Bộ phim “Bóng đè” không liên quan đến tác phẩm văn học, mà được đạo diễn Lê Văn Việt kể câu chuyện hoàn toàn khác hẳn. Bộ phim “Bóng đè” xoay quanh hành trình Thành (do Quang Tuấn) đưa hai con gái là Linh (do Lâm Thanh Mỹ đóng) và Yến (do Mai Cát Vi đóng) chuyển về quê sống để tìm lại bình yên sau cái chết của vợ.
Thế nhưng, chốn ngỡ an lành ấy lại bắt họ chứng kiến hàng loạt sự kiện kỳ quái. Ngay cả bác sĩ tâm lý Hạnh (do Diệu Nhi đóng) được Thành mời đến để trị liệu chứng bóng đè cho con gái mình, cũng hốt hoảng rơi vào vòng xoáy đáng sợ.
Xem phim “Bóng đè”, nhiều người không khỏi đặt câu hỏi, vì sao lại lấy tên phim trùng với cuốn sách, mà không có sự cân nhắc cần thiết nào. Đành rằng, văn học và điện ảnh là hai lĩnh vực khác nhau, nhưng “cầm nhầm” cái tên tác phẩm của người khác, cũng không phải điều hay ho.
Mới đây, có rất nhiều thông tin về lễ kỷ niệm 50 năm bộ phim “Bố già” (The Godfather). Ở Việt Nam, công chúng trẻ chỉ biết bộ phim “Bố già” của diễn viên hài Trấn Thành, chứ ít ai để ý rằng ê-kip thực hiện đã sử dụng lại tên gọi một danh phẩm nghệ thuật thứ bảy. Bộ phim “Bố già” công chiếu lần đầu tiên vào ngày 14-3-1972 tại New York Mỹ, và nhanh chóng trở thành kiệt tác nghệ thuật ăn khách trong lịch sử điện ảnh nhân loại.
Bộ phim “Bố già” do đạo diễn Coppola thực hiện, dựa theo tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Mario Puzo. Là người Mỹ gốc Ý, nhà văn Mario Puzo viết tiểu thuyết “Bố già” với mục đích duy nhất là kiếm tiền trả nợ. Vì vậy, nhà văn Mario Puzo đã gom góp những câu chuyện mà mình từng nghe được trong thời niên thiếu sống ở Ý để viết tiểu thuyết về giới mafia. Qua bàn tay của đạo diễn Coppola, nhân vật chính từ tiểu thuyết Mario Puzo đã bước lên màn ảnh, do diễn viên Marlon Brando thể hiện.
Bộ phim “Bố già” của đạo diễn Copoola lừng lẫy nửa thế kỷ, không lẽ những người làm phim Việt Nam chưa từng nghe nói đến? Chắc chắn ê-kip làm phim “Bố già” của diễn viên hài Trấn Thành có sự cố vấn của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng, cũng đã biết siêu phẩm “Bố già” từ Hollywood. Vì sao họ đi sau mà vẫn lấy cái tên “Bố già” của người đi trước? Chỉ có thể giải thích họ cố tình phớt lờ để ăn theo cái tên “Bố già”. Chính thái độ kém ý thức sáng tạo của những nhà làm phim Việt Nam, bộ phim “Bố già” được làm đại diện nước ta đi ứng thí Giải Oscar, đã lập tức bị loại ngay từ vòng “gửi xe”.
Cái tên phim nghe quen tai, không phải lúc nào cũng được khán giả ủng hộ. Bằng chứng là bộ phim “Người tình” của đạo diễn Lưu Huỳnh đã thất thu nghiêm trọng. Bộ phim “Người tình” khi vừa mới công bố dự án, đã khiến nhiều người băn khoăn. Phải chăng, tiểu thuyết “Người tình” của nữ sĩ Marguerite Duras (1914-1996) lại tiếp tục được chuyển thể sang nghệ thuật thứ bảy? Hóa ra không phải, bộ phim “Người tình” của đạo diễn Lưu Huỳnh hoàn toàn không liên quan gì đến tiểu thuyết “Người tình”, chỉ giống mỗi cái tên.
