Trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư tạo ra những thay đổi to lớn, các ngân hàng thương mại Việt Nam đã và đang khẩn trương đẩy mạnh ứng dụng công nghệ kỹ thuật để cải tiến quy trình cung ứng dịch vụ và phục vụ khách hàng tốt hơn để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.
Một động thái mới nhất được cho là phù hợp với tiến trình này đó là việc Ngân hàng Nhà nước vừa tiến hành lấy ý kiến dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23; trong đó điểm mới nhất là sẽ cho phép ngân hàng được mở tài khoản cho khách hàng từ xa bằng phương thức điện tử trực tuyến (eKYC) thay vì phải đến ngân hàng trực tiếp như hiện nay.
Đón bắt cơ hội này, nhiều ngân hàng cho hay đã chuẩn bị sẵn sàng cho bước thay đổi quan trọng và sẽ sớm ra mắt người dùng trong thời gian tới. Theo các ngân hàng, đây là bước ngoặt nhằm thúc đẩy tài chính toàn diện, giúp khách hàng có thể tiếp cận dịch vụ ngân hàng một cách dễ dàng, thuận tiện.
Ngồi nhà cũng mở được tài khoản
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết việc mở tài khoản thanh toán không gặp mặt trực tiếp khách hàng sẽ góp phần tạo điều kiện giúp ngân hàng mở rộng tập khách hàng cũng như khách hàng có thể tiếp cận các dịch vụ ngân hàng (dịch vụ thanh toán, tiết kiệm, cho vay…). Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 tiềm ẩn nguy cơ, việc mở tài khoản thanh toán không gặp mặt trực tiếp giúp người dân có thể sử dụng dịch vụ thanh toán qua kênh điện tử, hạn chế nguy cơ lây nhiễm.
Chị Trần Thu Hương (quận Cầu Giấy, Hà Nội) kinh doanh trực tuyến nên cần nhiều tài khoản ngân hàng để tiện giao dịch. Tuy nhiên, do ngại ra ngân hàng, nhất là thời gian qua do dịch COVID-19, chị tìm những ngân hàng cho phép mở tài khoản tại nhà.
"Tôi mong ngồi tại nhà cũng có thể mở tài khoản ngân hàng chỉ qua các bước xác thực trên các thiết bị thông minh như điện thoại di động,” chị Hương cho biết.
Đặc biệt, nhiều người ở vùng sâu, vùng xa rất mong được mở tài khoản ngân hàng từ xa vì đường sá đi lại vẫn còn nhiều khó khăn…
Ngân hàng Nhà nước định hướng đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt mà trọng tâm là thanh toán trên di động. Đây cũng là câu chuyện sống còn của ngành ngân hàng. Một khảo sát cho thấy khách hàng thanh toán điện tử có thể sử dụng dịch vụ nhiều gấp ba lần khách hàng truyền thống.
Nhằm đáp ứng nhu cầu của người dùng, một số ngân hàng đã triển khai nhiều dịch vụ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho khách hàng, như Live Bank của TPBank. Khi giao dịch tại Live Bank, khách hàng không cần đến quầy, lấy số thứ tự và chờ đến lượt. Thay vào đó, chỉ cần đến các hệ thống máy giao dịch tự động của ngân hàng để thực hiện thao tác.
Mới đây, Ngân hàng Thương mại cổ phần Bản Việt ra mắt dịch vụ mở tài khoản trực tuyến. Theo đó, thay vì phải đến chi nhánh ngân hàng điền thông tin và đối chiếu giấy tờ tùy thân, khách hàng của Bản Việt chỉ cần tải ứng dụng Viet Capital Mobile Banking về điện thoại, nhập thông tin và chụp ảnh giấy tờ tùy thân để ngân hàng xác nhận và mở tài khoản.
Đại diện Ngân hàng Bản Việt cho biết với sự phát triển củ công nghệ, các ngân hàng có thể xác minh thông tin chủ tài khoản bằng nhiều phương pháp như sinh trắc học, cuộc gọi video. Mặt khác, nhà băng có thể giới hạn hạn mức giao dịch để hạn chế rủi ro.
Hay như Ngân hàng Thương mại cổ phần Phương Đông (OCB) đã thí điểm dịch vụ xác thực khách hàng (eKYC) tại nhà bằng cách khách hàng đăng ký mở tài khoản online, sau đó nhân viên ngân hàng liên hệ qua điện thoại để xác minh thông tin, mở tài khoản trên hệ thống và hẹn gặp khách hàng để làm thủ tục.
Đại diện Ngân hàng Sacombank cũng cho biết đã chuẩn bị sẵn sàng về công nghệ cho việc mở tài khoản từ xa. Khi quy định mới chính thức có hiệu lực, để mở tài khoản, khách hàng chỉ mất vài phút để chụp 2 mặt chứng minh nhân dân, chụp selfie khuôn mặt, quay các góc để chứng tỏ người đang selfie là một “thực thể sống”.
Trí tuệ nhân tạo sẽ so sánh để xem hình chụp trên chứng minh nhân dân có trùng khớp với khuôn mặt hay không để xác thực mở tài khoản thành công. Về biện pháp quản lý rủi ro sau đó, đại diện Sacombank cho biết ngân hàng sẽ có hệ thống cũng như kỹ thuật để kiểm tra kiểm soát…
Lãnh đạo các ngân hàng đều bày tỏ sự kỳ vọng khi được cho phép mở tài khoản từ xa, số lượng tài khoản cũng như giao dịch ngân hàng sẽ tăng lên đáng kể.
Bảo mật an toàn
Theo số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, hiện có 88,5 triệu tài khoản ngân hàng và 63,7% người trưởng thành Việt Nam có tài khoản ở ngân hàng, khác rất xa so với con số mà các chuyên gia đưa ra trước đó là 31%. Tuy nhiên, vẫn còn một tỷ lệ đáng kể người dân chưa có tài khoản ngân hàng.
“Phải làm thế nào để nhanh nhất đưa người dân sử dụng các dịch vụ và trở thành khách hàng của ngân hàng. Muốn vậy phải tạo điều kiện cho khách hàng ngồi ở nhà vẫn có thể mở tài khoản thanh toán mà không phải đến phòng giao dịch. Chỉ khi người dân trở thành khách hàng của ngân hàng và sử dụng dịch vụ thường xuyên thì ngân hàng mới tồn tại được. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch COVID-19, việc mở tài khoản từ xa cũng hạn chế nguy cơ lây nhiễm,” ông Dũng nhấn mạnh.
Về lo lắng những rủi ro có thể xảy ra khi áp dụng các giải pháp xác thực từ xa, ông Dũng cho biết các ngân hàng cần có giải pháp, công nghệ để thu thập và kiểm tra tính chính xác, hợp lệ của bản số hóa giấy tờ tùy thân.
Còn ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó Tổng giám đốc VietinBank cho hay ngân hàng đang dựa trên dự thảo về eKYC để triển khai các công nghệ nhận diện sinh trắc học, đọc giấy tờ tùy thân của khách hàng và so sánh hình ảnh xác thực khách hàng từ xa qua việc ứng dụng công nghệ. Từ đó, khách hàng có thể mở tài khoản từ xa chỉ thông qua chiếc điện thoại thông minh.
Các chuyên gia cho rằng, việc cho phép mở tài khoản từ xa là một cách góp phần thúc đẩy thanh toán không tiền mặt. Đây được ví như "tấm vé" hướng tới ngân hàng số khi cho phép khách hàng mở tài khoản chỉ qua vài thao tác trên điện thoại. Phương pháp này phù hợp với những người bận rộn, nhân viên văn phòng, vùng nông thôn không có điều kiện đến ngân hàng.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định thời gian tới, sẽ tiếp tục hướng đến các đối tượng yếu thế trong xã hội, người dân chưa có tài khoản ngân hàng, đặc biệt người dân vùng sâu vùng xa, vùng nông thôn đồng thời tăng cường phối hợp các cơ quan liên quan, tổ chức chính trị-xã hội với mục tiêu không ai bị bỏ lại phía sau trong tiếp cận các sản phẩm dịch vụ tài chính, mà trước hết là thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng.