"Thái tử" Samsung được ra tù trước hạn: Đặc quyền của giới nhà giàu Hàn Quốc?

(ĐTTCO) - Ngày 13/8, ông Lee Jae-yong, Phó chủ tịch Samsung Electronics, được đặc xá ra tù trước hạn sau hơn một năm thụ án. Điều này làm dấy lên câu hỏi về nguyên tắc bình đẳng của luật pháp ở Hàn Quốc, nơi các ông trùm kinh doanh bị kết án thường được hưởng sự khoan hồng...
Ông Lee Jae-yong, Phó chủ tịch Samsung Electronics - Ảnh: Reuters
Ông Lee Jae-yong, Phó chủ tịch Samsung Electronics - Ảnh: Reuters

Theo Nikkei Asia, ông Lee Jae-yong, thường được gọi là “thái tử Samsung”, đã ra rời khỏi Trung tâm cải tạo Seoul ở Uiwang - thành phố phía nam thủ đô, vào sáng 13/8. Ông đã trả lời ngắn gọn với phóng viên chờ sẵn, trước khi lên xe rời khỏi. 

ĐẶC XÁ TRÙM KINH DOANH ĐỂ TẠO ĐỘNG LỰC CHO NỀN KINH TẾ

Ông Lee là một trong 810 tù nhân được đặc xá nhân ngày Giải phóng Hàn Quốc 15/8. Ủy ban Xem xét Đặc xá gồm 9 thành viên, dẫn đầu là Thứ trưởng Bộ Tư pháp Kang Sung-kook đã thông báo quyết định đặc xá cho Phó chủ tịch Samsung Electronics và hy vọng sự hiện diện của ông trong bộ máy điều hành Samsung sẽ tạo động lực cho nền kinh tế Hàn Quốc trong bối cảnh đại dịch Covid-19. 

“Chúng tôi đã đưa Phó Chủ tịch Samsung Electronics Lee Jae-yong vào danh sách đặc xá sau khi xem xét các vấn đề của nền kinh tế quốc gia và tình hình kinh tế toàn cầu trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Chúng tôi cũng xem xét các yếu tố khác nhau, bao gồm cả dư luận và việc cải tạo của ông Lee trong tù”, thông cáo của Bộ Tư pháp cho biết. 

Ông Lee đã thụ án 18 tháng tù trong án tù 30 tháng vì tội hối lộ và tham ô. Tòa án cấp cao Seoul trước đó ra phán quyết rằng Lee biển thủ 8,7 tỷ Won (7,4 triệu USD) từ quỹ công ty để hối lộ cho người thân cận của cựu Tổng thống Park Geun-hye vào năm 2015. Vụ việc này là một phần trong vụ bê bối khiến bà Park bị phế truất vào năm 2017. 

Ông Lee được ra tù trong bối cảnh Samsung đối mặt cạnh tranh gay gắt từ hai nhà sản xuất chip TSMC, Intel cũng như các đối thủ khác trong ngành công nghiệp chip toàn cầu. Cả ba công ty đều cạnh tranh để dẫn đầu thị trường khi mà lĩnh vực này ngày càng trở nên quan trọng trong bối cảnh căng thẳng thương mại và công nghệ Mỹ - Trung. Samsung, hiện dẫn đầu thị trường chip nhớ toàn cầu, có kế hoạch đầu tư 171 tỷ Won để nghiên cứu công nghệ bán dẫn tối tân và xây dựng một nhà máy sản xuất chip mới. 

Trong khi đó, công ty Trung Quốc Xiaomi đang lăm le soán ngôi vương của Samsung trên thị trường di động thông minh (smartphone) toàn cầu. Gần đây, Xiaomi đã vượt qua Apple trở thành nhà sản xuất smartphone lớn thứ hai thế giới và đặt mục tiêu "qua mặt" Samsung trong 3 năm tới. 

Trong quý 2, doanh số smartphone toàn cầu của Samsung đạt 60 triệu chiếc, giảm 10 triệu chiếc so với quý trước, do gián đoạn sản xuất bởi Covid-19 tại Việt Nam.

"TRUYỀN THỐNG" ĐƯỢC ĐẶC XÁ TRONG GIỚI CHAEBOL

Ông Lee không phải là lãnh đạo chaebol (từ thường được dùng để chỉ các tập đoàn kinh tế khổng lồ ở Hàn Quốc) duy nhất bị kết án rồi được hưởng sự khoan hồng.

Trước đó, cha ông - cố Chủ tịch Samsung Lee Kun-hee - từng hai lần được tổng thống đặc xá. Lần đầu tiên là vào năm 1997, dưới thời Tổng thống Kim Young-sam, khi ông Lee Kun-hee bị kết án 2 năm tù tội hối lộ Tổng thống tiền nhiệm Roh Tae-woo. Lần thứ hai là vào năm 2009 khi ông bị kết án 3 năm tù treo vì tội tham ô và trốn thuế. Tổng thống Hàn Quốc lúc đó, ông Lee Myung-bak, đã yêu cầu ông Lee giúp Hàn Quốc giành được quyền đăng cai Thế vận hội mùa đông 2018. 

Trước đó, năm 2007, ông Chung Mong-koo, hiện là Chủ tịch danh dự của Hyundai Motor, bị kết án 3 năm tù vì tội tham ô và lạm dụng tín nhiệm. Tuy nhiên, một năm sau đó, ông được tổng thống đặc xá nhân ngày Giải phóng. Bộ Tư Pháp Hàn Quốc khi đó cho biết lệnh đặc xá của Tổng thống sẽ giúp kinh tế Hàn Quốc thoát khỏi khó khăn. Một thẩm phán phiên tòa phúc thẩm cũng nói rằng ông Chung quá quan trọng với nền kinh tế quốc gia. 

Năm 2015, ông Chey Tae-won, Chủ tịch tập đoàn SK, khi đó đang thụ án tù 4 năm vì tội tham ô, cũng được Tổng thống Hàn Quốc - khi đó là bà Park Geun-hye - đặc xá. Hãng tin Reuters dẫn lời Tổng thống Hàn Quốc khi đó cho biết một số doanh nhân được hưởng đặc xá lần này để giúp phục hồi kinh tế đất nước và tạo việc làm cho xã hội. 

Theo Nikkei Asia, điểm chung của các lệnh đặc xá với lãnh đạo các tập đoàn Hàn Quốc là để họ ra tù và đóng góp cho nền kinh tế đất nước. 

Ông Park Yong-jin, nghị sĩ của đảng Dân chủ cầm quyền và cũng là một ứng viên trong cuộc bầu cử tổng thống Hàn Quốc năm tới, đầu tuần này bày tỏ sự phản đối với quyết định đặc xá cho “thái tử” Samsung. Ông gọi đây là “sự xúc phạm” với pháp quyền, là ví dụ điển hình về việc giới giàu và quyền lực luôn có lối thoát khỏi sự trừng phạt cho những sai phạm của mình. 

Ông Park cho biết, trong 10 năm qua, chỉ 0,3% tù nhân được đặc xá trước khi hoàn thành 80% thời hạn tù, còn Phó chủ tịch Samsung vẫn được đặc xá dù mới chỉ toàn thành 60% án tù. 

Trước đó, bà Jang Hye-young, thuộc đảng Công Lý của Hàn Quốc, cũng chỉ trích quyết định đặc xá cho ông Lee, cho rằng đây là “quyết định chối bỏ sự bình đẳng” trong xã hội.

Các tin khác