(ĐTTCO) - CTCP Tập đoàn Masan (MSN) đang hiện thực hóa tham vọng làm chủ ngành hàng thực phẩm bằng các thương vụ thâu tóm các doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, đây là mục tiêu không hề đơn giản bởi sức ép cạnh tranh của lĩnh vực này rất lớn.
Từ nông trại đến bàn ăn
CTCP Masan Nutri-Science (MNS), một thành viên của MSN, vừa công bố đã mua thêm 30% cổ phần giúp tăng sở hữu tại CTCP Dinh dưỡng nông nghiệp Quốc tế (ANCO) lên 100%. Trước đó, MNS cũng nâng tỷ lệ sở hữu gián tiếp tại Công ty TNHH MTV Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (VISSAN) từ 14% lên 24,9%. Theo công bố, MNS đã phải chi trả giá bình quân 106.000 đồng/cổ phần để mua 24,9% cổ phần của VISSAN nhằm tận dụng cơ hội hợp tác với thương hiệu hàng tiêu dùng hàng đầu trong ngành hàng thịt tươi sống và thực phẩm chế biến.
MSN hiện đang giao dịch với mức giá 67.000 đồng/CP, thấp nhất trong vài năm trở lại đây. Nếu tính từ đầu năm 2016 đến nay, MSN đã giảm hơn 10% trong khi VN Index đạt đỉnh cao nhất 8 năm. |
Mục tiêu của MNS là triển khai một mô hình kinh doanh độc đáo, trực tiếp vận hành và tích hợp toàn bộ chuỗi giá trị đạm động vật từ thức ăn gia súc, chăn nuôi, giết mổ đến chế biến các sản phẩm thịt có thương hiệu. Với tầm nhìn của MNS là phát triển thành một công ty hàng tiêu dùng hàng đầu trong toàn bộ chuỗi giá trị “từ nông trại đến bàn ăn”, do đó nhiều khả năng MNS sẽ đàm phán mua lại 1 trang trại heo trong thời gian tới.
Chia sẻ về 2 thương vụ thâu tóm này, ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch MNS, cho biết đã xác lập một mục tiêu và tầm nhìn đầy tham vọng trong năm 2016 và đang từng bước xây dựng năng lực cho MNS để hiện thực hóa sứ mệnh của mình. MNS tập trung vào việc cung cấp cho người tiêu dùng Việt những sản phẩm thịt chất lượng cao, có thương hiệu với giá cả phải chăng. Trọng tâm hiện nay của MNS là đẩy nhanh quá trình tích hợp để khai thác giá trị thực sự vượt trội cho cả doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng.
Bão hòa ngành hàng mì gói
Thực tế cho thấy, chiến lược thâu tóm của MSN đã đem lại những chuyển biến tích cực. Theo BCTC quý I, doanh thu của MSN đạt 8.770 tỷ đồng (tăng 145%), lợi nhuận sau thuế đạt 253 tỷ đồng. Có được kết quả này một phần nhờ kết quả hợp nhất từ MNS. Theo thống kê, doanh số bán thức ăn cho heo tăng mạnh giúp lợi nhuận sau thuế của MNS tăng 31%. Trên cơ sở kết quả kinh doanh riêng lẻ, doanh thu MNS tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ sản lượng tăng 21%, trong đó sản lượng thức ăn chăn nuôi cho heo tăng mạnh 50%.
