Tết xứ người nhớ về quê hương da diết

(ĐTTCO) - Với thời gian gần 6 nhiệm kỳ công tác tại Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài (9 năm tại Serbia, Croatia…, gần 6 năm ở Ấn Độ và Nam Á và hơn 3 năm tại Ai Cập), tôi thấy những cái Tết xa quê ở cơ quan đại diện vừa rất thú vị vừa xen lẫn vui buồn và nỗi nhớ quê nhà khôn nguôi.
Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập chuẩn bị đón Tết Nguyên đán.
Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập chuẩn bị đón Tết Nguyên đán.

Đã 10 năm nay được vui Tết trên quê hương Việt Nam, nhưng những kỷ niệm về những ngày Tết xa quê vẫn in đậm trong chúng tôi, nguyên những cán bộ ngoại giao ở nước ngoài.

Trước hết, Tết Nguyên đán là những ngày vui của cộng đồng người Việt Nam ở nước sở tại. Trước Tết, Đại sứ quán phải thông báo mời cộng đồng bà con Việt Nam và chuẩn bị cả về vật chất và tinh thần, các thứ khó tìm nhất khi ấy là bánh chưng, cuốn lịch năm mới… để trang trí ngày Tết, luôn là câu hỏi nên làm thế nào đây? Tổ chức Tết cộng đồng lúc nào?... Tết về, không có cành hoa đào thật thì cắt cành cây khác ngâm vào nước từ trước để thay hoa đào, hoặc cắt làm hoa bằng giấy. Tất cả tập thể thật vui vẻ khi cùng nhau tham gia trang trí cơ quan đại diện, chuẩn bị đón Tết và tiếp khách.

Khi công tác ở Serbia, Croatia…, để thay cho hoa đào ngày Tết, chúng tôi phải cử nhau đi tìm cây phù hợp (ở trời Tây, cây cối mùa này trơ cành vì rụng hết lá) cắt về để trong bình nước ấm khoảng hơn 10 ngày. Vì trời quá lạnh phải đủ 12 ngày ngâm cành cây trong nước, hoa mới nở đúng dịp Tết của ta. Thiếu thốn, làm tạm để thay nhưng cũng… rất đẹp. Tôi còn nhớ mãi những năm ở châu Âu, khi Tết đến, bà con Việt kiều thường chở cả chú lợn nặng hàng trăm cân đã làm sẵn đến để… biếu Đại sứ quán Việt Nam ăn Tết. Tết với Kiều bào ở Belgrade (Serbia) bao giờ cũng có hát hò, chúc tụng nhau và thưởng thức những chiếc nem rán nhỏ nhắn nhưng thơm giòn, đậm hương vị quê nhà.

Đến khi đón Tết Nguyên đán ở Ấn Độ thường có khách Việt Nam trong nước mang đặc sản sang. Mừng nhất là có năm đúng Tết, Giám đốc Xưởng phim truyện Việt Nam sang thăm, mang theo cả bánh chưng và những tập thơ tặng cho Đại sứ quán. Sau cái Tết chung, sứ quán tổ chức đi thăm nhau, một số đi đất Phật thăm các chùa Việt Nam và thăm bà con người Việt tại các ngôi chùa này, cách thủ đô New Delhi khoảng 900km.

Những ngày Tết ở Ai Cập thì lúc nào cũng có gạo nếp nhưng không thể có lá dong. Mọi người nghĩ ngay đến trang trại chuối khổng lồ với lá chuối xum xuê gần thành phố Alexadria có thể sử dụng thay lá dong. Còn Việt kiều ở Ai Cập là những người rất năng động trong sản xuất nông nghiệp, nhà hàng và ẩm thực… Ấn tượng nhất là Trưởng ban liên lạc đại diện cho người Việt là một phụ nữ Việt Nam cùng chồng là người Ai Cập canh tác 30ha cây ăn quả (10ha trồng cam, 10ha trồng chanh…) trên đất cát, nơi quanh năm hầu như không có mưa và tất cả đều cơ giới hóa cao (máy móc làm đất, tưới nhỏ giọt…).

Ở nơi nào cũng vậy, vui Tết thì có ca hát, thơ… cùng cộng đồng người Việt Nam (lưu học sinh, lao động, kiều bào). Sau khi dự tiệc vui Tết chung ở Đại sứ quán cùng cộng đồng, là cái Tết riêng ở văn phòng cơ quan Thông tấn xã, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thương vụ… Tất cả thật tình cảm đã trở thành những kỷ niệm đẹp, ấm áp và lâu bền.

Các tin khác