TCM không chỉ màu hồng

CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (TCM) được đánh giá có nhiều triển vọng tích cực, bởi đây là doanh nghiệp dệt may duy nhất có khả năng đáp ứng yêu cầu “từ sợi trở đi” của TPP. Tuy nhiên, TCM vẫn phải đối mặt với không ít thách thức.

CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (TCM) được đánh giá có nhiều triển vọng tích cực, bởi đây là doanh nghiệp dệt may duy nhất có khả năng đáp ứng yêu cầu “từ sợi trở đi” của TPP. Tuy nhiên, TCM vẫn phải đối mặt với không ít thách thức.

Hưởng lợi từ TTP

Dệt may luôn được đánh giá là ngành hưởng lợi nhất từ TPP. Tuy vậy, chưa cần đến tác động của TPP, ngành dệt may đã có sự tăng trưởng mạnh ngay từ khi gia nhập WTO với tốc độ 17-18%/năm; dự kiến tốc độ tăng trưởng khi TPP có hiệu lực là 25%/năm. Trong đó, TCM là doanh nghiệp niêm yết có khả năng đáp ứng yêu cầu xuất xứ “từ sợi trở đi” của TPP. Theo đó, chu trình sản xuất của TCM khép kín theo chuỗi: nhập khẩu bông - xe sợi - dệt, đan - nhuộm - cắt, may.

Khối lượng giao dịch của TCM giảm kết hợp với sụt giảm của giá CP trong thời gian gần đây, cho thấy áp lực bán đang lấn át lực cầu. Điều này cho thấy động lực tăng giá của TCM không còn, thậm chí có khả năng sụt giảm, vì mức giá hiện tại 34.600 đồng/CP được cho khá cao.

Vì thế, TCM có thể được áp dụng thuế suất ưu đãi ngay khi TPP có hiệu lực. Hiện cơ cấu thị trường xuất khẩu tập trung chủ yếu tại 3 thị trường chính Nhật Bản (35%), Hoa Kỳ (30%) và Hàn Quốc (20%). Tỷ trọng thị trường dàn trải khá đều và đa dạng giúp TCM tận dụng ưu đãi từ TPP và FTA Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA). Tuy nhiên, TPP sẽ ảnh hưởng đến cơ cấu xuất khẩu của TCM nhiều hơn do 2 thị trường lớn của TCM là Nhật Bản, Hoa Kỳ đều nằm trong TPP. Kỳ vọng tăng trưởng doanh thu 15-20% sau khi TPP được thông qua là khả quan.

Doanh thu TCM năm 2014 đạt 2.571 tỷ đồng (tăng gần 0,6%) nhưng lợi nhuận sau thuế tăng đến 38% (đạt 165 tỷ đồng). Theo giải trình của TCM, doanh thu không tăng do giá bông giảm. Xu hướng giảm giá bông cũng làm giảm giá bán các sản phẩm từ sợi, vốn chiếm 40% doanh thu hàng dệt may, khoảng 4-5%. Điều này sẽ được bù trừ bằng tăng doanh thu từ vải và đồ may mặc (chiếm lần lượt 10% và 50% tổng doanh thu từ dệt may). Ngược lại, lợi nhuận thuần tăng trưởng đáng kể chủ yếu như biên lợi nhuận gộp được cải thiện (14,6% năm 2014 so với 13,5% năm 2013), chủ yếu do doanh nghiệp đã có những chiến lược hợp lý đối với việc mua và tích trữ bông nguyên liệu đầu vào.

Một yếu tố nữa là chi phí lãi vay trong năm 2014 giảm 17,4 tỷ đồng so với cùng kỳ do mặt bằng lãi suất giảm. Giá vốn giảm và các chi phí chỉ tăng nhẹ. Điều này TCM đã cải thiện được công tác quản trị, bộ máy vận hành hiệu quả hơn. Ước 9 tháng năm 2015, TCM đạt doanh thu 2.164 tỷ đồng, hoàn thành 78% kế hoạch năm. Được biết, kế hoạch năm 2015 của TCM là doanh thu 2.781 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 170 tỷ đồng. Dự kiến, năm 2015 TCM hoàn toàn có khả năng đạt kế hoạch đã đề ra, nhưng sẽ không có đột biến mạnh do các nhà máy đã hoạt động hết công suất.

Khó khăn về vốn

Cổ đông lớn của TCM hiện nay là E-land Asia Holdings Pte, Ltd (E-land), tập đoàn thời trang và bán lẻ lớn của Hàn Quốc. Với tỷ lệ sở hữu 43,3%, E-land đã giúp TCM nâng cao hiệu quả quản lý điều hành, công nghệ sản xuất và tìm đầu ra cho sản phẩm. Cũng từ sự trợ giúp của E-land, năm 2012 TCM tham gia chuỗi sản xuất của tập đoàn này và nhận được các đơn hàng do E-land Trung Quốc và Hàn Quốc chuyển sang, đảm bảo nguồn doanh thu ổn định. Dù vậy TCM vẫn luôn gặp khó khăn về vốn.

Tại thời điểm 31-12-2014, giá trị tổng nợ của TCM lên đến 1.246,6 tỷ đồng (chiếm 60,5% tổng nguồn vốn). Trong đó, vay ngắn hạn 647 tỷ đồng, vay bằng USD 631,4 tỷ đồng (lãi suất USD khoảng 2,8%, lãi suất VNĐ khoảng 7,5%). Đây là mức tương đối cao so với các doanh nghiệp khác trong ngành dệt may. Tỷ lệ nợ cao sẽ khiến TCM gặp không ít khó khăn trong việc mở rộng sản xuất kinh doanh để đón đầu cơ hội từ TPP.

Dây chuyền may xuất khẩu của TCM.

Dây chuyền may xuất khẩu của TCM.

Đặc trưng của ngành dệt may Việt Nam là nguyên phụ liệu sản xuất hầu hết phải nhập khẩu do nguồn cung trong nước không đủ và không đáp ứng được yêu cầu, tiêu chuẩn của các nhà sản xuất. Do quá phụ thuộc vào nguyên phụ liệu nhập khẩu, nên bất cứ biến động nào về giá cả đầu vào đều ảnh hưởng không nhỏ đến giá trị gia tăng của chuỗi giá trị sản xuất. Với khoảng 65-70% chi phí sản xuất là nguyên phụ liệu, yếu tố rủi ro liên quan đến nguyên vật liệu cũng đóng vai trò chi phối biên lợi nhuận của TCM.

Bên cạnh rủi ro tăng giá nguyên vật liệu đầu vào, sự không ổn định nguồn cung trong và ngoài nước cũng tác động lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Trong khi đó, yếu tố cạnh tranh từ các khu vực lân cận như Ấn Độ, Bangladesh càng trở nên gay gắt khiến các đơn hàng dệt may từ thị trường Việt Nam bị sụt giảm. Bên cạnh đó, những khó khăn từ châu Âu khiến đơn hàng của TCM, đặc biệt trong các tháng thấp điểm bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Các tin khác