Đến dự có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính; Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân. Về phía Ban Kinh tế Trung ương có đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu trao đổi bên lề hội nghị. Ảnh: VIẾT CHUNG
Theo Ban Kinh tế Trung ương, năm 2019, cơ quan này đã chủ trì tham mưu, giúp Bộ Chính trị ban hành 3 nghị quyết, 3 kết luận, nâng tổng số nghị quyết, kết luận được Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị ban hành do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì tham mưu, đề xuất từ năm 2016 đến nay là 13 nghị quyết, kết luận. Những kết quả đạt được góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 và trong dài hạn.
Những chủ trương, đường lối do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì nghiên cứu, đề xuất với Bộ Chính trị ban hành đều là những vấn đề mang tính chiến lược, thể hiện sự đổi mới sáng tạo theo kịp xu hướng phát triển của thời đại để vừa khắc phục khó khăn, thách thức vừa tận dụng cơ hội, xây dựng nền tảng vững chắc nhằm đưa nước ta đến năm 2045 trở thành nước công nghiệp phát triển, giàu có và thịnh vượng…
Phát biểu tại hội nghị, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương sự nỗ lực của toàn thể lãnh đạo, công chức, người lao động Ban Kinh tế Trung ương. Sau 7 năm tái lập, đặc biệt năm 2019, hoạt động của Ban Kinh tế Trung ương đã ngày càng toàn diện; đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Để thực hiện tốt nhiệm vụ do đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước giao, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh vai trò của Ban Kinh tế Trung ương là cực kỳ quan trọng; là cơ quan tham mưu chiến lược về kinh tế - xã hội của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Về nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Ban Kinh tế Trung ương cần hoạt động toàn diện hơn, chất lượng cao hơn, với tinh thần tích cực, chủ động, quyết liệt, sáng tạo hơn nữa, không chỉ chờ giao việc mới làm, mà phải chủ động đề xuất, tham mưu. Trong đó, tập trung ưu tiên triển khai thực hiện tốt những nhiệm vụ trọng tâm như: phát triển đất nước thông qua việc thực hiện các đề xuất, kiến nghị của Ban thành nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị, chỉ thị của Ban Bí thư; tiếp tục nghiên cứu đề xuất các vấn đề mang tầm chiến lược đất nước; phát huy tiềm năng to lớn kinh tế biển; tạo cơ chế đột phá để thúc đẩy kinh tế vùng; tận dụng cơ hội của cách mạng công nghiệp 4.0; những định hướng mới trong tổ chức bộ máy chính quyền để phát triển, ví dụ với TPHCM thì đâu là những giải pháp đột phá để đưa TPHCM nhanh chóng trở thành trung tâm tài chính quốc tế mới…
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nền kinh tế đang tồn tại nhiều nút thắt lớn, hạn chế phát triển, khiến tiềm năng không được giải phóng, trong đó thể chế được xem là nút thắt lớn. Song nút thắt lớn nhất là tư duy. Nếu không thay đổi về tư duy kinh tế thì có điều chỉnh thể chế thì vẫn là thể chế cũ, bình mới rượu cũ, không thể đột phá. Nhấn mạnh ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị, tinh thần chung là phải chủ động tích cực hơn, năng động sáng tạo hơn để đạt được kết quả tổng thể cao hơn trong năm sau.