1 Sau vài tác phẩm hơi khập khiễng, rapper Đen Vâu bắt đầu bật lên với “Đi về nhà” và “Trốn tìm”. Có thể nói, chính sự thành công của “Đi về nhà” và “Trốn tìm” đã tạo cơ sở để cư dân mạng dồn sự chú ý cho “Mang tiền về cho mẹ”.
Hình ảnh rapper Đen Vâu ôm con cá cũng là một kiểu tạo dáng để nhiều người bắt chước. Thế nhưng, nhìn trực diện vào MV “Mang tiền về cho mẹ” thấy có gì đáng bận tâm không? 2 thái độ tiếp nhận thông điệp “mang tiền về cho mẹ, đừng mang ưu phiền về cho mẹ” từ phía công chúng, một bên cho bài hát là sự báo hiếu, một bên cho bài hát là sự thực dụng. Nội dung của “Mang tiền về cho mẹ” rất bình thường. Thậm chí, những người hơi khắt khe về thẩm mỹ sẽ thấy vài lời rap hơi ồn ào và khoa trương.
Ưu điểm các bài hát của Đen Vâu nằm ở sự giản dị. Đó là những lời nói hàng ngày được đọc rap một cách hào hứng và điệu đà. “Mang tiền về cho mẹ” diễn giải “Mẹ không dám ăn, không dám mặc, không dám tiêu cũng chỉ vì lo (cho con). Giờ con đeo túi tò te đi mua cho mẹ cái túi Dior” và kèm chút lý sự tinh nghịch “Những đứa trẻ sẽ phải đi xa nhà, sẽ phải nếm rất nhiều mặn, ngọt, cay, chua, đắng.
Mẹ chỉ muốn chúng mày phải tự lo cho mình, về đây mà gầy là mẹ cho ăn đòn”. Ý nghĩa tương đối mạnh mẽ được thể hiện trong “Mang tiền về cho mẹ” là quan niệm sống đàng hoàng “Tiền của con không có cần phải rửa. Nó cũng chỉ ám mùi mồ hôi. Mẹ yên tâm con là công dân tốt, đóng thuế đều và chỉ có đủ mà thôi”.
Đoạn ca từ khá nhất của “Mang tiền về cho mẹ” là sự tranh thủ rap theo vần, để trình bày “tiền” có chút ẩn dụ về thực trạng xã hội: “Đưa tiền cho mẹ, mẹ là tiền vệ. Đừng làm điều xấu, sẽ thành tiền lệ. Lao động hăng say, hơn cả tiền đề. Cầm về tiền tốt, đừng có cầm về tiền tệ”. Cả thảy 4 khái niệm “tiền vệ”, “tiền lệ”, “tiền đề” và “tiền tệ” cần được xem như một nỗ lực tăng tính trào lộng cho nhạc rap của Đen Vâu.
Dù bài hát “Mang tiền về cho mẹ” có cái kết hóm hỉnh “Mang tiền về cho mẹ. Ba cần thì xin mẹ” thì cũng không phải một tác phẩm có lời rap đáng trầm trồ. Sức hấp dẫn của “Mang tiền về cho mẹ” cũng như của “Trốn tìm” và “Đi về nhà” đều nằm ở cách kể một câu chuyện. Phải thừa nhận, Đen Vâu có sự đầu tư nghiêm túc về dàn dựng cho MV ca nhạc, với những cảnh quay sinh động và ấn tượng. Cho nên, nếu thưởng thức “Mang tiền về cho mẹ” chỉ bằng cách nghe nhạc (và lời) mà không xem MV thì mức độ “áp phê” giảm đi phân nửa.
2 Rapper Đen Vâu tên thật là Nguyễn Đức Cường, sinh năm 1989 tại Quảng Ninh. Vài năm gần đây, Đen Vâu được xem là hiện tượng nhạc rap được đông đảo khán giả yêu mến.
