Tết an vui nhờ chương trình bình ổn giá

(ĐTTCO)-Một mùa Tết Đinh Dậu 2017 sôi động với tổng giá trị hàng hóa dành cho bình ổn thị trường (BOTT) lên tới gần 7.000 tỷ đồng, giúp người dân yên vui sắm tết đã trôi qua.

(ĐTTCO)-Một mùa Tết Đinh Dậu 2017 sôi động với tổng giá trị hàng hóa dành cho bình ổn thị trường (BOTT) lên tới gần 7.000 tỷ đồng, giúp người dân yên vui sắm tết đã trôi qua.

 

Đây cũng là năm thứ 4 liên tiếp TP không ứng vốn vay với lãi suất 0% để doanh nghiệp (DN) chuẩn bị hàng tết bình ổn giá. Điều này cho thấy chương trình BOTT tạo sức hút lớn, không chỉ góp phần hỗ trợ người tiêu dùng mà còn thực hiện vai trò định hướng, dẫn dắt giá hàng hóa, tạo mặt bằng giá tương đối ổn định. Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến đã khẳng định như trên, khi trả lời về việc TPHCM chăm lo Tết Nguyên đán cho người dân.

* Phóng viên: Chương trình BOTT của TPHCM sắp bước sang năm thứ 15. Ông nhận định thế nào về nỗ lực của TPHCM trong việc giữ ổn định giá cả, mang tết yên vui, đầm ấm đến với người dân?

* Phó Chủ tịch UBND TRẦN VĨNH TUYẾN: Từ năm 2002, TPHCM đã tiên phong trong cả nước triển khai chương trình BOTT, góp phần ổn định giá cả các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu không chỉ gói gọn trong mùa Tết Nguyên đán mà được nhân rộng cả năm.

Gần 15 năm trôi qua, chương trình đã dần trưởng thành, được định hình qua nhiều giai đoạn, gặt hái được nhiều kết quả đáng khích lệ. Trong đó có sự nỗ lực, tâm huyết của nhiều cán bộ lãnh đạo của TP, các sở ngành, cũng như DN…

Tính đến thời điểm này, TPHCM có trên 10.300 điểm bán hàng BOTT “phủ sóng” khắp nội, ngoại thành, hỗ trợ tích cực cho đội ngũ công nhân lao động, người thu nhập thấp có cơ hội mua sắm hàng hóa với giá cả phù hợp, đảm bảo an sinh xã hội. Các điểm bán BOTT giúp tránh được tình trạng “đội” giá, “nhảy” giá dễ xảy ra vào những dịp lễ, Tết Nguyên đán… Bằng chứng, hàng loạt thương hiệu lớn của TPHCM đã cùng nỗ lực, chung tay với TP làm rất tốt vai trò điều tiết giá cả như Saigon Co.op, Satra, Vissan, Ba Huân, Vĩnh Thành Đạt…

Nguồn cung hàng hóa dồi dào, sản lượng tăng 20%-30% nhưng mức giá bán được chốt bình ổn đến hết tháng 2-2017. Đây rõ ràng là sự nỗ lực của các DN cũng như sự chung tay của toàn xã hội. Thêm nữa, chương trình BOTT cũng đẩy mạnh mãi lực tiêu thụ hàng Việt, góp phần quảng bá sâu, rộng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

* Điểm sáng của TPHCM trong năm vừa qua đó là thực hiện việc truy xuất nguồn gốc thịt heo, rau quả bằng điện thoại thông minh, tạo cho người dân yên tâm mua sắm. Tuy vậy, vẫn có những khe hở trong các khâu vận chuyển trung gian từ sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Ông khuyến nghị gì đối với DN cũng như người tiêu dùng?

* Việc đưa thực phẩm an toàn cung ứng đến tận tay người tiêu dùng thông qua các kênh phân phối truyền thống hoặc hiện đại, là nỗ lực không ngừng nghỉ của TP. Tiêu biểu là việc thực hiện truy xuất nguồn gốc thịt heo bằng điện thoại thông minh và ứng dụng Te-Food để người tiêu dùng xác định nguồn gốc, xuất xứ.

