Thách thức AEC

(ĐTTCO) - Chỉ còn 2 tuần nữa Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) chính thức hình thành (1-1-2016). Nhưng những số liệu khảo sát cho thấy bức tranh hội nhập của doanh nghiệp (DN) Việt Nam vẫn bề bộn khó khăn.

(ĐTTCO) - Chỉ còn 2 tuần nữa Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) chính thức hình thành (1-1-2016). Nhưng những số liệu khảo sát cho thấy bức tranh hội nhập của doanh nghiệp (DN) Việt Nam vẫn bề bộn khó khăn.

Với không gian thị trường 600 triệu dân, GDP dự kiến sẽ đạt 4.700 tỷ USD vào năm 2020, ASEAN chắc chắn sẽ mở ra rất nhiều cơ hội mới cho doanh nghiệp Việt Nam. Hơn thế nữa, Việt Nam còn là điểm kết nối giữa AEC với các nước EU tham gia TPP, điều rất ít nước trong khối ASEAN có được. Nhưng DN Việt Nam đang tồn tại không ít hạn chế để có thể khai thác tốt khu vực ASEAN. Đó là năng suất lao động thấp do năng lực nội tại còn nhiều yếu kém. Phần lớn DN tư nhân có quy mô nhỏ, manh mún, mang nặng tính gia đình, tính liên kết lỏng lẻo, đang cản trở việc tăng năng suất thông qua tính hiệu quả và chuyên môn hóa. Hiện có đến 96% DN khu vực tư nhân đang hoạt động thuộc nhóm nhỏ và siêu nhỏ, chỉ 4% còn lại thuộc DN lớn và vừa.

 

Bên cạnh đó 4,6 triệu hộ kinh doanh cá thể hoạt động dưới dạng phi chính thức hoặc bán chính thức (không đăng ký thành lập DN nhưng vẫn có mã số thuế). Hậu quả, sự phát triển DN tư nhân trong nước đang có sự lệch lạc do số lượng DN thành lập tăng nhưng lao động không tăng và tài sản ngày càng nhỏ đi. Bên cạnh đó, mức độ tham gia chuỗi giá trị toàn cầu thấp so với các nền kinh tế có quy mô tương tự trong khu vực ASEAN. Việt Nam ngày càng hội nhập sâu cùng với sự xuất hiện của các dự án đầu tư lớn từ các tập đoàn đa quốc gia (như Samsung, LG, Microsoft, Intel, Mitsubishi Heavy Industries, GE…), nhưng DN Việt Nam không thực sự tận dụng tốt cơ hội tham gia chuỗi cung ứng này.

AEC được dự báo mang lại nhiều thách thức như doanh nghiệp sẽ phải cạnh tranh hàng hóa vô cùng lớn khi trình độ phát triển thấp hơn và sự phát triển lại tương đồng, dịch vụ thấp hơn, sự lưu chuyển lao động và thách thức trong quản lý dòng vốn. Vì thế, đây là lúc cộng đồng DN nói chung, DNVVN nói riêng cần phải liên kết lại trong các chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng, để có thể gia tăng về giá trị và năng lực, cũng như khả năng đáp ứng nhu cầu thị trường ASEAN và thị trường thế giới. Cùng với đó cần đổi mới tổ chức và cơ chế hoạt động của các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng hội nhập với các hiệp hội trong khu vực. Đây là những việc cần phải được ưu tiên thực hiện nếu muốn cạnh tranh ngang ngửa với các doanh nghiệp ASEAN, nhằm tạo sức mạnh tổng hợp trong bối cảnh AEC đã bắt đầu có hình hài.

Các tin khác