Tuy nhiên, không phải lĩnh vực nào cũng mang lại thành công cho MSN. Đơn cử là mảng sản xuất gia vị và mì gói. Trong lĩnh vực này, CTCP Masan Consumer, một thành viên của MSN đang gặp khó khăn trong tăng trưởng do các nhóm hàng chính này đang có dấu hiệu bão hòa sau thời gian tăng trưởng mạnh. Gần đây, thị trường đã chứng kiến sự nổi lên nhanh chóng của Uniben với thương hiệu “3 miền”. Uniben tập trung vào các sản phẩm phân khúc bình dân và thâm nhập vào khu vực nông thôn, mà ở nông thôn tiêu thụ mì gói vẫn đang tăng trong khi tại các khu vực đô thị thì đã bão hòa. Trong năm 2015 đã có thêm 1,2 triệu người tiêu dùng sản phẩm của “3 miền” tại nông thôn. Ngoài Uniben, Masan Consumer còn phải đối mặt với một đối thủ đáng gờm khác là CTCP Tập đoàn Kido (KDC). Sau khi bán mảng bánh kẹo, KDC đã tập trung phát triển vào phân khúc này với thương hiệu “Đại gia đình” và dần trở thành đối thủ cạnh tranh của Masan Consumer. Theo nhận định của các chuyên gia, để phục hồi đà tăng trưởng, Masan Consumer cần tung ra thành công các sản phẩm mới hoặc thâm nhập thành công vào thị trường Thái Lan thông qua hợp tác với Tập đoàn Singha. Tuy nhiên, đây không hẳn là nhiệm vụ đơn giản bởi chưa có doanh nghiệp Việt Nam nào đủ sức cạnh tranh với sản phẩm của người Thái ngay trên đất Thái Lan.
![]() |
Thất vọng với cổ tức
Mạnh tay trong các thương vụ thâu tóm, nhưng MSN lại “chi li” trong việc chi trả cổ tức cho cổ đông. Tại ĐHCĐ được tổ chức vào tháng 4 vừa qua, HĐQT của MSN tiếp tục đưa ra quyết định không chia cổ tức năm 2015. Như vậy, đây là năm thứ 7 liên tiếp MSN không chia cổ tức cho NĐT. Theo chia sẻ của ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT MSN, để doanh nghiệp lớn mạnh cần đến từ 3 nguồn lực bao gồm: tích lũy để phát triển, con người và nguồn lực từ cổ đông. Chính vì vậy, HĐQT MSN quyết định chưa chia cổ tức ở thời điểm hiện tại. Dù tờ trình không chia cổ tức vẫn được thông qua, nhưng chia sẻ của ông Quang chắc chắn không nhận được sự đồng cảm của nhiều cổ đông. Theo nhiều cổ đông, tại sao MSN tính toán trong việc chi trả cổ tức nhưng lại vô tư phát hành CP theo chương trình lựa chọn người lao động (ESOP) với số lượng lớn. Theo kế hoạch, MSN sẽ phát hành 10 triệu CP ESOP (chiếm 1,34% tổng số lượng CP đang lưu hành) với giá phát hành 10.000 đồng/CP. Đối tượng phát hành là nhân viên công ty và không bị hạn chế chuyển nhượng. Thời điểm phát hành dự kiến trong năm 2016 và 4 tháng đầu năm 2017.
Theo lý giải của giới phân tích, việc MSN quyết không chia cổ tức có thể đến từ lo ngại của HĐQT về những khó khăn đang đối mặt. Chẳng hạn, bên cạnh những lợi thế và cơ hội MSN có được cũng có nhiều yếu tố rủi ro đối với tình hình sản xuất kinh doanh. Đáng kể nhất là rủi ro cạnh tranh trong ngành hàng tiêu dùng, sau khi Việt Nam hội nhập sâu hơn vào kinh tế thế giới thông qua việc tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) và TPP. Áp lực cạnh tranh không chỉ đến từ các doanh nghiệp ngoại mà ngay cả các doanh nghiệp nội cũng đang tạo sức ép mạnh mẽ lên MSN. Ngoài ra, rủi ro trong ngắn hạn đối với MSN là cơ cấu nợ khá lớn. Tính đến cuối năm 2015, khoản vay và nợ dài hạn của MSN đã lên hơn 29.735 tỷ đồng. Bên cạnh đó, nhiều khoản nợ bằng USD của MSN gặp rủi ro trong bối cảnh tỷ giá được dự báo sẽ căng thẳng trong năm 2016.