Những ai có thâm niên tham gia TTCK kể từ con sóng đầu tiên 2006-2007, chắc không quên việc một CTCK lớn tổ chức ĐHCĐ vào năm 2008 đã rơi vào trạng thái căng thẳng không đáng có, vì những tranh cãi giữa người đứng đầu DN và cổ đông do thiếu kiềm chế. Nhưng đó cũng là lần duy nhất DN này mất điểm trước cổ đông, bởi càng về sau tổ chức lại càng chuyên nghiệp và rất được lòng cổ đông lẫn báo giới.
Gần 1 tháng trước, tại đại hội cổ đông (ĐHCĐ) của một DN phân phối ô tô, ông chủ tịch HĐQT đã có phát ngôn gây sốc với đại ý rằng: “Những người lướt sóng cổ phiếu (CP) là ký sinh trùng”. Cách đây ít ngày, cũng lại một người đứng đầu DN hạ tầng khuyên cổ đông đầu cơ nên thoái vốn cho các NĐT chiến lược có tầm nhìn 5-10 năm.
Những phát ngôn theo kiểu đánh tráo khái niệm này đã bộc lộ sự thiếu hiểu biết và hơn cả là sự trịch thượng của lãnh đạo DN. Không phải vô tình dẫn đến sự tương đồng này, mà nguyên nhân đầu tiên nằm ở việc TTCK đã có những thời điểm quá thuận lợi khiến cho lãnh đạo DN có phần ảo tưởng.
Có lẽ việc giá trị giao dịch trên TTCK tăng mạnh từ vài ngàn tỷ đồng/phiên lên đến vài chục ngàn tỷ đồng/phiên, đã khiến cho nhiều lãnh đạo DN quên đi cảnh mỗi lần phát hành CP phải đi chào bán, thuyết trình cho NĐT về tiềm lực của DN những năm trước đây vất vả như thế nào.
Trước nhất cần khẳng định, lướt sóng, đầu tư ngắn hạn không sai và không xấu, đây vốn là một phần không thể thiếu của các loại thị trường chứ không riêng TTCK, vả lại có giao dịch ngắn hạn thì mỗi ngày thị trường mới sôi động, thanh khoản mới cao. Vì vậy, lấy đầu tư dài hạn để bỉ bôi ngắn hạn là việc đánh tráo khái niệm, bởi nên nhớ rằng đầu tư dài hạn vẫn có những sai lầm, bất cập nếu không có chiến lược hợp lý.
Giai đoạn 2006-2007, rồi 2009-2010, cứ CP nào ra tin chia cổ tức bằng CP, hoặc chia thưởng bằng CP lập tức giá tăng mạnh, bất chấp nguy cơ pha loãng rất cao. Hệ quả là suốt từ giai đoạn 2010-2019, cứ nghe tin chia tách là cổ đông lại dè dặt với nhiều CP.
Nhưng lịch sử lặp lại trong giai đoạn 2020 đến nay, CP có tin chia tách lại tăng giá và tạo ra tâm lý dễ dãi cho những lãnh đạo DN khi thực thi các biện pháp này. Cộng hưởng với việc cổ đông chỉ cần thấy giá CP tăng lên trong ngắn hạn đã vui, nên lãnh đạo của một số DN đã “quên” luôn các giải pháp để đảm bảo lợi ích cho cổ đông trong dài hạn và quay sang coi thường lợi ích của cổ đông.
Gần đây, tại ĐHCĐ của một nhà bán lẻ hàng đầu, ông chủ tịch HĐQT tuyên bố những kế hoạch kinh doanh rất hùng hồn nhưng nhận được những cái nhíu mày của cổ đông khó tính. Theo ông chủ tịch HĐQT này thì công ty đang tiến hành thử các loại hình kinh doanh mới và chấp nhận sai và… dọn.
Nghe thì có vẻ hùng hồn, nhưng cũng nên biết rằng, mỗi lần sai và dọn là sự tổn thất không nhỏ về các nguồn lực, tiền bạc, chi phí cơ hội, mà những điều này là tiền của tất cả cổ đông chứ không chỉ riêng một tổ chức hay cá nhân nào. Sự trịch thượng của lãnh đạo DN có thể chưa phát sinh những rủi ro trong ngắn hạn, nhưng về dài hạn lại là điều đáng ngẫm nghĩ vì sẽ tiềm ẩn những sự bất cân xứng về lợi ích, chiến lược và phần thiệt có thể thuộc về cổ đông.
Cố Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Nguyễn Ngọc Anh của CTCP Đầu tư Thương mại SMC đã từng nói rằng: Cổ đông giống như một chiếc phanh lý tưởng trên cỗ xe của DN. Những người lãnh đạo DN đầy đam mê nhưng nếu chiến lược chưa ổn thì sẽ được cổ đông phản biện và cảnh báo. Chính vì vậy, ngoài việc tối ưu hóa lợi ích cho cổ đông, còn là sự tôn trọng tối đa tất cả các ý kiến đóng góp của cổ đông.