Từ khi Covid-19 xuất hiện, thì Đen Vâu ở ẩn tại quê nhà và tung ra ca khúc “Trời hôm nay nhiều mây cực” với tâm sự hồ hởi: “Tôi sáng tác ca khúc này để bản thân thoải mái, bớt chiêm nghiệm nặng nề và sâu sắc đi. Đó chỉ là những suy tưởng vui vẻ của một người ngước nhìn lên bầu trời vào buổi chiều tà. Tôi muốn cho mọi người được thấy thoải mái khi nghe một bài nhạc. Nói đùa là cho mọi người dễ ngủ trong nỗi lo Covid-19”.
Ca khúc “Trời hôm nay nhiều mây cực” là bài rap dài nhất của Đen Vâu với 80 câu rap có màu sắc vui tươi và nhộn nhịp, như một món quà thư giãn cho công chúng giữa lúc cam go vì dịch bệnh.
Rapper Đen Vâu là một nghệ sĩ rap tự đào tạo qua thực tiễn sáng tác và trình diễn. Nói cách khác, Đen Vâu chủ yếu là nghề dạy nghề, chứ không qua trường lớp nào. Đen Vâu chỉ học hết phổ thông thì phải đi làm thuê kiếm sống, vì gia cảnh nghèo khó. Những bản rap đầu tiên của Đen Vâu ra đời khi anh đang làm công nhân dọn vệ sinh trên bãi biển Hạ Long. Bước vào âm nhạc, Đen Vâu có được nhiều bản rap hàng chục triệu lượt xem như “Bài này chill phết”, “Lối nhỏ”, “Cảm ơn”, “Hai triệu năm”, “Một triệu like”…
Bây giờ với ca khúc “Mang tiền về cho mẹ”, rapper Đen Vâu không chỉ gây sốt giới trẻ, mà cũng tạo được thiện cảm với những người không còn trẻ. TS. Nguyễn Thị Hậu cho rằng, “Mang tiền về cho mẹ” là lời nói rất thật từ trái tim những đứa con xa nhà, lao động hết sức mình và trung thực, mong muốn làm điều gì đó để mẹ ở nhà bớt phần vất vả. Clip của Đen Vâu thể hiện việc “mang tiền về cho mẹ” không chỉ là đồng tiền mà là thể hiện sự biết nghĩ đến cha mẹ, biết ghi nhớ những lời cha mẹ dạy dỗ.
Coi đây là sự báo hiếu cũng không sai, nhưng không nặng nề “trách nghiệm và nghĩa vụ” như quan niệm xưa cũ. Bây giờ nhiều bậc cha mẹ không đòi hỏi con cái phải báo hiếu bằng tiền, con cái biếu đồng nào có khi cho lại con cháu còn nhiều hơn. Nhưng khi biết rằng con cháu có việc làm tử tế, kiếm tiền bằng sự lương thiện và nhớ đến cha mẹ, không quên sự vất vả nghèo khó của gia đình... đó là niềm vui và sự tự hào không hề nhỏ của cha mẹ.
Còn khi con cái khó khăn cha mẹ nào nỡ đòi con “báo hiếu” bằng tiền bạc, chưa kể nhiều bậc cha mẹ luôn coi “tiền của cha mẹ (sẽ) là của con, nhưng tiền của con (dù mang về cho cha mẹ) thì luôn chỉ là của con”. Lúc này quan niệm về sự chăm sóc cha mẹ, trách nhiệm với đại gia đình của nhiều người sẽ khác nhau...
Nhưng những đứa con biết nghĩ chắc sẽ đồng ý với Đen Vâu là “đừng mang ưu phiền về cho mẹ”. Clip của Đen Vâu gợi nhiều về một thời bao cấp nghèo khó, ai trải qua thời gian này dễ đồng cảm với tác phẩm của anh. Nhiều người bây giờ ít biết đến một cách ứng xử mà ông bà mình rất coi trọng, đó là “sự biết điều”, ứng xử biết điều là biết nghĩ và hành xử xứng với những gì mình nhận được từ người khác, đúng với lẽ phải.