Để đáp ứng những tiêu chí này, bản thân các doanh nghiệp (DN) từ sản xuất đến phân phối đều đang chủ động thực hiện quản lý truy xuất hàng hóa cho sản phẩm.
Quản chặt chất lượng, đáp ứng xu thế
Mấy năm trở lại đây, không chỉ với thị trường quốc tế mà ngay tại nội địa, chất lượng hàng hóa luôn là vấn đề được người tiêu dùng đặt lên hàng đầu. Theo đó, người tiêu dùng luôn muốn biết được sản phẩm sử dụng có nguồn gốc ở đâu, chất lượng được quản lý như thế nào, có đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn hay không.
rước xu thế đó, để góp phần phát triển chuỗi giá trị bền vững, cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa, mới đây, Bộ Công thương đã ban hành Quyết định số 1978/QĐ-BCT về Kế hoạch thực hiện “Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Saigon Co.op đang áp dụng bộ tiêu chuẩn kỹ thuật mới dành riêng cho nhóm hàng thực phẩm tươi sống kinh doanh tại các siêu thị
Theo Bộ Công thương, đề án nhằm xác định, phân công, tổ chức triển khai thực hiện kịp thời, thống nhất, khoa học và hiệu quả những nhiệm vụ của Bộ Công thương tại Đề án “Triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc” theo Quyết định số 100/QĐ-TTg ngày 19-1-2019 của Thủ tướng Chính phủ; xây dựng và đưa vào vận hành Hệ thống truy xuất nguồn gốc, cơ sở dữ liệu sản phẩm, hàng hóa thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công thương; kết nối với Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa quốc gia.
Quyết định đã đề ra nhiệm vụ, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm, hàng hóa ngành công thương; đề xuất danh mục các nhóm sản phẩm, hàng hóa bắt buộc áp dụng truy xuất nguồn gốc, nhóm sản phẩm ưu tiên triển khai truy xuất nguồn gốc thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công thương; nghiên cứu áp dụng các công nghệ mới, hỗ trợ DN áp dụng truy xuất nguồn gốc; tuyên truyền, phổ biến về hoạt động truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa cho DN tham gia thực hiện…
Chủ động thích ứng
Trên thực tế, việc đáp ứng các tiêu chí về truy xuất nguồn gốc đã được các địa phương, DN thực hiện suốt thời gian qua. TPHCM đã ban hành và thực hiện Đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo, thịt gia cầm, trứng gia cầm trên địa bàn thành phố. Tại Sóc Trăng, thực hiện dán tem truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm như: gạo, mắm cá rô, trà mãng cầu, bánh pía, khô trâu…
Ông Nguyễn Văn Thậm, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Hậu Giang chia sẻ, hiện bưởi Năm Roi, cam sành, cam đường, xoài, dứa, chanh không hạt, các loại cá nước ngọt, cá thát lát, mãng cầu, mía… là những sản phẩm mũi nhọn được tỉnh chú trọng đầu tư quảng bá và thực hiện truy xuất nguồn gốc.
Theo ông Thậm, hồi đầu năm nay, hai sản phẩm đầu tiên là mãng cầu, cá thát lát của cơ sở sản xuất trà mãng cầu Diễm Phượng và Hợp tác xã nông nghiệp Kỳ Như đã được tham gia Đề án quản lý - truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông thủy sản do Sở Công thương tỉnh chủ trì. Mục đích giúp bà con nông dân an tâm sản xuất, người tiêu dùng có thông tin đầy đủ về quy trình sản xuất, nguồn gốc nguyên liệu. Từ đó, góp phần tiêu thụ sản phẩm dễ dàng hơn, nhất là ở những thị trường khó tính.
Cùng với các địa phương, nhà bán lẻ Saigon Co.op cũng đã chủ động trong áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa. Cụ thể, cuối năm 2019, Saigon Co.op đưa vào áp dụng bộ tiêu chuẩn kỹ thuật mới dành riêng cho nhóm hàng thực phẩm tươi sống kinh doanh tại các siêu thị, đại siêu thị, cửa hàng. Đây là chương trình do Saigon Co.op chủ trì với sự hỗ trợ của BSI Việt Nam.
Chương trình thuộc chuỗi hoạt động liên tục nâng cao kiểm soát chất lượng hàng hóa đầu vào của hệ thống bán lẻ Saigon Co.op, theo hướng tiệm cận các tiêu chuẩn xuất khẩu quốc tế phục vụ người tiêu dùng trong nước. Mong muốn của Saigon Co.op là gắn kết chặt chẽ với các nhà sản xuất, đơn vị cung cấp để cùng nâng cao ý thức trách nhiệm, thực hiện tốt việc cung ứng hàng hóa, đặc biệt là thực phẩm tươi sống.
Đại diện Saigon Co.op cho biết, bộ tiêu chuẩn kỹ thuật dành cho thực phẩm tươi sống có tính kế thừa và tuân thủ các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm của nhà nước; đồng thời bổ sung các tiêu chí mới gắn với chuyển biến thực tế của xu hướng tiêu dùng hiện đại. Trong đó, đặc biệt nhất là tiêu chí kiểm tra độ trưởng thành của sản phẩm.
Các loại trái cây, rau củ quả như bưởi, dưa hấu, xoài, quýt, cà chua, dưa leo, khổ qua... bắt buộc phải đạt độ trưởng thành, độ chín phù hợp mới được đưa vào kinh doanh trong siêu thị. Không chỉ nhóm hàng thực phẩm tươi sống trong nước (thủy hải sản, rau ăn lá, củ quả, trái cây…) mà cả thịt, cá, trái cây nhập khẩu cũng đều được kiểm soát bằng những quy định chặt chẽ, cụ thể hơn về điều kiện canh tác, vận chuyển, bảo quản.
Có thể thấy, việc các địa phương, DN tích cực kiểm soát chặt chất lượng sản phẩm đã và đang đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa Việt Nam, từng bước gia nhập chuỗi cung ứng thế giới.