Tháo “điểm nghẽn”, thúc đẩy tiềm năng tăng trưởng

(ĐTTCO)-Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đang trên đà phục hồi so với các giai đoạn trước. Năm 2015, tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 6,68%; năm 2016 dự kiến GDP sẽ tăng 6,3% so với năm 2015. Tuy nhiên, vẫn đang còn những “điểm nghẽn” cản trở kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh trở lại.

(ĐTTCO)-Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đang trên đà phục hồi so với các giai đoạn trước. Năm 2015, tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 6,68%; năm 2016 dự kiến GDP sẽ tăng 6,3% so với năm 2015. Tuy nhiên, vẫn đang còn những “điểm nghẽn” cản trở kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh trở lại.

 

Kết quả nghiên cứu bước đầu về “Chẩn đoán điểm nghẽn tăng trưởng và Bản đồ năng lực sản xuất của Việt Nam” do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ thực hiện công bố tại cuộc tọa đàm tổ chức ở Hà Nội vào sáng 13-12 cho thấy, điểm nghẽn tăng trưởng kinh tế của nước ta gồm 3 nhóm chính: trong ngắn hạn, bộ máy hành chính hoạt động chưa hiệu quả, vẫn còn tình trạng lãng phí, tham nhũng, một số chính sách về đất đai chưa phù hợp thực tiễn và chi phí tài chính cao; trong trung hạn gồm rủi ro kinh tế vĩ mô và rủi ro thể chế vi mô; trong dài hạn là kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực.

Theo ông Cao Đức Phát, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tác động mạnh mẽ tới cấu trúc, trình độ phát triển, tốc độ tăng trưởng, mô hình kinh doanh, thị trường lao động… của các quốc gia.

Tuy nhiên hiện tại, Việt Nam về cơ bản vẫn theo mô hình tăng trưởng chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên, vốn đầu tư và lao động giá rẻ, chưa dựa nhiều vào tăng năng suất lao động, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới tổ chức, quản lý sản xuất kinh doanh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Để thay đổi được mô hình tăng trưởng và phá “điểm nghẽn” tăng trưởng, Việt Nam cần xác định những nhân tố ảnh hưởng tới năng suất và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế để có chính sách, giải pháp và chiến lược phù hợp.

Diễn giải một cách hình tượng, giáo sư Ricardo Hausmann, Giám đốc Trung tâm phát triển quốc tế Đại học Harvard (Hoa Kỳ) đã ví nền kinh tế của mỗi quốc gia như một khu rừng mà trong đó mỗi loài cây là một ngành sản xuất, và trong loài cây đó có những cây đơn lẻ đang là nơi sinh sống của từng doanh nghiệp (DN). Chiếc cây đó luôn có nguy cơ bị DN khác xâm chiếm, bản thân DN đang tồn tại đó phải làm sao không bị đánh bật đi, muốn vậy phải có đủ năng lực để tồn tại và phát triển.

Vì vậy, Việt Nam cần chọn những ngành nghề đúng đắn để phát triển, có ưu đãi về đất đai, thủ tục hành chính… nhằm thu hút DN đầu tư nước ngoài (FDI). Để nâng cao chuỗi giá trị cần có chiến lược cụ thể, những địa phương phát triển cần tập trung vào thu hút FDI, phát triển năng lực sản xuất mới từ các nhà đầu tư nước ngoài. Những tỉnh thành còn lại, thúc đẩy phát triển những thế mạnh nội tại và cần phải nghiên cứu phát triển thêm lĩnh vực mới cần phát triển để đầu tư, tiếp tục thu hút FDI thông qua ưu đãi về đất đai, về thuế, cải cách hành chính.

Việt Nam cần phát triển theo chiều ngang, tức là di chuyển DN sang vị trí thích hợp hơn, hay là thay đổi cấu trúc ngành nghề, hoặc giúp các DN chuyển từ ngành nghề có giá trị gia tăng thấp sang ngành nghề có giá trị gia tăng cao.

Để tháo gỡ “điểm nghẽn”, lấy lại đà tăng trưởng nhanh và bền vững cho nền kinh tế, theo nhiều chuyên gia, khu vực kinh tế tư nhân giữ vai trò cực kỳ quan trọng. Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, chưa bao giờ vai trò của khu vực kinh tế tư nhân đươc nhấn mạnh như hiện nay.

Tuy nhiên, DN tư nhân vẫn còn là “điểm nghẽn” lớn bởi sự phát triển yếu kém chưa xứng với tiềm năng. Chính sách chưa thực sự đóng vai trò yểm trợ để kết nối DN tư nhân với các DN FDI, và bản thân DN FDI cũng chưa thực sự tích cực kết nối với DN tư nhân nên khối DN này dường như “đang bị cô đơn” trên con đường phát triển. Trong khi kinh tế tư nhân mới chính là nhân tố phát triển bền vững của Việt Nam thì khối DN FDI vẫn là “ốc đảo” trong nền kinh tế, hiệu ứng lan tỏa không đáng kể, khó phát triển bền vững.

Trong những năm tới, thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân trong nước phải là nỗ lực cải cách ở tầm đột phá, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ nền kinh tế trong giai đoạn mới. Muốn vậy, bên cạnh những cải cách chung về thể chế, mô hình tăng trưởng, cần có sự gắn kết mối tương tác giữa DN FDI, DN trong nước với Chính phủ tạo thế “kiềng ba chân” để tăng tính bền vững.

Khu vực FDI sẽ trở thành cầu nối giữa DN trong nước và sân chơi quốc tế, là cánh cửa để Việt Nam có thể tham gia chuỗi cung ứng, sản xuất toàn cầu. Ngược lại, các DN trong nước cũng cần phát huy hết sức mạnh của mình, có sự kết nối, hội nhập với DN FDI, cùng với sự hậu thuẫn về chính sách của Chính phủ, để khai phá cho được tiềm năng phát triển nội tại của nền kinh tế.

Các tin khác