Thanh khoản tăng thiếu bền vững

Ngày 5-6-2012, có thể giao dịch buổi chiều sẽ chính thức được áp dụng sau 3 tháng thí điểm. Các thành viên thị trường có lẽ đã bắt đầu quen nhịp và sẵn sàng cho việc giao dịch buổi chiều chính thức được triển khai. Cùng nhìn lại giao dịch trong 3 tháng qua, thanh khoản thị trường đã có sự thay đổi.

Tại HOSE, khối lượng giao dịch (KLGD) trung bình mỗi phiên đã tăng lên hơn 90 triệu CP, tăng hơn 91,7% so với mức trung bình trong 3 tháng trước khi tăng thời gian giao dịch và tăng gần 170% so với trung bình năm 2011. Tại HNX, KLGD trung bình mỗi phiên cũng tăng lên 83,7 triệu CP, tăng 118,4% so với trước khi kéo dài thời gian giao dịch và tăng 163% so với trung bình năm 2011.

Kéo dài thời gian giao dịch qua buổi chiều là một việc làm được cho là phù hợp với thông lệ và các chuẩn mực giao dịch chung quốc tế. Thanh khoản thị trường rõ ràng đã có bước tăng vượt bậc. Bên cạnh đó, những giải pháp mang tính chất kỹ thuật khác mà cơ quan quản lý đã lên quy trình áp dụng như: chỉ số mới HNX-30; bộ chỉ số ngành; áp dụng lệnh thị trường (thí điểm từ ngày 2-7); quy trình thanh toán T+3 (dự kiến tháng 9-2012)… ít nhiều cũng sẽ đem lại những sự sôi động nhất định cho thị trường.

Tuy nhiên, thanh khoản thị trường liên tục sụt giảm trong 3 tuần giao dịch cuối tháng 5 đang đặt ra nhiều câu hỏi và sự lo lắng cho NĐT. Tại HOSE, KLGD trung bình tuần cuối tháng 5 chỉ đạt 56,78 triệu CP, giảm 37,06% so với mức trung bình 3 tháng qua. Tại HNX, KLGD trung bình tuần cuối tháng 5 chỉ đạt 38,95 triệu CP, giảm 53,7%.

Phải chăng đây chỉ là hiện tượng “tiết cung” mang tính chất kỹ thuật của thị trường, hay thị trường lại đi vào giai đoạn ảm đạm trở lại? Thanh khoản tăng lên trong khoản thời gian qua chỉ là dòng tiền đầu cơ “đánh nhanh, rút nhanh”, không bền vững?

Do đó, bên cạnh các giải pháp mang tính chất kỹ thuật, các cơ quan quản lý cần đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng sản phẩm (CP giao dịch), nâng tầm thị trường, tạo ra cuộc chơi công bằng, an toàn minh bạch cho NĐT.

Bên cạnh đó, cần cải thiện nhiều hơn các yếu tố vĩ mô, lạm phát, lãi suất… thì dòng tiền thông minh tự sẽ tìm đến với TTCK. TTCK sẽ trở về đúng vai trò là một kênh đầu tư, kênh huy động vốn trung, dài hạn của nền kinh tế.

Các tin khác