1 ngày sau khi xảy ra vụ cháy (tối 28-8), Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc RAL Nguyễn Đoàn Thăng, đã phát đi thông báo sơ bộ ước tính ban đầu về thiệt hại tài sản khoảng 150 tỷ đồng, dưới 5% tổng tài sản. Tại thời điểm 30-6, tổng tài sản của RAL đạt trên 2.781 tỷ đồng, tiền mặt 538 tỷ đồng, hàng tồn kho gần 1.070 tỷ đồng, vay nợ ngắn hạn 1.460 tỷ đồng.
Điều đáng quan tâm qua các lần kiểm tra thực tế của Tổng cục Môi trường, lãnh đạo RAL mới thừa nhận toàn bộ 480.000 bóng đèn huỳnh quang, chủ yếu là loại đèn dài 1,2m, sử dụng thủy ngân (Hg) lỏng với hàm lượng 20mg/bóng; bóng đèn compact có 1,6 triệu sản phẩm, sử dụng 1 viên Amalgam/bóng đèn trọng lượng khoảng 11,5mg, hàm lượng Hg 22-30%; bóng đèn tròn công suất thấp dùng sợi đốt Vonfram 2 triệu sản phẩm.
Ngoài ra, RAL còn có nguyên liệu và một số loại hóa chất độc hại. Thế nhưng trước đó, RAL cho biết đã nghiên cứu sử dụng loại Amalgam thay thế cho thủy ngân lỏng trước đây và đưa vào sử dụng từ năm 2016. Thông tin không rõ ràng này khiến nhiều người nhầm tưởng việc sử dụng Amalgam là vật liệu khác không chứa thủy ngân, an toàn khi xảy ra cháy nổ.
Như vậy, từ khi xảy ra sự cố đến nay, lãnh đạo RAL 2 lần công bố thông tin đến với cổ đông và NĐT. Nhưng cả 2 thông tin trên đều không đáp ứng yêu cầu của công ty đại chúng đang niêm yết. Cụ thể, theo Thông tư 155/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính về hướng dẫn công bố thông tin trên TTCK, công ty đại chúng phải công bố thông tin bất thường trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi xảy ra một trong các sự kiện có ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh, hoặc tình hình quản trị của công ty.
Đây cũng chính là nguyên nhân khiến Sở Giao dịch CK TPHCM (HOSE) có công văn nhắc nhở và đề nghị RAL khẩn trương nghiêm túc thực hiện công bố thông tin theo quy định. Tính đến hết ngày 8-9, HOSE vẫn chưa nhận được giải trình và công bố thông tin xác minh ước tính thiệt hại tài sản, cũng như những ảnh hưởng đến tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh sau hỏa hoạn.
RAL là một trong những doanh nghiệp đầu tiên niêm yết trên TTCK (năm 2006) với vốn điều lệ ban đầu 79 tỷ đồng. RAL chỉ tăng vốn 1 lần vào năm 2007 lên 115 tỷ đồng nhằm thu hút vốn bổ sung vào các dự án đầu tư đã được ĐHCĐ thông qua để tăng năng lực sản xuất. Cùng với quy tắc không chạy đua tăng vốn, RAL là số ít doanh nghiệp trên sàn không mở rộng hoạt động kinh doanh ra ngoài ngành dù kinh doanh tăng trưởng lớn, đều đặn qua các năm.
Năm 2018, RAL ghi nhận doanh thu và lợi nhuận cực kỳ ấn tượng với 3.637 tỷ đồng và 204 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ chỉ 115 tỷ đồng. Nhờ vậy, EPS của RAL luôn nằm trong top doanh nghiệp niêm yết với khoảng 18.000 đồng/CP. Theo báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2019, RAL tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng ổn định với doanh thu đạt 1.804 tỷ đồng (tăng 21%) và lợi nhuận sau thuế đạt 96,4 tỷ đồng (tăng 20%).
Tuy nhiên, sau sự cố vừa qua, rủi ro đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của RAL gia tăng đáng kể. Cổ đông càng có lý do để nghi ngờ, vì đến thời điểm hiện nay doanh nghiệp này vẫn chưa công bố thông tin cụ thể về con số thiệt hại chính thức.
Theo thông tin mới nhất được RAL công bố ngày 13-9, doanh nghiệp vẫn không cập nhật thêm thông tin mới nào, ngoài việc ước tính sơ bộ thiệt hại 150 tỷ đồng như thông báo đầu tiên ngày 29-8. Sự chậm trễ trong việc thống kê thiệt hại, cộng với những gian dối trong việc cung cấp thông tin, hình ảnh của RAL đã dần bị hoen ố trong mắt NĐT trên TTCK.
Sự cố cháy nhà xưởng khiến mã CP RAL “bốc hơi” hơn 18%, từ mức 88.000 đồng/CP (phiên giao dịch 28-8) xuống 72.000 đồng/CP (phiên giao dịch 10-9).