là kế hoạch được đặt ra trong bối cảnh TPP sẽ được thông qua trong năm 2016 và tình hình xuất khẩu dệt may của Việt Nam vẫn khả quan như mọi năm. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, khả năng hoàn thành kế hoạch của TCM gần như không thể. Cụ thể, doanh thu trong tháng 10 chỉ đạt khoảng 10 triệu USD, biên lợi nhuận gộp 13%. Dự kiến tháng 11 và 12, doanh thu mỗi tháng của TCM chỉ đạt 10,5-11 triệu USD, biên lợi nhuận13,5-14%. Đây là kết quả tương đối thấp khi doanh thu trung bình 1 tháng của TCM trong 9 tháng năm 2016 đều trên 11 triệu USD và biên lợi nhuận quý III đạt 14,79%.

Điều đáng nói, số lượng đơn hàng sụt giảm đáng kể. Trước đây, công ty mẹ của TCM là E-Land (Hàn Quốc) luôn bao tiêu tới 50% sản phẩm dệt may của doanh nghiệp. Tuy nhiên, do tình hình tiêu thụ hàng dệt may tại Hàn Quốc và Trung Quốc (thị trường xuất khẩu chính của E-Land) đang bị chững lại khiến đơn hàng của TCM xuất sang cho E-Land cũng bị sụt giảm. Cũng như nhiều doanh nghiệp dệt may trên cả nước, TCM đang đứng trước áp lực cạnh tranh về giá nhân công với Myanmar, Campuchia. Việc  áp dụng chính sách lương tối thiểu và bảo hiểm xã hội mới khiến giá nhân công dệt may của Việt Nam trở nên kém cạnh tranh với một số nước trong khu vực. Do vậy, các đơn hàng đơn giản hướng tới khách hàng đại trà, cấp thấp đang có xu hướng chuyển dịch khỏi Việt Nam đến các nước có giá nhân công rẻ hơn như Myanmar và Campuchia.

Các tin khác