Tháng 7, xuất khẩu thuỷ sản tiếp tục đà suy giảm

(ĐTTCO) - Số liệu vừa công bố của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho thấy, tháng 7-2022, xuất khẩu (XK) thuỷ sản Việt Nam đang chững lại.


Tháng 7, xuất khẩu thuỷ sản tiếp tục đà suy giảm
Kết thúc tháng 7, XK thuỷ sản chững lại với giá trị XK 970 triệu USD. Tuy tăng 14% so với cùng kỳ năm 2021 (thời điểm khó khăn do đại dịch Covid-19) nhưng đã giảm 4% so với tháng 6.
Trước đó, xuất khẩu thủy sản đã có đà tăng nóng từ 39-62% trong 4 tháng đầu năm. Nhưng từ tháng 5-2022, XK thuỷ sản đã có dấu hiệu hạ nhiệt và tăng trưởng chậm (XK tăng 34% trong tháng 5 và tăng 18% trong tháng 6). 
Tính chung, luỹ kế 7 tháng đầu năm, XK thuỷ sản đạt gần 6,7 tỷ USD, tăng 35% so với cùng kỳ năm 2021.
Tháng 7, xuất khẩu thuỷ sản tiếp tục đà suy giảm ảnh 1 Tháng 7, xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam tiếp tục đà suy giảm. Nguồn: VASEP.
Nguyên nhân XK thủy sản giảm tốc từ tháng 5 năm nay, theo VASEP nhận định, đó là do thời tiết bất lợi, mưa sớm hơn so với mọi năm làm ảnh hưởng đến đến sản lượng thủy sản, gây ra dịch bệnh trên tôm nuôi khiến cho cho sản lượng tôm giảm, đồng thời nguồn hàng dự trữ từ năm ngoái cũng đã cạn dần.
Về thị trường, XK thủy sản của Việt Nam vẫn chủ yếu sang ba thị trường lớn là Mỹ, EU và Trung Quốc.
Đối với thị trường Mỹ, do lượng tồn kho tăng cùng với lạm phát đã tác động đến nhu cầu NK của Mỹ từ tháng 6, do vậy XK thuỷ sản Việt Nam sang thị trường này đã giảm 8% trong tháng 6 và tiếp tục giảm sâu 23% trong tháng 7. Luỹ kế 7 tháng đầu năm, XK sang Mỹ đạt gần 1,5 tỷ USD, tăng 31% so với cùng kỳ năm ngoái.
XK thủy sản sang EU vẫn giữ được tăng trưởng 28% trong tháng 7 và luỹ kế 7 tháng đạt 829 triệu USD, tăng 39% so với cùng kỳ năm 2021.
XK thuỷ sản sang Trung Quốc sau 7 tháng đã chạm mốc 1 tỷ USD, tăng 71% so với cùng kỳ năm 2021.
 Xuất khẩu tôm gặp khó trong những tháng cuối năm
Theo nhận định của VASEP, khan hiếm nguyên liệu tôm và hải sản sẽ tiếp tục chi phối đến kết quả xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong quý III-2022, theo đó dự báo quý III sẽ tăng trưởng chậm hơn so với 2 quý trước, ước chỉ đạt khoảng 3 tỷ USD. Sản xuất tôm trong nước và nhu cầu tôm thế giới được dự báo là không khả quan trong 6 tháng cuối năm. Nguồn cung tôm của các nước sản xuất tăng mạnh, lượng NK của các thị trường chính như Mỹ, EU tăng trong nửa đầu năm sẽ dẫn đến lượng tồn kho tăng và nhu cầu chững lại trong nửa cuối năm. Trong khi đó, sản xuất tôm nguyên liệu trong nước đang gặp khó khăn vì thời tiết và các chi phí quá cao, do vậy sẽ tiếp tục thiếu hụt tôm nguyên liệu trong nửa cuối năm.

Các tin khác