Nỗi niềm tỏi Lý Sơn
Từ những năm 60 của thế kỷ XX, cây tỏi bắt đầu được trồng trên đất đảo Cù Lao Ré (đảo Lý Sơn ngày nay). Tỏi Lý Sơn được ví như “vàng trắng” bởi kết tinh từ tinh túy của đất và nước đặc trưng của đảo, nơi mà vùng đất được hình thành từ những đợt phun trào núi lửa, kiến tạo địa chất trải qua hàng triệu năm.
10 năm nhãn hiệu tập thể được đăng ký bảo hộ sở hữu, tuy nhiên hoạt động quản lý sản xuất và bảo hộ thương mại bằng nhãn hiệu tập thể chưa giải quyết triệt để tình trạng sản phẩm tỏi ở vùng khác mạo danh tỏi Lý Sơn. Sản phẩm tỏi Lý Sơn đã và đang bị các sản phẩm cùng loại trồng ở nơi khác núp bóng và xâm phạm tràn lan trên thị trường, nhất là khi du lịch nở rộ trên đảo, du khách đổ về đảo Lý Sơn kéo theo “cơn sốt” tỏi Lý Sơn.
Từ đầu năm đến nay, cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý 6 vụ vận chuyển tỏi từ nơi khác ra đảo Lý Sơn tiêu thụ. Ông Đặng Tấn Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, cho biết: “Họ luồn lách để qua mặt đơn vị vận chuyển, cơ quan chức năng. Họ đựng tỏi trong các thùng carton, thùng xốp đựng hải sản, trái cây, bên dưới là tỏi, đưa lên tàu về đảo Lý Sơn nên các chủ tàu rất khó phát hiện để báo cơ quan chức năng. Nhiều hộ còn cho rằng, họ vận chuyển hàng hóa nên chuyển tỏi một cách công khai. Khi tổ kiểm tra xuống làm việc, họ nói là mang về nhà ăn, làm giống. Quan điểm của huyện là giải quyết, xử lý triệt để ngay khi phát hiện việc đem tỏi nơi khác ra đảo Lý Sơn, dù là bất kỳ lý do nào”.
Tình trạng giả mạo tỏi Lý Sơn đã khiến cho niềm tin của khách hàng bị lung lay, ngay trên chính quê hương xuất xứ tỏi Lý Sơn chính là đảo Lý Sơn. Sự xâm phạm tràn lan trên thị trường đã khiến tỏi Lý Sơn nhiều lần rớt giá, thậm chí phải “kêu gọi giải cứu”. Điển hình là năm 2018, nơi đây tồn đọng 250 tấn tỏi, giá tỏi khô thấp kỷ lục chỉ 25.000 đồng/kg và kéo dài nhiều tháng.
Đề án xây dựng Chỉ dẫn địa lý tỏi Lý Sơn nêu rõ những bất cập: “Không thể cấm vận chuyển tỏi ra đảo Lý Sơn được, vì tỏi là hàng hóa thông thường, không phải là hàng cấm, nên được phép lưu thông như hàng hóa thông thường theo luật”. Ông Đặng Tấn Thành nói: “Mặc dù UBND huyện có thành lập tổ kiểm tra xử lý đối với các trường hợp vận chuyển tỏi nơi khác đến đảo Lý Sơn, tuy nhiên không thể túc trực 24/24 vì các thành viên trong tổ còn làm nhiệm vụ kiêm nhiệm tại cơ quan. Chủ yếu vẫn là sự phối hợp giữa cảng Sa Kỳ, Lý Sơn và tàu thuyền ra vào đảo để ngay khi phát hiện vận chuyển tỏi nơi khác ra đảo, liền báo cho tổ kiểm tra xử lý và từ chối vận chuyển tỏi”.
Tỏi Lý Sơn cần được bảo vệ
Ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH-CN, cho biết: “Việc bảo hộ Chỉ dẫn địa lý tỏi Lý Sơn đã được công nhận sẽ giúp nâng cao chất lượng, uy tín, danh tiếng tỏi Lý Sơn. Người dân huyện đảo từ đó nâng cao thu nhập, tạo công ăn việc làm”. Theo ông Đinh Hữu Phí, công tác xây dựng chỉ dẫn địa lý đã khó, nhưng bảo vệ chỉ dẫn địa lý lại càng khó khăn hơn. Do vậy, cần phải có sự vào cuộc của người dân, quản lý thị trường, chính quyền huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Vì vậy, huyện Lý Sơn cần phải triển khai ngay một loạt các biện pháp như xây dựng cơ chế quản lý, xác định các tiêu chí, tiêu chuẩn, nguồn gốc. Sản phẩm phải dán tem nhãn mác, đảm bảo chất lượng đúng như chỉ dẫn địa lý đã quy định để người dân an tâm sản xuất, người tiêu dùng lựa chọn đúng tỏi Lý Sơn.
Ông Nguyễn Văn Có, người dân thôn Tây An Vĩnh, huyện Lý Sơn, lo lắng: “Thời gian trước, tỏi Lý Sơn được công nhận nhãn hiệu tập thể, tuy nhiên những nông dân Lý Sơn chủ yếu canh tác tỏi và bán cho thương lái cũng không có tem, nhãn mác. Vậy khi có chỉ dẫn địa lý, làm sao để mỗi người dân làm tỏi trên đồng ruộng cũng được bảo hộ”.
Khi được hỏi về xử lý việc trà trộn tỏi dưới mác tỏi Lý Sơn, ông Đặng Tấn Thành cho rằng, đây là một quá trình lâu dài, tuy nhiên Chỉ dẫn địa lý tỏi Lý Sơn sẽ là căn cứ bảo vệ quyền lợi, giải quyết tranh chấp thương mại, xử lý các tình huống mạo danh tỏi Lý Sơn đang diễn ra. Huyện sẽ triển khai tập huấn để tuyên truyền cho người dân về chỉ dẫn địa lý và khuyến khích người dân ý thức trong việc bảo vệ thương hiệu tỏi Lý Sơn.