Thắt chặt chi tiêu nhưng người tiêu dùng sẵn trả tiền nhiều hơn để mua sản phẩm bền vững

(ĐTTCO) - 62% người tiêu dùng Việt Nam sẽ cắt giảm các khoản chi tiêu không thiết yếu, 54% dự kiến sẽ tiêu ít hơn vào các mặt hàng xa xỉ và mua sắm trực tuyến sẽ tiếp tục chiếm ưu thế. 
Thắt chặt chi tiêu nhưng người tiêu dùng sẵn trả tiền nhiều hơn để mua sản phẩm bền vững

PwC Việt Nam công bố kết quả khảo sát về thói quen tiêu dùng tại Việt Nam năm 2023. Báo cáo nêu rõ những sự thay đổi trong thói quen chi tiêu của người tiêu dùng Việt giữa cuộc khủng hoảng giá cả toàn cầu và lạm phát vẫn đang tiếp tục lan rộng nhiều quốc gia trên thế giới.

Người tiêu dùng Việt Nam đang thận trọng hơn trong thói quen chi tiêu của mình. Khảo sát của PwC cho thấy 62% người tiêu dùng có xu hướng giảm tiêu thụ các mặt hàng không thiết yếu.

Sự cắt giảm chi tiêu ảnh hưởng nhiều hơn đến các mặt hàng không thiết yếu. 54% người tiêu dùng dự kiến sẽ chi tiêu ít hơn cho các loại hàng xa xỉ, tiếp đó là du lịch (42%) và điện tử (38%). Chỉ có 18% người tiêu dùng Việt Nam dự định cắt giảm chi tiêu cho mặt hàng tạp hóa và thực phẩm, thấp hơn so với trung bình toàn cầu là 24%.

Cũg theo khảo sát này, mua sắm trực tuyến/online dần trở thành lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng Việt Nam. 64% người tiêu dùng dự kiến sẽ mua sắm trực tuyến thường xuyên hơn, và đa số mong đợi có trải nghiệm mua sắm đa kênh nhiều hơn (giao hàng, lấy hàng và click-and-collect (đặt hàng trực tuyến và đến cửa hàng để lấy mặt hàng đó). Tuy nhiên, họ vẫn ưu tiên mua sắm tại cửa hàng để kiểm định chất lượng sản phẩm và trải nghiệm.

Khảo sát lần này cho thấy một điểm đáng chú ý, dù người tiêu dùng đang lên kế hoạch giảm chi tiêu và nền kinh tế còn nhiều khó khăn, họ cho biết sẵn lòng trả thêm tiền cho các sản phẩm bền vững. 96% người tiêu dùng tham gia khảo sát tại Việt Nam cho biết họ sẵn sàng trả thêm tiền cho các sản phẩm từ các công ty có uy tín và đạo đức kinh doanh, 95% sẵn sàng trả thêm cho sản phẩm được đặt riêng theo yêu cầu và 95% trả lời có đối với sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng.

Trong bối cảnh người tiêu dùng đang có những thay đổi như theo khảo sát nói trên, PwC đưa ra 6 khuyến nghị cho các doanh nghiệp.

Chiến lược tạo khác biệt: Tập trung phát triển danh mục sản phẩm và các tính năng phù hợp nhằm đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, từ trạng thái "ứng phó" trong thời kỳ Covid sang trạng thái "dẫn đầu".

Chú trọng các yếu tố ESG: Tận dụng công nghệ trong việc thu thập, báo cáo và truyền thông về tính bền vững, đồng thời đề cao tính chân thật và minh bạch trong kinh doanh.

Tiếp cận khách hàng dựa trên dữ liệu: Chuyển hướng tập trung từ "khách hàng" sang "người tiêu dùng" và thiết lập các đặc quyền truy cập thông tin cho người tiêu dùng, bằng cách tập hợp dữ liệu về nhu cầu và hành vi tiêu dùng tại mỗi thời điểm khác nhau, phát triển các thông điệp bán hàng và ưu đãi có hiệu quả từ chiến lược tiếp thị dựa trên dữ liệu.

Chuỗi cung ứng tương lai: Đầu tư vào việc dự báo các kết quả và khả năng tác động trong bối cảnh biến động đa kênh. Qua đó, có thể sớm đưa ra các quyết định rõ ràng trong việc đổi mới, phân loại và thiết lập lộ trình tiếp cận thị trường dựa trên chiến lược tạo khác biệt.

Khuyến khích sự đổi mới: Xác định những kỹ năng cần thiết để mang lại trải nghiệm tốt cho khách hàng, tổ chức các khóa đào tạo nâng cao kỹ năng cho nhân viên, khuyến khích sự đổi mới trong cách thức làm việc nhằm tăng tốc ra quyết định và hệ thống hóa sự thay đổi nhanh chóng.

Chuyển đổi số để giảm chi phí: Đầu tư năng lực số để thấu hiểu nhu cầu khách hàng và quản lý hàng tồn kho nhằm mang lại hiệu quả cao hơn, tăng cường khả năng phục hồi trước biến động. Đón đầu các xu hướng và dự trù chi phí từ các mô hình kinh doanh mới (ví dụ: cá nhân hóa tiêu dùng) bằng việc quản trị hệ thống dữ liệu hiệu quả.

Các tin khác