Sáng 11/10, Bộ Xây dựng Việt Nam và Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông Hàn Quốc đã tổ chức lễ triển khai Dự án “Thành lập Trung tâm hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc về đô thị thông minh và công nghệ xây dựng” (VKC).
Đại diện Bộ Xây dựng nhấn mạnh cùng với sự phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông, nhiều nước trên thế giới đã thành công khi xây dựng mô hình đô thị thông minh góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, cải thiện chất lượng phục vụ của chính quyền thành phố, giảm tiêu thụ năng lượng, tăng cường quản lý hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Nắm bắt xu hướng phát triển toàn cầu, hiện nay, ở Việt Nam, phát triển đô thị thông minh là một trong những động lực quan trọng để thực hiện mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, có thu nhập cao vào năm 2045.
Về định hướng phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 950/QĐ-TTg ngày 1/8/2018: Đề án “Phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án 950) nhằm đóng góp vào việc triển khai thực hiện chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của quốc gia thông qua phát triển đô thị thông minh bền vững.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, hiện nay, trên cả nước có 41/63 tỉnh/thành phố đang xây dựng đô thị thông minh, trong đó có 27 địa phương xây dựng đô thị thông minh toàn tỉnh và 14 địa phương xây dựng đô thị thông minh trực thuộc tỉnh.
Tuy nhiên, theo Bộ Xây dựng, hầu hết các đô thị trên cả nước vẫn đang ở giai đoạn đầu thực hiện phát triển đô thị thông minh. Bên cạnh đó, các đô thị cũng đang lúng túng trong việc xác định mô hình đô thị thông minh phù hợp với đặc điểm của mình.
Vì vậy, việc học hỏi kinh nghiệm từ các nước đã thành công trong phát triển đô thị thông minh ở trên thế giới, điển hình như Hàn Quốc là vô cùng quan trọng.
Trên cơ sở đó, ngày 12/5/2022, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ký quyết định số 388/QĐ-BXD phê duyệt văn kiện hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn ODA không hoàn lại của Chính phủ Hàn Quốc thực hiện Dự án VKC. Dự án này nhằm mục đích thành lập một trung tâm chuyên nghiệp thúc đẩy nghiên cứu và đào tạo về đô thị thông minh và công nghệ xây dựng tiên tiến để đóng góp vào sự phát triển đô thị thông minh ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, Dự án VKC cũng được kỳ vọng sẽ từng bước cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Việt Nam, góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ hoàn thiện thể chế, pháp luật về phát triển đô thị thông minh đồng thời nâng cao năng lực của các cơ quan hoạch định chính sách, các cấp quản lý tại các địa phương.
Để triển khai hiệu quả dự án trên, tiến sĩ Trần Hữu Hà, Giám đốc Học viên Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị (Bộ Xây dựng) cho biết trong thời gian tới, việc phát triển đô thị thông minh sẽ tập trung vào các nhiệm vụ: Xây dựng nền tảng pháp lý và cơ sở đánh giá cho phát triển đô thị thông minh; thiết lập, duy trì, vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu không gian đô thị số hoá liên thông đa ngành; nghiên cứu ứng dụng các công nghệ thông minh phù hợp với bối cảnh Việt Nam...
Về phía Hàn Quốc, đại diện Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông cho biết với kinh nghiệm của một nước mà đô thị hóa thông minh đã đạt 90%, Hàn Quốc sẽ tích cực hỗ trợ và đồng hành cùng Bộ Xây dựng Việt Nam triển khai dự án hiệu quả.
“Hy vọng 2 nước sẽ cùng nhau 'vẽ' lên một bức tranh đô thị thông minh tại Việt Nam, qua đó đưa đô thị Việt Nam lên một tầm cao mới. Thông qua Dự án VKC, các cơ quan, cán bộ quản lý về hạ tầng, đô thị Hàn Quốc cũng sẽ học hỏi những giải pháp sáng tạo của Việt Nam,” đại diện Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông Hàn Quốc nhấn mạnh.