Bỏ việc để khởi nghiệp
Năm 1980, Ty Warner rời bỏ công việc bán hàng của mình tại một công ty thú nhồi bông ở San Francisco để bắt đầu tại công ty của riêng mình. Ông đặt tên nó theo tên của chính mình - Ty, Inc. Công việc kinh doanh đã hoạt động tốt ngay từ đầu, nhưng phải đến năm 1993, Warner mới nảy ra ý tưởng giúp nó vang danh toàn cầu: Tại sao không làm con thú nhồi bông giá cả phải chăng để bọn trẻ có thể mua nó với số tiền tiêu vặt trong 1 tuần?
Warner đã làm những con thú nhỏ bằng vải polyester sang trọng có thể bán với giá chỉ khoảng 5USD. Những con thú được bán kèm với tấm thẻ giấy hình trái tim ghi tên và "ngày sinh" của nó, cùng bài thơ 4 dòng mô tả nó. Ông gọi chúng là “Beanie Babies”. Đặc điểm mới lạ nhất của Beanie Babies là phần nhân của chúng. Đúng như tên gọi, chúng được lấp đầy với những hạt đậu bằng nhựa, thay vì nhồi bông nên trông hơi “ốm”, không căng như các con thú nhồi bông.
Khi Warner cho những người trong ngành công nghiệp đồ chơi xem các con mèo, chó, gấu và những con vật khác với thân hình bị xẹp xuống do nhồi đậu, họ nghĩ ông thật dở hơi. Nhưng bằng những chiến lược bán hàng thông minh, Warner đã nhanh chóng khiến Beanie Babies trở thành một trào lưu.
Những cách gây sốt
Để giúp thúc đẩy doanh số bán hàng, Warner đã áp dụng “chiến lược khan hiếm”. Ông không bán chúng trong các cửa hàng bán lẻ và chuỗi cửa hàng đồ chơi lớn, chỉ bán trong các cửa hàng quà tặng nhỏ và cửa hàng đồ chơi đặc biệt, đồng thời ông cũng hạn chế số lượng bán ra ở những cửa hàng này. Không cửa hàng nào có thể mua tất cả nhân vật Beanie Babies được phát hành, chỉ tối đa được 36 nhân vật mỗi tháng. Các nhà sưu tập nhận ra rằng chúng rất khan hiếm, tức họ phải nhanh chóng mua chúng trước khi chúng biến mất.
Thay vì sản xuất nhiều nhất có thể để bán, Warner thường xuyên cho các nhân vật Beanie Babies "nghỉ hưu" (không bán) bằng cách đăng thông báo trên trang web của công ty. Điều này khiến cho một nhân vật Beanie Babies mới xuất hiện trong các cửa hàng, mọi người phải mua ngay.
Warner còn thực hiện những thay đổi nhỏ trong từng nhân vật. Nếu lần sản xuất đầu tiên của Shasta the Bear có dải ruy băng màu cam quanh cổ, sau đó Warner đổi dải băng thành màu vàng, rồi màu xanh lá cây. Hoặc ông có thể thay đổi màu sắc của con gấu từ trắng sang đỏ, sau đó sang xanh lam… Những nhà sưu tập chuyên nghiệp buộc phải mua vài phiên bản của mỗi nhân vật.
Nhưng đặc điểm nổi bật nhất của Warner, là che giấu hầu hết thông tin về công ty, để không ai có bức tranh toàn cảnh về những gì đang diễn ra. Công ty sẽ sản xuất bao nhiêu Seaweed the Otters? Có bao nhiêu phiên bản? Những cửa hàng nào sẽ nhận được chúng? Chúng sẽ nghỉ hưu sau bao lâu? Ông hoàn toàn không tiết lộ kế hoạch của mình, điều này càng làm tăng thêm sự tò mò của người mua.
Như tài sản đầu cơ
Cách tiếp thị thông minh của Warner đã được đền đáp. Những đứa trẻ để dành tiền ăn vặt để mua Beanie Babies, trong khi các nhà sưu tập chạy đua từ cửa hàng này sang cửa hàng khác để tìm kiếm các Beanie Babies mới trước khi chúng biến mất. Vì không có thông tin nào được tiết lộ, những người sưu tập Ty đã tổ chức mạng lưới điện thoại và email để đối chiếu các ghi chú và cập nhật.
Các nhân vật Beanie Babies mới ra mắt có giá từ 5-7USD, nhưng khi cơn sốt ngày càng lan rộng, giá các nhân vật Beanie Babies lâu đời và hiếm đã “nghỉ hưu” bắt đầu tăng cao trên thị trường sưu tập. Giá cả tăng chóng mặt đã thu hút nhiều người lao vào cơn sốt lại đẩy giá cả lên cao hơn. Người ta đã mua mọi nhân vật Beanie Babies, với hy vọng giống như chú voi Peanut the Elephant màu xanh hoàng gia, một hoặc nhiều nhân vật trong số chúng ngày nào đó có thể trị giá 5.000USD.
Cơn sốt điên rồ đến mức các nhà sưu tập đã gọi điện hàng ngày đến các cửa hàng đồ chơi địa phương để xem thời điểm dự kiến có lô hàng mới, sau đó xếp hàng trước khi cửa hàng mở cửa để trở thành người đầu tiên mua bất cứ thứ gì Beanie Babies mới có trong lô hàng.
Một số người thậm chí còn không muốn đợi, đã lái xe lòng vòng để tìm xe tải UPS chở Beanie Babies. Mọi người tranh nhau những con ếch và cua nhồi đậu trong bãi đậu xe của các trung tâm thương mại. Còn ở Tây Virginia, một nhân viên bảo vệ tên Harry Simmons đã bị "đối tác kinh doanh" của anh ta bắn chết trong một cuộc tranh cãi về Beanie Babies.
Năm 1997, McDonald’s thông báo giải thưởng “Teenie Beanie Babies” cho mỗi Bữa ăn Hạnh phúc. Quà tặng này đã trở thành chương trình khuyến mại thành công nhất của công ty. Những người sưu tập đã kéo đến chật kín các nhà hàng, mua hàng chục suất ăn Hạnh phúc cùng một lúc, vứt bỏ thức ăn và quay lại xếp hàng để mua thêm.
Chương trình khuyến mại được cho sẽ kéo dài 1 tháng, nhưng cuối cùng công ty đã tặng tất cả 100 triệu Teenie Beanie Babies chỉ trong 10 ngày. Trong suốt cơn sốt Beanie Babies, Ty Warner đã bỏ túi khoảng 6 tỷ USD. Năm 2003, tạp chí Forbes liệt kê ông là người giàu thứ 44 trên thế giới.
Hốt cú chót
Nhưng Beanie Babies cũng nhanh chóng bị làm nhái. Các nhà máy ở châu Á tung ra hàng trăm triệu Beanie Babies, làm nản lòng các nhà sưu tập nhiệt thành nhất. Đến giữa năm 1999 Beanie Babies bắt đầu chất đống trên các kệ hàng, buộc Warner cho ngừng bán các Beanie Babies còn lại vào ngày 31-12.
Các sản phẩm Beanie Babies cuối cùng là con gấu đen có tên "The End", với doanh số bán hàng tăng vọt. Sau đó, vào đêm Giáng sinh, Warner thông báo sẽ thực hiện cuộc bỏ phiếu: người hâm mộ Beanie Babies có thể gọi điện thoại (với 50 cent một cuộc gọi) và bỏ phiếu xem Beanie Babies có nên được cứu hay không. Việc đóng cửa giả đã thúc đẩy doanh số bán hàng trong thời gian ngắn.
Hiện tại cơn sốt Beanie Babies đã hạ. Những người từng một thời điên cuồng tranh nhau mua Beanie Babies đang rao bán chúng trên eBay, với giá chỉ 1 xu, nhưng không phải lúc nào cũng có người mua. Nhưng dù sao, Warner cũng đã kiếm bộn và giờ có thể ngồi rung đùi hưởng thụ.
Bằng chiến lược bán hàng thông minh, Warner đã khiến Beanie Babies trở thành trào lưu, nhanh chóng mang về cho ông 6 tỷ USD. |