Theo GS.TS Mak Yuen Teen, Trường Đại học Kinh doanh Australia (Đại học quốc gia Singapore) để nâng cao QTCT cho doanh nghiệp, các ưu tiên cải cách cho Việt Nam gồm: rà soát định kỳ các quy tắc về QTCT để phù hợp với thị trường trong nước và bảo vệ quyền lợi cho các cổ đông nhỏ lẻ; phát triển các tổ chức dành cho quản trị viên, nhà đầu tư và các chuyên gia nhằm xây dựng đội ngũ được cấp chứng chỉ, nâng cao nhận thức thông qua phương pháp đào tạo; vinh danh các doanh nghiệp thực hiện QTCT tốt và công bố tên các doanh nghiệp QTCT yếu kém thông qua các giải thưởng và bảng xếp hạng…
Trong các giai đoạn của QTCT, để chuyển đổi từ giai đoạn “thức tỉnh” sang “nhận thức” và sau đó đến “ tuân thủ” sẽ bao gồm rất nhiều thách thức. Điều này giống như đi trên một máy chạy tốc độ nhanh dần, nhưng vẫn cho phép các doanh nghiệp và HĐQT có khả năng tuân thủ các nguyên tắc và quy định nếu có nỗ lực. Tuy nhiên, khi chuyển sang giai đoạn “hiệu quả”- khi HĐQT đạt được hiệu quả trong việc nâng cao giá trị lâu dài của doanh nghiệp –đây là một điều hoàn toàn khác, giống như việc từ máy chạy chuyển sang chạy marathon.
Phó Chủ tịch UBCKNN Phạm Hồng Sơn, cho biết, trong vấn đề QTCT, cơ quan đã liên tục hoàn thiện khung pháp lý để bảo đảm thị trường được công khai minh bạch và hiệu quả. UBCKNN đã xây dựng nghị định về QTCT trình Thủ tướng Chính phủ.
“Chúng tôi cho rằng đây là một trong những hệ thống văn bản tiên quyết để thúc đẩy minh bạch và nâng cao chất lượng doanh nghiệp của bất kỳ thị trường chứng khoán nào trên thế giới. Đồng thời, việc nâng cấp từ thông tư lên nghị định QTCT cho thấy Chính phủ và các cơ quan quản lý rất quan tâm đến vấn đề này” - ông Sơn nói.