Ngày 17/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi làm việc của Thường trực Chính phủ với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Cùng dự buổi làm việc có sự tham dự của lãnh đạo các bộ, ngành và 19 tập đoàn, tổng công ty đã bàn giao về Ủy ban.
Nhiệm vụ quan trọng của buổi làm việc là các bộ, ngành nêu ý kiến thảo luận, giải quyết các khó khăn, vướng mắc để Ủy ban Quản lý vốn nhà nước và các tập đoàn, tổng công ty hoạt động hiệu quả.
Theo báo cáo của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước, sau khi tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước đối với 19 tập đoàn, tổng công ty, Ủy ban đã giải quyết 2 nhóm công việc. Thứ nhất là nhận bàn giao và tiếp tục xử lý những công việc do các Bộ đang xử lý dở dang; thứ hai là giải quyết những công việc thuộc quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu.
Song một trong những khó khăn quan trọng của Ủy ban là thiếu nhân lực, đặc biệt là nhân lực có trình độ, kinh nghiệm để giải quyết các công việc quan trọng mà Ủy ban tiếp nhận từ các bộ, ngành. Cùng với đó, một số quy định hiện nay còn chồng chéo, dẫn đến khó khăn, chậm trễ trong triển khai nhiệm vụ.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo một số tập đoàn, tổng công ty đề nghị Chính phủ phân cấp mạnh mẽ hơn cho Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước để khi doanh nghiệp cần thì Ủy ban có thể giải quyết ngay, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Nếu không, việc ra quyết định chậm trễ trong sản xuất kinh doanh có thể dẫn đến hiệu quả kém.
Một số đơn vị nêu tình trạng cổ phần hóa công ty mẹ bị chậm, vì quy định yêu cầu rà soát toàn bộ giá trị đất cả ở một số đơn vị cấp dưới thay vì chỉ công ty mẹ. Trong khi đó, việc xác định giá trị quỹ đất, giấy tờ pháp lý của đất nằm rải rác ở nhiều địa phương đang gặp khó khăn.
Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa nhấn mạnh vai trò quan trọng của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, cũng như việc giúp Ủy ban này hoạt động hiệu quả hơn thời gian tới.
Thủ tướng nêu rõ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã xác định tách chức năng quản lý Nhà nước và chức năng kinh doanh. Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, Chính phủ đã thành lập Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước và Ủy ban chính thức đi vào hoạt động từ 30/9/2018. Việc ra đời Ủy ban là để tách chức năng quản lý nhà nước ra khỏi chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh yêu cầu rút kinh nghiệm những vấn đề đặt ra với Ủy ban sau 10 tháng hoạt động, trong đó có 2 việc cấp bách là phối hợp chặt chẽ, tập trung tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc trong xử lý các vấn đề của các tập đoàn, tổng công ty đã chuyển giao về Ủy ban. Việc thứ hai là kiện toàn tổ chức, tiếp tục nâng cao năng lực hiệu quả hoạt động của Ủy ban.
Thủ tướng nhấn mạnh đến vai trò của kinh tế nhà nước, doanh nghiệp nhà nước mà trước hết là 19 tập đoàn, tổng công ty được bàn giao về Ủy ban quản lý vốn nhà nước với số vốn lên tới 2,3 triệu tỷ đồng.
Không chỉ lớn về vốn, các tập đoàn này đóng góp sản phẩm quan trọng, tham gia cán cân đối lớn của nền kinh tế như GDP, giải quyết lao động và nộp ngân sách Nhà nước.
Về hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước thời gian qua, Thủ tướng đánh giá cao những kết quả tích cực đạt được, trong đó có việc đã tiếp nhận 237 nhiệm vụ dở dang từ các bộ và đã hoàn thành xử lý 97 nhiệm vụ.
Ủy ban cũng đã tháo gỡ khó khăn, giúp các doanh nghiệp tiếp nhận hoạt động ổn định và có bước phát triển, trong đó, doanh thu của các tập đoàn, tổng công ty đã tăng 15%, lợi nhuận trước thuế tăng 12%, nộp ngân sách tăng 31,4%. Hầu hết các tập đoàn làm ăn có lãi, đời sống người lao động được cải thiện.
Để tiếp tục thúc đẩy doanh nghiệp Nhà nước hoạt động hiệu quả, Thủ tướng cho biết sắp tới, Thủ tướng sẽ chủ trì một hội nghị về doanh nghiệp Nhà nước.
Thủ tướng chỉ đạo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước cần chủ động hơn, đổi mới cách làm, linh hoạt sáng tạo, vận dụng tốt, đúng quy định của pháp luật trong xử lý các vấn đề cụ thể một cách năng động, quyết liệt.
Thủ tướng cũng yêu cầu tiếp tục hoàn thiện thể chế, khắc phục các bất cập kéo dài, gây ùn ứ, dở dang các nhiêm vụ như thời gian qua.
Nhấn mạnh cần tránh tình trạng "quyền anh, quyền tôi," Thủ tướng yêu cầu Ủy ban phối hợp nhịp nhàng hơn với các bộ, ngành để đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhiệm vụ.
Cùng với việc kiến nghị hoàn thiện, thực hiện tốt Nghị định số 131 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban, Thủ tướng yêu cầu Ủy ban tăng cường quản lý để nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp, bao gồm cả việc xây dựng mô hình quản trị doanh nghiệp hiện đại, có biện pháp giám sát nội bộ hiệu quả, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Nhà nước.
Đối với các tập đoàn, Thủ tướng yêu cầu ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, đầu tư các lĩnh vực quan trọng mang tính chiến lược, dẫn dắt và tạo tính lan tỏa, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Cùng với đó là tăng cường kiểm tra, giám sát tránh tình trạng thất thoát lãng phí trong cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước.
Trước thực tế một số doanh nghiệp thiếu lãnh đạo, Thủ tướng chỉ đạo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước phải nhanh chóng kiện toàn.
Về những vướng mắc, chồng chéo giữa các nghị định, luật, Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tổng hợp, trình Chính phủ trong phiên họp thường kỳ tháng 7 để sửa các vướng mắc này, tháo gỡ ngay cho các doanh nghiệp.
Thủ tướng yêu cầu các bộ phải nâng cao tinh thần trách nhiệm thay vì “khoán” hết cho Ủy ban quản lý vốn Nhà nước trong thẩm định một số dự án.
Cùng với đó, kịp thời phê duyệt kế hoạch sản xuất kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty ngay trong tháng Bảy vì đến nay đã quá muộn; khẩn trương xử lý kịp thời các vấn đề mà tập đoàn và tổng công ty trình Ủy ban; phê duyệt các đề án tái cơ cấu tập đoàn, tổng công ty theo thẩm quyền...
Tại buổi làm việc, Thủ tướng cũng đã trực tiếp cho ý kiến về một số kiến nghị cụ thể của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước, trong đó có vấn đề kiện toàn bộ máy, cán bộ, đồng thời cho phép Ủy ban làm việc với các bộ, ngành, tập đoàn để điều chuyển cán bộ có tài, có đức, có kinh nghiệm về Ủy làm việc, qua đó thúc đẩy nhiệm vụ của Ủy ban triển khai nhanh hơn.