Cả thế giới đang chống chọi với đại dịch - một điều vốn không ai mong đợi hay lường trước được. Không biết sẽ mất bao lâu nhưng nhịp sống của con người rồi sẽ trở lại. Chỉ có điều, đã có những đổi thay, những sự đảo chiều trong cả nhận thức và hành động kể từ dấu mốc Covid-19 này.
Phương Tây làm quen với khẩu trang
Đeo khẩu trang vốn là điều bình thường ở nhiều nước châu Á, kể cả khi không có dịch bệnh. Thế nhưng, hành động đó lại là điều không bình thường ở xã hội phương Tây, thậm chí còn bị xem là dấu hiệu của người có bệnh hoặc liên quan đến vấn đề phân biệt chủng tộc. Tạp chí Time dẫn lời Giáo sư xã hội học người Nhật Mitsutoshi Horii làm việc tại Anh cho rằng có sự khác biệt trong quan niệm về việc che mặt nói chung và đeo khẩu trang nói riêng giữa người phương Đông và phương Tây. Người phương Tây không có thói quen che mặt và có xu hướng tiêu cực về vấn đề đeo khẩu trang, thậm chí cho đó là sự đi ngược lại ý thức hệ của họ về chủ nghĩa tự do. Có lẽ vì vậy, trong những giai đoạn đầu của đại dịch, bản thân các chính trị gia phương Tây cũng không coi trọng việc đeo khẩu trang, trong khi các nước châu Á đã sớm khuyến cáo người dân đeo khẩu trang để bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng.
Nhưng khi dịch bệnh lan rộng, mức độ ngày càng trầm trọng, họ đã phải thay đổi. Tổ chức Y tế thế giới bắt đầu ủng hộ chủ trương khuyến khích hoặc yêu cầu người dân các nước đeo khẩu trang để phòng ngừa dịch Covid-19. Nhiều nước phương Tây, trong đó có Mỹ, cũng đã phải thừa nhận tác dụng của việc đeo khẩu trang. Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt đầu khuyên người dân đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, điều mà ông Trump tuyên bố không làm và cũng từng bác bỏ. Tại New York, tâm chấn của dịch ở Mỹ, Thị trưởng Bill de Blasio kêu gọi người dân che mặt khi ra đường hoặc ở gần người khác. Ông nói: “Khi bạn đeo khẩu trang, bạn đang bảo vệ những người khác”.
Trong khi Đức ra khuyến cáo, Áo, CH Czech, Slovakia và một số nước châu Âu khác đã bắt buộc người dân đeo khẩu trang ở nơi công cộng để hạn chế lây nhiễm. “Tôi biết rõ khẩu trang hoàn toàn xa lạ với chúng ta. Nhưng cần có một sự thay đổi lớn”, Đài NPR dẫn lời Thủ tướng Áo Sebastian Kurz nói về quyết định để người dân phải đeo khẩu trang. Với sự “đổi chiều” này, hàng chục triệu người dân phương Tây sẽ làm quen với việc đeo khẩu trang như những gì người châu Á đã làm.
Dấu hỏi về toàn cầu hóa
Covid-19 được các nhà phân tích đánh giá là một cơn địa chấn thực sự đối với thế giới. Dịch bệnh trở nên nguy hiểm và lan nhanh, rộng hơn bao giờ hết “nhờ” vào sự phát triển vượt trội của toàn cầu hóa và sự tăng trưởng mạnh của vận tải hàng không quốc tế. Trong vài thập niên trở lại đây, toàn cầu hóa trở thành xu thế chi phối nhiều phương diện của đời sống kinh tế xã hội. Nó thu hẹp khoảng cách và khiến biên giới của các quốc gia được cho là mềm đi. Thế nhưng, khi dịch bệnh trở nên trầm trọng, biện pháp kiểm soát quan trọng mà các quốc gia áp dụng chính là đóng cửa biên giới, hạn chế xuất nhập cảnh để ngăn các làn sóng dịch ập đến từ bên ngoài. Người ta bắt đầu nghi ngờ, liệu dịch bệnh này có làm thay đổi ý niệm về toàn cầu hóa. Thậm chí có những nhà nghiên cứu tin rằng kỷ nguyên toàn cầu hóa đã đến hồi kết.