Lấy tên gọi “Người tình” cho tác phẩm của mình, đạo diễn Lưu Huỳnh tỏ ra hơi tự tin về bản lĩnh. Bởi lẽ, đối với những ai quan tâm điện ảnh ở Việt Nam, đã từng có bộ phim “Người tình” rất nổi tiếng xuất hiện cách đây 30 năm. Đó là bộ phim “Người tình” của đạo diễn Pháp Jean Jacques Annaud, dựa theo tiểu thuyết cùng tên với sự tham gia của các ngôi sao Lương Gia Huy, Jane March, Lisa Faullner...
Bộ phim “Người tình” của đạo diễn Lưu Huỳnh quyết tâm chinh phục khán giả năm 2022, tất nhiên không thể so sánh với bộ phim “Người tình” từng làm mưa gió trên thị trường phim quốc tế năm 1992. Người yêu phim có thể xem lại bộ phim “Người tình” thuở nào trên các nền tảng công nghệ giải trí, nên bộ phim “Người tình” của đạo diễn Lưu Huỳnh càng trở nên chênh vênh.
Bộ phim “Người tình” của đạo diễn Lưu Huỳnh cũng được dán nhãn 18+ như bộ phim “Bóng đè”, nhưng không phải hạn chế người xem vị thành niên vì cảnh rùng rợn, mà vì phản ánh đề tài đồng tính với nhiều hình ảnh nóng bỏng. Bộ phim xoay quanh câu chuyện nhiều éo le của Diễm Trinh với 3 người đàn ông, thứ nhất là người chồng Hưng, thứ hai là Sơn - bạn của chồng, thứ ba là Hoàng - người yêu cũ. Quan hệ của họ lắm rắc rối nảy sinh, vì ở đó không chỉ có quan hệ nam nữ còn có quan hệ đồng tính. Với những tình tiết phức tạp, làm sao bộ phim “Người tình” có thể dễ dàng truyền tải khái niệm “Cuộc đời là một kiệt tác, hãy tận hưởng” như ê-kip thực hiện mong muốn? Đạo diễn Lưu Huỳnh khi giao lưu trực tuyến đã thổ lộ: “Hiện nay, dòng phim thương mại chiếm phần lớn thị trường, tôi chọn làm phim nghệ thuật không phải muốn tạo sự khác biệt, mà để chia sẻ góc nhìn riêng và gửi gắm thông điệp ý nghĩa. Tôi cũng như một số nhà làm phim, dù là nghệ thuật hay thương mại giải trí, đa phần chỉ muốn được trân trọng”.
Thực tế, sự phân vân giữa phim thương mại và phim nghệ thuật chưa bao giờ ngớt réo gọi thái độ quyết liệt hơn của các nhà làm phim Việt. Đạo diễn Lưu Huỳnh sinh năm 1960, là anh ruột của nghệ sĩ Phước Sang. Khi em trai mình còn ngất ngưởng vị trí ông bầu số một làng giải trí, đạo diễn Lưu Huỳnh từng được trợ lực hữu hiệu để có những bộ phim thành công về mọi mặt như “Áo lụa Hà Đông” năm 2006, “Huyền thoại bất tử” năm 2009 và “Lấy chồng người ta” năm 2012. Trước bộ phim “Người tình”, những tác phẩm gần đây của đạo diễn Lưu Huỳnh như “Hiệp sĩ mù”, “Hy sinh đời trai” hoặc “Tiền nhiều để làm gì” đều không đạt được kết quả như sự kỳ vọng. Đó là sự khắc nghiệt của nghệ thuật, như hoa nở có kỳ, không hề tuân thủ nguyên tắc “gừng càng già càng cay”.
Bộ phim “Người tình” có sự tham gia của nhiều diễn viên quen thuộc như Đức Hải, Hà Việt Dũng, Võ Thành Tâm, Xuân Phúc... Vai chính Diễm Tình do siêu mẫu Minh Tú đảm nhận. Sau khi đoạt giải á quân cuộc thi Asia Next Top Model 2017, siêu mẫu Minh Tú từng có mặt trong hai bộ phim là “Hoa hậu giang hồ” và “Bố già”. Có vóc dáng không chê vào đâu được, nhưng siêu mẫu Minh Tú trong bộ phim “Người tình” lại mất điểm ở những góc quay cận cảnh. Giới mộ điệu chắc cũng rộng lượng bỏ qua nhược điểm của vai Diễm Tình, vì màn ảnh không phải sàn diễn thời trang.