Kẻ nhập cư thì túa về quê, người thành phố thì lên đường du lịch. Những con đường trống trải khiến những tín hiệu đèn xanh đèn đỏ cũng ngập ngừng và lỡ làng. Nhưng năm nay có lẽ sẽ khác, vì nhiều khó khăn.
Dư âm từ cuộc chiến chống Covid-19 căng thẳng, tuy đã thích ứng bình thường mới mà vẫn gây ra không ít hệ lụy cho nền kinh tế. Nhiều doanh nghiệp không cầm cự được, đã cho công nhân nghỉ Tết trước 2 tháng và chưa hẹn ngày quay lại nhà máy.
Nhiều đại gia bất động sản vướng vòng lao lý, gánh nặng trái phiếu doanh nghiệp chơi vơi trên tay những nhà đầu tư lương thiện. Biết nói gì đây về thương khó? Thôi thì lấy không khí Tết cổ truyền thân ái mà độ lượng cho nhau, nhìn bẽ bàng như một màu sương khói nhạt nhòa thứ tha.
Có một bài hát cũ bỗng dưng lại vang lên, nghe thật hợp tai và hợp thời: “Buộc bụng thắt lưng cái Tết này buộc bụng thắt lưng/ Vui xuân mừng Tết cô bác ơi chín lo một mừng/ Giàu tiền, thừa bạc, xuân đến mới mong/ Ta nghèo dăm đòn bánh tét, với bánh chưng cũng thừa ung dung/ Một lần đón Xuân lo với phiền bạc đầu thế nhân/ Xuân đi Hạ đến, chưa tính xong mối lo nợ nần/ Phận mình, mặc đồ năm ngoái cũng xong/ Lo ba cái quần áo mới để thằng Cu cái Tẹo nó mừng”.
Tết dè sẻn với người Sài Gòn ư? Hoàn toàn có thể chứ. Ai chẳng muốn xênh xang làm cả năm để ăn một cái Tết. Thế nhưng, xung quanh còn bao mảnh đời gieo neo, nghĩ tới nghĩ lui cũng không nỡ vung tay tiêu xài theo sở thích.
Nhưng người Sài Gòn phóng khoáng và cởi mở. Dẫu chật vật thì cành mai vàng cũng nở rộ bên hiên nhà như một tấm lòng sẻ chia và một niềm tin rộn ràng. Tùy vào hoàn cảnh của mỗi người, tùy vào tâm trạng của mỗi người, niềm tin sẽ hiện ra theo từng kiểu màu sắc và biểu tượng khác nhau.
Cũng giống như khi chúng ta nhìn thấy một ngư phủ buông lưới trên sóng nước, chắc chắn ông ấy không thể đoán định bao giờ đàn cá đến, mà công việc của ông ấy vẫn được duy trì một cách hứng khởi vì ông ấy có niềm tin vào mảnh lưới. Bởi người Sài Gòn luôn lạc quan để có niềm tin.
Nếu đón Tết dè sẻn thì người Sài Gòn sẽ ra sao? Tôi không dám hình dung mạo muội, nhưng tôi vẫn tin sức sống căng đầy ở mỗi góc phố Sài Gòn. Không mâm cao cỗ đầy thì không khí Tết vẫn rộn ràng trên vỉa hè đô thị. Không rõ tích tụ từ tập quán bao đời, vỉa hè Sài Gòn trở thành nơi cộng sinh của những mảnh đời khác nhau.
Tôi cho rằng, đó là một đặc trưng hiếm có của Sài Gòn. Chủ tiệm sang trọng vẫn chấp nhận hai phía cửa hàng có… hai đơn vị ăn theo là một bà hàng rong đặt ké quang gánh và một chiếc xe đẩy bán bắp luộc, khoai nướng. Chưa kể xung quanh còn có vé số và đánh giày lai vãng. Vì sao? Vì chủ tiệm sang trọng vẫn tin rằng mình không hề bị cạnh tranh mà còn giúp đỡ được kẻ thua thiệt hơn có cơ hội mưu sinh. Hơn nữa, chủ tiệm sang trọng không bao giờ tiết kiệm, thắp thêm một cái bóng điện hoặc cho không một xô nước để những người đang nương tựa vỉa hè thuận lợi kiếm sống.
