Thế kẹt của Trung Quốc

(ĐTTCO) - Các dữ liệu về tình hình kinh tế, thị trường tài chính của Trung Quốc gần đây phát ra tín hiệu xấu như: nợ tăng cao đến mức được gọi là “núi nợ”, sức cầu của nền kinh tế yếu đi, tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ cao, dòng vốn nước ngoài rút mạnh, thị trường chứng khoán bị giảm liên tục.

Kinh tế Trung Quốc đang phát ra những tín hiệu xấu.
Kinh tế Trung Quốc đang phát ra những tín hiệu xấu.

Thế nhưng, giới lãnh đạo của Trung Quốc dường như không có nhiều lựa chọn lúc này, nhưng quyết định càng chậm thì hệ lụy sẽ càng lớn.

Nhiều tín hiệu xấu đến cùng lúc

Sau Covid-19, trong khi nhiều nền kinh tế lớn khác phục hồi và quay lại quỹ đạo phát triển, Trung Quốc lại bị rơi vào thế kẹt khi kéo dài kiểm soát dịch, nhiều vấn đề kinh tế xã hội nảy sinh cùng lúc nhưng lãnh đạo Trung Quốc, cụ thể là “tư tưởng Tập Cận Bình”, lại ưu tiên sự ổn định chính trị hơn.

Việc kiểm soát khắt khe Covid-19 kéo dài đã khiến cho sức mua của người dân Trung Quốc giảm đi đáng kể. Thiếu các khoản hỗ trợ của chính phủ hay các khoản hỗ trợ không hiệu quả đã buộc người dân phải dùng đến các khoản tiết kiệm dự phòng của mình. Chi tiêu từ đó giảm mạnh, và điều này có thể thấy được qua tỷ lệ tiêu dùng trên GDP.

So với nhiều nền kinh tế lớn, và thậm chí trung bình của thế giới, tỷ lệ chi tiêu trên GDP hiện nay của Trung Quốc chỉ ở mức 37%, trong khi đó Ấn Độ ở mức 60%, Mỹ gần 70% và thế giới khoảng 55%. Đặc biệt, nền kinh tế Trung Quốc phụ thuộc rất nhiều vào đầu tư hạ tầng, bất động sản, và ngành sản xuất chế tạo phục vụ xuất khẩu.

Đây cũng chính là động lực tăng trưởng hạt nhân của Trung Quốc trong nhiều thập kỷ qua. Cho đến khi tăng trưởng cận biên không còn nữa, khủng hoảng bất động sản, và nhu cầu nhập khẩu của thế giới từ Trung Quốc giảm thì hy vọng còn lại là tiêu dùng nội địa cũng không mấy khả quan.

Lần gần nhất Trung Quốc rơi vào tình huống khá tương tự là năm 2015 nhưng tình hình hiện tại phức tạp hơn rất nhiều, và các giải pháp được thực thi lúc trước khó lặp lại được.

Sự lo lắng trong dư luận ngày càng lan rộng ngay cả trong môi trường thông tin được kiểm soát và quản lý chặt chẽ. Nguyên nhân vì nhiều chính sách của thượng tầng chính trị đã không đạt được mục tiêu mong muốn như chính sách thịnh vượng chung, chính sách bài trừ tham nhũng, chính sách phát triển kinh tế để đuổi kịp và vượt Mỹ.

Việc siết chặt khu vực kinh tế tư nhân, đánh vào các lĩnh vực như công nghệ, tài chính, bất động sản, các nền tảng cung cấp dịch vụ gia sư cho thấy lãnh đạo Trung Quốc không muốn nới lỏng sự kiểm soát của mình. Thêm vào đó, tỷ trọng của vốn nhà nước ngày càng gia tăng trong các doanh nghiệp niêm yết, cũng như các doanh nghiệp dẫn đầu thường là doanh nghiệp có vốn nhà nước.

Bi quan về triển vọng của nền kinh tế đã khiến cho thị trường chứng khoán Trung Quốc giảm mạnh nhất thế giới. Không chỉ nhà đầu tư trong nước hoang mang, các nhà đầu tư nước ngoài cũng rút vốn, và đầu tư mới cũng giảm kỷ lục.

Một tín hiệu cảnh báo khác cũng nghiêm trọng không kém là tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ. Để tìm được việc làm đối với sinh viên mới ra trường ngày càng gian nan, trong lúc khu vực tư nhân chiếm hơn 80% cơ hội việc làm nhưng lại đang bị nhiều sức ép lớn.

Một ước tính cho thấy tