Thay đổi thể chế để bắt kịp thời cuộc

(ĐTTCO) - Quan điểm phản đối các hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và đưa ra các chính sách mang tính bảo hộ thương mại cao, tăng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa từ các nước khác của ông Donald Trump, liệu sẽ ảnh hưởng như thế nào đến Việt Nam? Các DN Việt Nam sẽ ứng phó ra sao trước cục diện thị trường có nhiều biến động?

(ĐTTCO) - Quan điểm phản đối các hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và đưa ra các chính sách mang tính bảo hộ thương mại cao, tăng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa từ các nước khác của ông Donald Trump, liệu sẽ ảnh hưởng như thế nào đến Việt Nam? Các DN Việt Nam sẽ ứng phó ra sao trước cục diện thị trường có nhiều biến động?

Sẽ có nhiều tác động 

Kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhờ cải cách kinh tế trong nước và hội nhập kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, chúng ta đều biết hội nhập kinh tế chỉ là cơ hội và việc biến cơ hội thành hiện thực phụ thuộc vào năng lực của chúng ta. Giai đoạn vừa qua chúng ta rất hồ hởi hội nhập, đến thời điểm này chúng ta quay lại cải cách trong nước để đón các cơ hội. 

TS. Vũ Thành Tự Anh

Bàn về câu chuyện TPP, một vấn đề đang rất được quan tâm hiện nay sau khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Hoa Kỳ, nhiều chuyên gia kinh tế khẳng định đàm phán TPP cũng mang lại lợi ích cho Hoa Kỳ. Có thể trước mắt TPP bị bác bỏ nhưng về lâu dài có thể đàm phán lại với những lợi ích nhiều hơn cho Hoa Kỳ. “Những chính sách của ông Trump chưa ai dự đoán được nhưng không phải cá nhân ông có thể quyết định hết mọi việc. Thêm vào đó sự điều chỉnh chính sách của Trump sau bầu cử chắc chắn xảy ra” - một chuyên gia nhận định.

 Đồng tình với quan điểm này, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh nhìn nhận: “Từ những phát biểu trong cuộc tranh cử tổng thống đến khi đưa ra những chính sách chắc chắn có những điều chỉnh, bởi ông Trump còn có một bộ máy tham mưu giàu kinh nghiệm. Riêng TPP nếu không được thông qua, tôi nghĩ sẽ ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam trên nhiều mặt. TPP tạo áp lực đổi mới thể chế ở Việt Nam, nếu không có nó chúng ta mất đi một động lực cạnh tranh và không có cạnh tranh sẽ khó có phát triển” - ông Vinh chia sẻ.

Trong khi đó, theo nhiều chuyên gia đây lại là cơ hội cho Trung Quốc đóng vai trò chính trong sân chơi hội nhập, tức sẽ tạo sức ép lớn lên Việt Nam, bởi trong thương mại Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc rất lớn. Vì thế, dù ông Trump tuyên bố sẽ đánh thuế 45% đối với hàng Trung Quốc để lấy lại sự cân bằng cán cân thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, song theo TS. Vũ Thành Tự Anh, ông Trump tuyên bố vậy để có những thương lượng mới với Trung Quốc. Giả sử điều này xảy ra sẽ có nhiều tác động xấu tới thương mại. Thí dụ, Trung Quốc muốn xuất hàng sang Hoa Kỳ sẽ đưa hàng qua Việt Nam, hoặc thông qua các công ty đặt tại Việt Nam để biến thành hàng hóa của Việt Nam. Khi các gian lận này bị phát hiện, các công ty này sẽ bị phía Hoa Kỳ điều tra và sẽ gây ảnh hưởng chung đến các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, vào thị trường Hoa Kỳ. Thêm vào đó, Trung Quốc có thể đẩy những công nghệ bẩn, lạc hậu sang Việt Nam biến chúng ta thành bãi rác.

DN phải thay đổi

Trước những thay đổi, tác động như vậy, DN Việt cần phải làm gì? Theo ông Bùi Quang Vinh, DN trong nước phải làm chủ thông tin trong nước và quốc tế, làm chủ công nghệ, nắm bắt xu hướng công nghệ trong lĩnh vực của mình, đổi mới sáng tạo trên cơ sở phân tích trong nước và quốc tế. Đặc biệt không được bỏ ngỏ thị trường trong nước với gần 100 triệu dân. Không thể tiếp tục dựa vào những nhân tố như lao động giá rẻ, tài nguyên thiên nhiên, thay vào đó phải đặt chất lượng lên hàng đầu mới có thể cạnh tranh được. Về thương mại với Hoa Kỳ, ngoài TPP chúng ta cũng có những con đường khác như BTA (FTA Việt Nam - Hoa Kỳ). Song Việt Nam nói chung và các DN nói riêng không chỉ chịu sức ép thay đổi từ các FTA mà còn sức ép từ công nghệ. Công nghệ lạc hậu đang là thách thức lớn của DN Việt. Hiện 88% công nghệ trong DN ở mức trung bình thấp, 12% công nghệ cao, trong khi thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 chúng ta vẫn chỉ ở giai đoạn thứ 2.

Ngoài công nghệ thì năng suất cũng là yếu tố then chốt, chúng ta vẫn tăng trưởng nhưng mức tăng đang giảm dần, chi phí đầu vào cho sản xuất ở mức cao và đang tăng dần qua các năm. Quy mô DN nhỏ, lợi nhuận bé đi, tỷ lệ DN phi sản xuất quá lớn. “Chúng ta nhìn phía trước thấy tăng trưởng toàn cầu không có triển vọng sáng lạng, thêm vào đó phải đối diện với một  Donald Trump với những chính sách bất thường. Môi trường phía trước của DN đầy bất trắc, vì thế khả năng ứng phó linh hoạt của DN là vô cùng quan trọng. Đặc biệt yếu tố then chốt cuối cùng của DN là gia tăng năng suất. Chúng ta đang đứng trước chân trời mới của cuộc cách mạng KHCN, chúng ta không được phép tụt hậu, không được phép nhỡ tàu. Bởi nếu không bắt kịp thì làn sóng công nghệ cũng kéo chúng ta đi thôi, vấn đề là chúng ta đi theo cách nào, chủ động hay bị động” - ông Vũ Thành Tự Anh chia sẻ.

 Trong bối cảnh kinh tế Việt Nam hội nhập sâu rộng như hiện nay, bên cạnh sự nỗ lực vươn lên của từng DN, cần thay đổi thể chế để bắt kịp thời cuộc, nâng cao năng lực cạnh tranh để vào sân chơi chung của thế giới. Theo đánh giá của một số chuyên gia, hiện nay thông điệp chính sách của chúng ta rất đúng nhưng thực hiện như thế nào mới là điều quan trọng.  

Các tin khác