Đặc biệt, những tấm gương đã căng mình “chiến đấu”, ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan, đóng góp công sức để làm vơi đi khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh đã tác động mạnh mẽ đến mọi ngành, mọi lĩnh vực.
Bỏ tết, không bỏ nhiệm vụ
Ca bệnh Covid-19 không rõ lây nhiễm từ đâu tại Sân bay Tân Sơn Nhất xuất hiện vào những ngày cận Tết Tân Sửu 2021, đặt ngành y tế TPHCM vào một thách thức lớn. Sau khi Ban chỉ đạo phòng chống dịch TPHCM yêu cầu khẩn trương làm rõ, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) đã ra sức truy vết, nỗ lực ngăn không để dịch lây lan. HCDC huy động lực lượng toàn ngành y tế triển khai truy vết, giám sát, cắt chuỗi lây nhiễm.
HCDC và các quận huyện đã truy vết thần tốc để kiểm soát chuỗi lây nhiễm, giúp người dân có được một cái tết bình yên. “Đó chỉ là một trong rất nhiều đợt cao điểm khi TPHCM xuất hiện các ca mắc Covid-19. Với chúng tôi lần nào cũng vậy, khi nhận tin có ca bệnh tất cả đều hồi hộp, căng thẳng nhưng mọi lúc, mọi nơi chúng tôi đều sẵn sàng tinh thần chiến đấu”, ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc HCDC chia sẻ.
Hơn 1 năm qua, HCDC đã triển khai công tác giám sát người nhập cảnh; giám sát ca bệnh và người tiếp xúc ca bệnh, thực hiện cách ly và các biện pháp kiểm soát lây lan dịch bệnh. Song song đó là xây dựng cơ chế phối hợp với các cơ quan liên quan, nhờ đó công tác triển khai phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn TPHCM được thực hiện kịp thời, nhanh chóng.
Góp phần không nhỏ trong việc khoanh vùng, xác định các ca dương tính, đội ngũ y, bác sĩ, kỹ thuật viên Khoa xét nghiệm, Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới đã không ngại khó khăn, nguy cơ lây nhiễm, thậm chí bỏ tết để thực hiện nhiệm vụ được giao. Cùng với y bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch, các bác sĩ tại khoa xét nghiệm cũng làm hết công suất, âm thầm cống hiến.
Nếu trước đây, mỗi ngày khoa chỉ xét nghiệm khoảng 50 mẫu, khi dịch diễn biến phức tạp, khoa tiếp nhận có ngày lên đến 2.000 mẫu. Theo bác sĩ Nguyễn Huy Mẫn, Trưởng Khoa xét nghiệm, BV Bệnh nhiệt đới, BV đã huy động thêm nhân lực cho khoa, nhân viên phải chia làm 3 ca, làm việc liên tục cả ngày lẫn đêm. Trong quá trình làm việc, nhiều sáng kiến đưa ra để cải tiến cách làm nhanh và hiệu quả nhất. Nhờ đó, công suất xét nghiệm tăng lên trên 1.000 mẫu/24 giờ.
“Ban đầu, tâm lý nhân viên có chút lo ngại vì nguy cơ lây nhiễm nhưng ngay sau đó đã hiểu, nắm vững các thao tác thì tất cả đồng lòng cống hiến. Trong dịp tết vừa qua, trên tinh thần bỏ tết, không bỏ nhiệm vụ, chúng tôi tăng cường túc trực làm việc để đảm bảo các kết quả xét nghiệm được nhanh nhất, nhằm phục vụ công tác phòng chống dịch một cách hiệu quả”, bác sĩ Mẫn cho biết.
Với nhiệm vụ của một người lính, Đại úy Nguyễn Nho Đông, Trưởng Ban Chính trị Trường Quân sự TPHCM cũng lao vào tâm dịch suốt hơn 1 năm qua. Không kể ngày hay đêm, Đại úy Đông cùng đồng đội túc trực tại BV dã chiến Củ Chi để thực hiện nhiệm vụ. Nếu các y, bác sĩ trực tiếp thăm khám cho người cách ly, thì nhiệm vụ của Đại úy Đông là trực đường dây nóng cũng như đến tận nơi cách ly để nắm tình hình sức khỏe, nhận phản hồi về điều kiện ăn ở, thái độ phục vụ cũng như giải quyết tâm tư, nguyện vọng, khiếu nại của người cách ly.
“Thực tế những ngày đầu cách ly tại đây tình hình rất căng thẳng. Nhiều người bất hợp tác, thậm chí chửi mắng y bác sĩ thăm khám. Khi ấy, chúng tôi phải nhẹ nhàng giải thích, khuyên nhủ, thậm chí có lúc phải răn đe. Nhưng tất cả đều phải trên tinh thần giúp người cách ly hiểu mà hợp tác”, Đại úy Đông nhớ lại. Thời gian đầu, bên cạnh lo lắng về nguy cơ lây nhiễm từ người cách ly, đến áp lực công việc, lại thường xuyên trực đêm khiến anh và đồng đội có lúc bị căng thẳng, áp lực. Thế nhưng, với tinh thần người lính, anh lấy đó làm tự hào khi được xông pha nơi tuyến đầu chống dịch.