Gần đây, giữa tháng 1-2017, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TPHCM cũng áp dụng truy xuất nguồn gốc của 18 loại rau quả (cải ngọt, cải xanh, dưa leo, cần nước…) do HTX Nông nghiệp Phú Lộc và HTX Nông nghiệp SXTMDV Phú An sản xuất, bán tại các siêu thị ở TPHCM. Trong thời gian tới, TP sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai nhân rộng việc truy xuất nguồn gốc đối với các mặt hàng gia súc, gia cầm, thực phẩm khác.

Việc giám sát nguồn cung thông qua việc kiểm tra sản phẩm bằng điện thoại thông minh, các công cụ ứng dụng hỗ trợ trực tiếp tại cửa hàng, siêu thị là minh chứng sống động về việc người tiêu dùng mong muốn được sử dụng hàng đúng chất lượng.

Tất nhiên, DN sản xuất, kinh doanh tên tuổi muốn giữ chữ tín sẽ không phó mặc cho sản phẩm của mình bị trà trộn hàng “dỏm”. Nhà nước, các cơ quan chuyên trách không đủ sức, đủ lực làm tất cả thay DN hoặc người tiêu dùng, mà vấn đề ở đây là các bên cùng hỗ trợ, giúp đỡ nhau giám sát thật tốt chuỗi sản xuất khép kín, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm từ nơi tiêu thụ đến bàn ăn.

Ở góc độ cơ quan chuyên trách (Quản lý thị trường, Công an kinh tế, Chi cục Thú y…), các đơn vị này cần kiên quyết, xử phạt mạnh tay, thậm chí khởi tố hình sự các vụ buôn bán thực phẩm độc hại, kém chất lượng. Đơn vị nào buông lỏng, lơ là để xảy ra sai phạm thì người đứng đầu cơ quan, đơn vị đó phải chịu trách nhiệm, bị xử lý kỷ luật thật nặng.

* Với trọng trách là đầu tàu kinh tế, văn hóa, xã hội… của cả nước, TPHCM vạch ra cho mình hướng phấn đấu như thế nào để trở thành một thành phố thông minh, đáng sống như sự kỳ vọng của nhân dân?

* Thành phố Hồ Chí Minh luôn luôn cùng cả nước, vì cả nước, không ngừng chăm lo cho cuộc sống của người dân, với mục tiêu xây dựng một chính quyền kiến tạo vì dân phục vụ. Việc thông qua kế hoạch xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn 2025 là cơ sở quan trọng để xây dựng thành phố thông minh.

Tuy nhiên, không cần đợi tới các mốc thời gian trên người dân mới được thụ hưởng những tiện ích thông minh mà ngay từ bây giờ, TP có thể ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại để triển khai dần. Mục tiêu hướng đến việc nâng cao chất lượng dịch vụ công ích tiện ích cho đối tượng thụ hưởng trực tiếp chính là người dân. Từ đó góp phần quản lý hiệu quả đô thị, hướng đến sự phát triển kinh tế - xã hội ổn định, bền vững…

Để triển khai thành công những kế hoạch vạch ra, TP cần phải nỗ lực, năng động hơn nữa phấn đấu xứng đáng với sự kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Cách đây ít ngày, theo bảng xếp hạng được công bố tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), TPHCM đứng vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng 10 thành phố năng động nhất thế giới, sau Bangalore (Ấn Độ).

Đây là tín hiệu lạc quan, cột mốc tham chiếu để TPHCM xem lại chính mình, nỗ lực phấn đấu tốt hơn. Song song đó, TPHCM tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng gần dân, lắng nghe dân. Giải pháp đặt ra chính là xây dựng chính quyền điện tử giúp người dân, DN giảm thiểu tiếp xúc trực tiếp với cơ quan công quyền, đẩy nhanh tốc độ giải quyết thủ tục hành chính, hạn chế tiêu cực…

* Xin cảm ơn đồng chí! 

Các tin khác