Nhưng có giai đoạn lịch sử, nhân vật lịch sử còn lưu dấu mãi; làm hao tổn biết bao sức lực, trí tuệ, giấy mực và thời gian của người hậu thế. Vở kịch nói Thành Thăng Long thuở ấy của Nhà hát Thế giới Trẻ (Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TPHCM) do ekip của NSND Hoàng Yến thực hiện là một thí dụ.
Thành Thăng Long thuở ấy là lát cắt lịch sử của một trong những vương triều hiển hách nhất trong lịch sử hình thành và phát triển của dân tộc Việt. Đầu thế kỷ thứ 13, vương triều Lý đã đến thời kỳ mạt. Trần Thủ Độ một vị quan của triều Lý đã cấu kết cùng Trần Thị Dung, chị họ mình, hoàng hậu vua Lý Huệ Tông cướp ngôi nhà Lý.
Với tài thao lược và mưu mô khác người, Trần Thủ Độ đã tìm cách dụ Lý Huệ Tông nhường ngôi cho con gái mình (con đẻ của Trần Thị Dung) là Lý Chiêu Hoàng. Lý Chiêu Hoàng lên ngôi khi chưa đầy 10 tuổi nên mọi việc đối nội và đối ngoại của triều đình nhà Lý đều trong tay Trần Thủ Độ, với sự tiếp ứng của Trần Thị Dung. Đưa Lý Chiêu Hoàng lên ngôi vua, Trần Thủ Độ còn “gài” cháu họ là Trần Cảnh vào phục vụ vua. Tạo cơ hội cho đôi trẻ có tình cảm thuở ban sơ, Trần Thủ Độ thực hiện khát vọng dựng lên nhà Trần, thông qua việc vị nữ vương cuối cùng của triều Lý nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh. Trần Cảnh lên ngôi lấy hiệu là Trần Thái Tông. Đó là vị vua đầu tiên của triều Trần với 175 năm trị vì, trải qua 14 đời vua, với biết bao chiến công hiển hách.
Một cảnh trong vở kịch nói Thành Thăng Long thuở ấy của Nhà hát Thế giới Trẻ.
Đảm nhận vai chính Lý Chiêu Hoàng, bằng tài năng diễn xuất và giọng nói kiêu sa, trời phú, NSND Hoàng Yến đã làm người xem từ bất ngờ này đến bất ngờ khác để khắc họa chân dung nhân vật Lý Chiêu Hoàng. Vị vua cuối cùng của triều Lý nhường ngôi cho chồng đồng nghĩa với việc cáo chung triều Lý, mở ra triều Trần. Vậy bà có công hay có tội? Tác giả kịch bản Chu Thơm và đạo diễn NSND Giang Mạnh Hà cùng tập thể sáng tạo vở kịch lịch sử này, đặc biệt NSND Hoàng Yến thủ vai Lý Chiêu Hoàng, đã tạo hiệu ứng sân khấu mạnh mẽ, giúp người xem trải qua các cung bậc cảm xúc để tiệm cận nhân vật. Thực tế trong lịch sử, dù có mạnh đến đâu, vương triều nào rồi cũng đến thời mạt, nhường ngôi cho vương triều khác. Nhìn tổng quát, triều đại sau bao giờ cũng tiến bộ hơn triều đại trước. Và vì thế dân tộc ta mới phát triển rực rỡ như ngày hôm nay.
Không chỉ khắc họa nhân vật Lý Chiêu Hoàng với bản lĩnh vững vàng trước cái ác, trước vận mệnh dân tộc và lòng thủy chung son sắt với người yêu đầu đời, vở kịch còn cho người xem tiếp cận chân dung Thái sư Trần Thủ Độ, một nhân vật lịch sử gây tranh cãi nhiều thời đại. Khác sự hoài niệm nhân vật Lý Chiêu Hoàng trước đây, tập thể tác giả vở kịch về đề tài lịch sử này, đặc biệt NSND Hoàng Yến, đã cho xuất hiện một Lý Chiêu Hoàng bản lĩnh, dám đương đầu với sự thật đôi khi phũ phàng, cay đắng, đó là Thái sư Trần Thủ Độ và những việc làm tưởng như tàn bạo của ông.
Lý Chiêu Hoàng đã vạch rõ âm mưu, thủ đoạn của vị Thái sư gian hùng này. Để lập ra nhà Trần thay thế nhà Lý già nua, suy kiệt như cỗ xe mất cương bên bờ vực thẳm, điều gì Trần Thủ Độ có thể làm được ông quyết phải làm. Rõ ràng, không có Trần Thủ Độ không có nhà Trần - triều Trần. Nhưng cách hành xử hay nói cách khác, mưu mô, chiến thuật, chiến lược của Trần Thủ Độ để lập nên nhà Trần - một thời đại đã 3 lần đánh thắng quân Nguyên Mông, xây dựng nước Đại Việt mạnh hơn bất cứ triều đại nào trước đó, không biết đúng hay sai? Đúng hay sai, lịch sử sẽ phán xét.
Đánh giá một thời đại - một giai đoạn lịch sử cũng như các nhân vật lịch sử, cần hài hòa quan điểm khoa học và quan điểm lịch sử. Có nghĩa, sự đúng sai ấy phải xem xét trong bối cảnh, hoàn cảnh lịch sử cụ thể. Rõ ràng đầu thế kỷ 13 (1225) triều đình nhà Lý đã mục ruỗng. Trong rối ren, loạn lạc, ngoài quân xâm lược phương Bắc dòm ngó.
Nước nhà cần có triều đình vững mạnh để đủ sức dẹp thù trong, giặc ngoài giữ yên bờ cõi, cứu nguy trăm họ. Trần Thủ Độ xuất hiện trong bối cảnh ấy. Bằng lời tự biện hộ, bào chữa cho mình, lúc cuối đời Trần Thủ Độ cố gắng chứng minh những việc mình làm, mục đích cuối cùng là vì giang sơn, xã tắc Đại Việt, vì trăm họ con Rồng cháu Tiên.
Đến lượt người trong cuộc, không chỉ có Lý Chiêu Hoàng trước khi về với tổ tiên tha thứ cho ông, những nhân vật cùng thời khác như Hoàng hậu Trần Thị Dung, vua Trần Thái Tông cũng thấy rõ điều đó. Chắc chắn hậu thế (thông qua người chép sử trẻ) cũng cảm nhận được tình thế khó khăn lúc bấy giờ để chia sẻ với vị Thái sư lừng danh có nhiều ý kiến đánh giá khác nhau này. Tây Phong vai Trần Thủ Độ có ngoại hình khá phù hợp với nhân vật đầy uy quyền, đôi khi tàn bạo. Chỉ tiếc, phần diễn xuất cuối đời của Trần Thủ Độ có vẻ hơi “hiền”, thiếu sự nhất quán về một nhân vật lịch sử vốn gây tranh cãi hơn 700 năm nay.
Thành Thăng Long thuở ấy khép lại với cảnh Lý Chiêu Hoàng tự vấn trước vong linh - tượng đài những người đã tác động mạnh mẽ đến cuộc đời của bà: Mẹ Trần Thị Dung, chị gái Thuận Thiên và đặc biệt vua Trần Thái Tông (Trần Cảnh) và Thái sư Trần Thủ Độ. Một cái kết có hậu khi tập thể tác giả cho các nhân vật lẫy lừng này nói lời sám hối. Nếu có làm điều chi trái với thuần phong mỹ tục, trái với đạo lý cũng chỉ vì lợi ích cốt lõi của dân tộc, đất nước, vì sự bình an của muôn dân, trăm họ. Điều ấy gợi cảm hứng cho hậu thế suy ngẫm về trách nhiệm công dân và lợi ích của quốc gia, dân tộc.