Bình dị mà cao quý
Sức tàn phá của Covid-19 không ngăn nổi bước chân thiện nguyện của người dân TPHCM. Ở phường Tân Phong, quận 7, nhà hàng Khải Phương gần 10 năm nay được biết đến là nơi kết nối những tấm lòng thơm thảo của doanh nghiệp, các nhà hảo tâm với cái tên: Quỹ Bàn tay ấm. Chỉ riêng 2 năm qua, nhà hàng đã dành toàn bộ lợi nhuận để đồng hành cùng hội phụ nữ các cấp chia sẻ với các hoàn cảnh khó khăn. Càng làm càng mê say, càng chuyên nghiệp. Chị em phân công thành từng nhóm hỗ trợ, theo dõi chuyên đề, chăm lo cho từng nhóm đối tượng khác nhau. Nhóm theo nạn nhân chất độc da cam ở quận 9, nhóm theo Bệnh viện Chợ Rẫy, chương trình mổ tim...
Những ngày đầu năm ngồi điểm lại, không thể nhớ hết những việc mà quỹ đã âm thầm làm trong thời gian qua. Gần đây nhất, là hỗ trợ chăm lo tết cho hội viên phụ nữ khó khăn tại các quận huyện, duy trì bữa ăn dinh dưỡng, tặng quà cho người nghèo, các cụ già neo đơn, trẻ em mồ côi. Không chỉ riêng ở TPHCM, Quỹ Bàn tay ấm còn đến với các tỉnh thành để xây cầu, hỗ trợ phương tiện sinh kế, đồng hành với phụ nữ biên cương.
Quỹ Bàn tay ấm còn kêu gọi và đồng hành cùng học bổng “Nâng bước em đi”, hỗ trợ học phí cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, học lực khá giỏi suốt 4 năm đại học, trị giá 18 triệu đồng/suất/năm cho mỗi em. Góp sức vào công tác chống dịch của TP, quỹ còn ủng hộ hơn 8.700 khẩu trang y tế, 720 bánh xà bông diệt khuẩn.
Chị Nguyễn Thị Hồng Huế, chủ nhà hàng Khải Phương cho biết, nhiều hoạt động của quỹ luôn có sự đồng hành chặt chẽ với Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM. Từ đó, những chuyến xe yêu thương, ngày hội 0 đồng được lan tỏa. Trong đợt mưa bão gây thiệt hại lớn ở miền Trung, 5 tỷ đồng đã được trao đến tay người dân các tỉnh, rồi hơn 500 triệu đồng cũng được trao để hỗ trợ xây dựng 10 căn nhà tình thương ở Huế, Quảng Trị sau lũ…
Cũng chọn cách âm thầm chăm lo từng bữa ăn cho người lao động khó khăn, tập thể bếp cơm 1.000 đồng - tiếp sức phụ nữ, bà con lao động nghèo ở quận 10 hoạt động tích cực trong suốt năm qua. Bếp cơm bắt đầu từ tháng 9-2016, ban đầu do chị Trần Thị Mai Phượng trực tiếp nấu, anh Vũ Quang Thức cùng với các tình nguyện viên vận động thực hiện. Hồi ấy còn khó khăn, bếp chỉ trao được 200 suất cơm mỗi tuần.
Nhưng từ năm 2018, được Hội Liên hiệp Phụ nữ phường hướng dẫn, hỗ trợ, các tình nguyện viên tổ chức trao cơm “chuyên nghiệp” hơn. Từ đó các nhà hảo tâm cũng bắt đầu chú ý và ủng hộ nhiều hơn. Hiện mỗi lần bếp có thể trao 350 - 700 suất cơm trị giá hơn 14 triệu đồng. Nhận cơm là những người bán vé số, ve chai, phụ hồ, các công nhân, bệnh nhân nghèo, người nuôi bệnh khó khăn…
Không chỉ là miếng cơm khi đói lòng, tập thể bếp cơm còn hỗ trợ các bệnh nhân nghèo số tiền 1 - 1,5 triệu đồng. Mỗi dịp lễ tết, bếp dành hơn 30 phần quà cho các bệnh nhân nghèo, người nuôi bệnh khó khăn phải xa quê. Vừa rồi, các tình nguyện viên còn tự tay gói hơn 500 chiếc bánh chưng để trao tận tay những người lao động nghèo.
Đang mùa dịch bệnh nên kèm theo những suất cơm, phần quà, người nhận cũng hoan hỉ khi có thêm chiếc khẩu trang, chai nước sát khuẩn. Các tình nguyện viên là giáo viên hưu trí còn khéo léo tuyên truyền những biện pháp phòng chống dịch cho người lao động.