Ngồi vỉa hè Sài Gòn cũng có thể cảm nhận đầy đủ cái Tết vui vẻ chăng? Có thể chứ. Một nhà nghiên cứu người Mỹ đã dành nhiều năm nghiên cứu và đánh giá vỉa hè đa chức năng, cũng giống như khái niệm sử dụng đất hỗn hợp, là một phần tạo nên một thành phố sôi động, bền vững và đóng góp vào sinh hoạt cộng đồng.
Vỉa hè Sài Gòn còn dạy cho các nhà quy hoạch về chiều thời gian trong quy hoạch không gian công cộng, vốn cho phép sự linh hoạt và chia sẻ không gian, đặc biệt ở những thành phố chật chội. Cuộc sống vỉa hè là một trong những ấn tượng đậm nhất mà Sài Gòn để lại trong lòng du khách.
Kết quả khảo sát du khách quốc tế từ 4 nhóm ngôn ngữ khác nhau xem họ chia sẻ những gì về chuyến đi tới Sài Gòn và 40% những trao đổi là về vỉa hè. Họ yêu thích các món ăn, uống cà phê, trò chuyện với người dân địa phương, ngồi trên những chiếc ghế nhựa và nhìn cuộc sống diễn ra trên vỉa hè.
Sài Gòn những buổi chiều cuối năm thường ám ảnh tôi bằng những bàn chân cuống cuồng và những cái nhìn bịn rịn. Mảnh đất tụ hội mưu sinh lập nghiệp này, ngày Tết nhiều nỗi bùi ngùi và xao xuyến. Cho dù dè sẻn thì Tết Sài Gòn cũng không thiếu thứ gì. Không thiếu người của địa phương nào đang sinh sống và làm việc tại Sài Gòn. Mảnh đất ngỡ đọa đày áo cơm dần dần trở thành mảnh đất gắn bó vui buồn.
Sài Gòn có rất nhiều hội đồng hương. Tết Sài Gòn được góp thêm thanh âm bởi sự chân tình của các hội đồng hương. Dù chưa có thống kê đầy đủ nào, nhưng tại Sài Gòn có những hội đồng hương hoạt động sôi nổi như hội đồng hương Thái Bình, hội đồng hương Huế, hội đồng hương Hải Phòng, hội đồng hương Nam Định, hội đồng hương Thanh Hóa...
Công nhân hay sinh viên không có cơ hội về quê ăn Tết đều có thể tìm thấy niềm thân ái ở các hội đồng hương. Cứ nhìn cách vun đắp yêu thương của các hội đồng hương, sẽ thấm thía thêm Tết Sài Gòn còn có hương vị của hào hiệp và cưu mang.
Nhiều bạn trẻ kinh tế khó khăn đã thổ lộ với tôi rằng, những ngày Tết họ ở lại Sài Gòn rất thú vị, ban ngày làm việc thời vụ để kiếm thêm thu nhập còn ban đêm chung vui với hội đồng hương. Không có nỗi ấm áp nào so sánh được một đêm trừ tịch nơi xứ lạ mà nghe được giọng nói quê nhà cùng những câu chuyện quê nhà.
Tôi thầm nghĩ, ngoài Sài Gòn chẳng có ở đâu trong những ngày Tết chỉ cần dạo một vòng có thể nghe hết câu quan họ ngân nga ở dãy phố này lại được nghe câu ví dặm ở dãy phố nọ, hoặc được nghe dăm câu vọng cổ ở dãy phố kia.
Sài Gòn cuối năm thưa vắng người, nhưng lúc nào tôi cũng có cảm giác ngày 30 Tết trôi qua rất vội vàng. Có thể hối hả một công việc chuẩn bị cho năm mới, hoặc có thể âu lo một món nợ phải trả trước giao thừa, thì ngày cuối năm luôn gói ghém ưu tư từng người.
Tết Sài Gòn có thể dè sẻn tiền bạc nhưng không dè sẻn ân tình. Vui hay buồn không rõ, náo nức hay xao xác cũng không rõ, nhưng ngày cuối năm vẫn thấy cần lắng lòng nghĩ cho mình. Nghĩ cho riêng mình thôi, mà biết đâu cũng đang nghĩ cho người khác.