Không bàn đến đúng sai, nhưng rõ ràng đại dịch lần này đặt ra những bài toán cần nghiêm túc có lời giải. Biên giới cứng có cần những biện pháp hiệu quả hơn để ngăn chặn những nguy cơ ngoại lai. Liệu một quốc gia có thể để phụ thuộc quá nhiều vào các quốc gia khác hoặc chuỗi cung ứng toàn cầu, hay họ cần có những sự chuẩn bị nội tại riêng nữa để ứng phó. Cách đây hơn một tuần, nhóm các nền kinh tế lớn G20 đã ra tuyên bố chung về việc cần thiết phải có một phản ứng mang tính toàn cầu để chống lại đại dịch toàn cầu như Covid-19. Điều đó sẽ kích hoạt những trách nhiệm chung của cộng đồng quốc tế trong việc chống dịch, nhưng cũng có nghĩa mỗi quốc gia phải thực sự là lực lượng mạnh mẽ nhất trong cuộc chiến của mình.
Chỉ xét riêng khía cạnh y tế, với tình hình phức tạp như hiện nay, sự khan hiếm về trang thiết bị y tế là hiện hữu và đã có sự tranh giành không khoan nhượng giữa các quốc gia bất chấp quan hệ thân hữu vì ai cũng cần. Điều này đặt ra câu hỏi về hệ lụy của việc phụ thuộc quá nhiều vào nguồn cung bên ngoài và các nước trước nay vẫn chưa sẵn sàng cho cuộc chiến sinh tử. Trong bài xã luận có nhan đề Tại sao cuộc khủng hoảng này là một bước ngoặt lịch sử về đại dịch Covid-19 đăng trên tạp chí NewStatesman, nhà phân tích John Gray cho rằng sản phẩm y tế hay các lĩnh vực nhạy cảm khác cần được xem là vấn đề an ninh quốc gia. Chỉ có như vậy, các quốc gia mới có khả năng chống chọi với một cơn địa chấn toàn cầu mà ai cũng phải chịu đựng.
Thật và ảo
Cũng trong tình trạng đại dịch, mọi người được khuyến cáo ở nhà và hạn chế ra ngoài nhiều nhất có thể. Tình hình đó khiến con người phải thích nghi với việc sống chậm lại, chuyển hướng học tập và làm việc qua nền tảng internet. Trước đây, có rất nhiều ý kiến cho rằng con người đang ngày càng sống ảo và cần phải bước ra đời thật nhiều hơn, hạn chế tác động tiêu cực của internet. Giờ đây, thế giới đảo chiều, chúng ta buộc phải trông cậy nhiều hơn vào không gian ảo, để học và làm những công việc thật khi không thể đến trường hay công sở vào thời dịch bệnh.
Sự đảo chiều này cho thấy tích cực hay tiêu cực đều phụ thuộc vào mục đích của con người. Tuy nhiên, cơn khủng hoảng này cũng có thể xem là phép thử về sự thích nghi. Bởi lẽ chúng ta không thể biết được sẽ có gì tới trong tương lai khi nguy cơ từ các vấn đề an ninh phi truyền thống ngày càng khó lường nhưng lại tác động mạnh mẽ.
Thụy Điển cũng không thể mãi ngược dòng
Thụy Điển là quốc gia có cách tiếp cận tương đối khác biệt với phần còn lại của châu Âu khi vẫn mở cửa trường học, nhà hàng và quán bar dù nước này đã có hơn 6.400 ca nhiễm và hơn 370 ca tử vong vì Covid-19. Tuy nhiên, diễn biến ngày càng xấu đi hiện nay khiến Thụy Điển phải cân nhắc lại, thay vì tin rằng khủng hoảng sẽ được giải quyết trong ít tuần. Theo Hãng tin DW, chính quyền Thụy Điển đã thêm các biện pháp hạn chế cũng như khuyến cáo không tập trung đông người, hủy các giải đấu thể thao. Chính phủ của Thủ tướng Stefan Lofven cũng đang tìm cách có thêm quyền lực khẩn cấp không cần sự thông qua của quốc hội để tiến hành các biện pháp chống dịch. Đề xuất này đang chờ được các đảng chính trị chấp thuận.