Thấp thỏm chính phủ mới Italia

(ĐTTCO) - Cuối tuần qua, luật sư Giuseppe Conte đã tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Italia, kết thúc cuộc khủng hoảng chính trị ở đất nước hình chiếc ủng sau khi không có chính đảng hoặc liên minh nào giành được đa số ghế trong cuộc bầu cử quốc hội ngày 4-3 vừa qua để tự đứng ra thành lập chính phủ. 

Tuy nhiên, đây là chính phủ liên minh được đảng Phong trào 5 Sao (M5S) dân túy và đảng cực hữu Liên đoàn phương Bắc (Lega), 2 lực lượng chính trị chiếm đa số ghế trong Quốc hội Italia, ủng hộ. Nhiều ý kiến bày tỏ sự lo ngại dành cho Liên minh châu Âu (EU) khi 2 đảng này đã chỉ trích mạnh mẽ đồng EUR, ghi rõ ràng trong dự thảo chương trình lãnh đạo chung của họ về khả năng rút Italia ra khỏi Khu vực đồng tiền chung euro (Eurozone) và tìm mọi cách bảo vệ sự hiện diện của ông Paolo Savona trong chính phủ mới.
Ông Savona là nhà kinh tế có lập trường bi quan về châu Âu, cho rằng Eurozone là một nhà tù. Chương trình lãnh đạo chung của 2 đảng (chống thắt lưng buộc bụng một cách triệt để) có nguy cơ gây bất đồng với các đối tác trong Eurozone. Tuy nhiên, cả Lega và M5S đều không chủ trương đơn phương rút Italia ra khỏi Eurozone. Lega cho rằng Eurozone là một kinh nghiệm sai lầm về kinh tế và xã hội và chủ trương trong tương lai, sẽ phối hợp với các nước khác rút ra khỏi Eurozone. 
Thấp thỏm chính phủ mới Italia ảnh 1 Luật sư Giuseppe Conte đã tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Italia. 
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng EU có thể tạm thời yên tâm khi khả năng “phá bĩnh” của M5S và Lega khó có thể xảy ra vào thời điểm hiện tại. Điều này phần nào được thấy rõ qua quá trình thành lập chính phủ liên minh vừa qua.
Trong bản danh sách hội đồng bộ trưởng trình Tổng thống Italia Sergio Mattarella ngày 31-5, ngay trước ngày ông Giuseppe Conte tuyên thệ nhậm chức thủ tướng, ông Paolo Savona, vốn là cái cớ để 2 đảng dân túy mặc cả với Tổng thống Italia đã chuyển sang ghế bộ trưởng chuyên trách các vấn đề châu Âu. Trong khi người sẽ giữ ghế Bộ trưởng Kinh tế là ông Giovanni Tria. Vậy là, liên minh dân túy, nhất là đảng Lega, đã phải chấp nhận không nắm giữ chiếc ghế Bộ Kinh tế như Tổng thống Mattarella đã đề nghị.
Lý do nào khiến Lega và M5S hòa hoãn để thành lập cho được chính phủ dân túy thay vì đi bầu lại ngay lập tức với hy vọng sẽ được tăng phiếu? Câu trả lời là nếu bầu lại ngay lập tức, cuộc tranh cử sẽ biến thành một kiểu trưng cầu dân ý giữa 2 lựa chọn: hoặc tiếp tục là thành viên EU, nằm trong Eurozone hoặc rút ra khỏi châu Âu và Eurozone.
Ngay trong các cử tri đã bỏ phiếu M5S hay Lega, cũng có nhiều người vốn có cơ sở sản xuất với những quan hệ đối tác ở các nước trong EU và giao dịch bằng đồng EUR. Họ thấy công việc làm ăn sẽ bị đe dọa nếu bị hất ra khỏi châu Âu, gây thêm khó khăn trong việc kinh doanh của họ. Do đó, nếu bầu cử, không chắc gì cả 2 đảng dân túy thu hút được cử tri không muốn mạo hiểm với viễn cảnh trở lại đồng Lire (vốn đã từng bị phá giá) và không còn được hưởng quy chế tự do mậu dịch giữa các thành viên châu Âu. 
Lý do thứ hai, M5S và Lega chỉ vừa mới manh nha muốn ra khỏi châu Âu đã khiến cả thị trường tài chính báo động và thị trường chứng khoán Italia bị mất giá. Nếu tiếp tục giữ tình trạng xáo trộn và bất ổn thêm chừng vài tuần, Italia có thể rơi vào tình trạng Nhà nước phá sản. Nếu viễn cảnh đó diễn ra, lúc đó M5S và Lega có lên nắm chính phủ cũng chỉ có trong tay một nền kinh tế phá sản.
Trước mắt, có thể nói Tổng thống Mattarella, do phe đa số trung tả tại Quốc hội bầu ra, đã thắng được ván cờ đầu khi gỡ được quả bom nổ chậm Savona ra khỏi Bộ Kinh tế, tạm thời trấn an được EU. Tuy nhiên, không biết liệu trong những tháng tới, liên minh dân túy M5S-Lega có thể “tàn phá” Italia, một trong những nền kinh tế lớn của EU, đến mức độ nào. 

Các tin khác