Theo báo cáo của Bộ Tài chính, số vốn đầu tư công Chính phủ giao cho 5 tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Bình Phước là gần 26.700 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện nay việc giải ngân vốn đầu tư công đang rất chậm, mới được hơn 5.071 tỷ đồng, đạt 19% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao năm 2022; trong đó, tỉnh Bình Thuận có số giải ngân cao nhất đạt 28,5%, tỉnh Khánh Hòa thấp nhất trong 5 tỉnh, đạt 14,5%.
“Số vốn Chính phủ giao cho 5 tỉnh là 26.000 tỷ đồng, nhưng đến nay mới giải ngân được hơn 5.000 tỷ đồng, trung bình giải ngân đạt 20,7%; cao nhất là hơn 34% và thấp nhất là hơn 14%. Đến nay đã gần hết nửa năm mà giải ngân rất thấp, số giải ngân này mới chỉ so với kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm, chưa tính đến các nguồn khác, như: nguồn vượt thu, gói kích cầu và Chương trình mục tiêu quốc gia. Bởi nếu cộng lại thì số tuyệt đối càng thấp”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc lo ngại.
Nhiều khó khăn, vướng mắc
Lý giải nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công chậm, ông Vũ Việt Văn, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, do công tác chuẩn bị đầu tư dự án của các đơn vị còn hạn chế. Bên cạnh đó, trong thời gian qua, giá nguyên vật liệu tăng đột biến khiến nhiều công trình phải giãn tiến độ thi công.
“Vĩnh Phúc có nhiều dự án trọng điểm có quy mô tổng mức đầu tư lớn khiến thời gian thực hiện thủ tục đầu tư mất thời gian. Tỉnh còn khó khăn về thẩm quyền trong việc kéo dài thực hiện, điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công hằng năm của các dự án sử dụng vốn ngân sách địa phương”, ông Vũ Việt Văn cho hay.
Bà Trần Tuệ Hiền, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước cho biết, đến thời điểm hiện tại, tỉnh Bình Phước đã thực hiện phân bổ 100% kế hoạch vốn và giải ngân đạt 20% kế hoạch. Theo bà Trần Tuệ Hiền, nguyên nhân khiến công tác giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh gặp khó khăn là do công tác giải phóng mặt bằng chậm; thời gian thực hiện phê duyệt các bản vẽ thiết kế thi công mất nhiều thời gian. Hơn nữa còn có những nguyên nhân khách quan như: việc tăng giá nguyên vật liệu, mùa mưa đến sớm nên đã ảnh hưởng tới tiến độ thi công các dự án.
“Chúng tôi đề nghị sớm có hướng dẫn xử lý việc tăng giá nguyên, nhiên, vật liệu để địa phương có căn cứ thực hiện điều chỉnh các dự án. Cùng với đó là cho phép địa phương trình HĐND tỉnh phân bổ vốn kế hoạch vốn năm trước 6 tháng (đối với nguồn ngân sách địa phương) để thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà thầu thiết kế bản vẽ thi công - dự toán”, bà Trần Tuệ Hiền nói.
Ông Nguyễn Đức Tâm, Vụ trưởng Vụ Địa phương và lãnh thổ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết thêm, do diễn biến thời tiết không thuận lợi, mưa nhiều; công tác chuẩn bị đầu tư của 5 tỉnh gặp khó khăn, đây là nguyên nhân từ nhiều năm nay. Năm 2022, là năm đầu tiên thực hiện kế hoạch trung hạn, 15/9/2021 mới giao kế hoạch trung hạn 2021-2025, nên công tác chuẩn bị đầu tư không tốt nên giải ngân chậm. Nguyên nhân tiếp theo đó là công tác giải phóng mặt bằng, đặc biệt xác định nguồn gốc đất và đơn giá đền bù giải phóng mặt bằng; giá nguyên vật liệu tăng cao…
“4 tháng qua, giá nguyên liệu là sắt thép, xi măng, cát sỏi rất cao, ảnh hưởng tới tiến độ, nên thi công cầm chừng, giá cả nguyên nhiên vật liệu cao ảnh hưởng tới giải ngân. Công tác triển khai ở các địa phương cũng còn nhiều hạn chế. Tăng cường phân cấp nhưng không đi đôi với năng lực. Năng lực của một số chủ đầu tư và nhà thầu thấp, khả năng tài chính thấp nên khi bị tác động” ông Nguyễn Đức Tâm nêu rõ.
Bên cạnh những khó khăn, vướng mắc trên, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng thẳng thắn chỉ ra những “nút thắt” giải ngân đầu tư công, như: thủ tục rườm rà; tâm lý sợ trách nhiệm; sự xung đột về giá trong thực hiện giải phóng mặt bằng; năng lực thi công của nhà thầu… Do đó, các địa phương phải sát sao, quyết liệt, đặc biệt nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công.
“Trong bối cảnh chúng ta trải qua dịch bệnh nặng nề, đang phục hồi kinh tế thì giải pháp về tăng cường đầu tư công là giải pháp trọng tâm. Bởi đây là động lực để tăng trưởng, từ đó góp phần giải quyết việc làm và tăng thu ngân sách”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.
Tháo gỡ “nút thắt” như thế nào?
Với tốc độ giải ngân như hiện nay, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, các địa phương phải coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, phải động viên doanh nghiệp thi công nhanh. Các công trình chuẩn bị làm thủ tục đấu thầu, nên thực hiện theo đơn giá điều chỉnh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và nhà nước trong thanh quyết toán.
“Lạm phát thế giới tăng cao, lạm phát trong nước cũng có khả năng tăng cao. Giá thép, vật liệu xây dựng, xăng dầu, giá nhân công đều tăng, nếu không làm nhanh, làm kiểu cuốn chiếu thì càng để lâu càng lỗ”, ông Phớc cảnh báo.
Tư lệnh ngành Tài chính dự báo tới đây, sẽ còn nhiều khó khăn, do đó, cần tập trung tháo gỡ các vướng mắc, gỡ khó cho doanh nghiệp để công trình đẩy nhanh tiến độ, đưa nhanh vào sử dụng, phát huy hiệu quả, thúc đẩy tăng trưởng, chống lạm phát.
“Một số các quy định phải thực hiện theo luật pháp, nhưng trong quá trình triển khai phải sáng tạo. Theo kinh nghiệm, công tác chuẩn bị là lâu nên phải đi trước 1 bước, khi được bố trí vốn, tách dự án giải phóng mặt bằng, giai đoạn bồi thường thành dự án độc lập”, người đứng đầu Bộ Tài chính chia sẻ.
Bộ trưởng cũng đề nghị các địa phương có sự linh hoạt, chủ động; thành lập tổ công tác riêng do Phó Chủ tịch tỉnh đứng đầu để đôn đốc, sát sao ngay tại hiện trường các dự án; yêu cầu Liên sở công bố các đơn giá, hệ số hàng tháng kịp thời và sát thực tế; chủ động trong công tác chuẩn bị dự án, giải phóng mặt bằng từ sớm ngay khi được bàn giao quy hoạch; công tác, thủ tục nghiệm thu cũng cần được thông suốt.
"Riêng kho bạc, giao trách nhiệm phải thanh toán ngay trong ngày, chậm nhất không quá 3 ngày. Chỗ nào làm chậm là chúng tôi cho thanh tra, kiểm tra, kỷ luật ngay. Thời gian qua, chúng tôi đã kỷ luật và điều chuyển công tác một số giám đốc kho bạc làm chậm", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết.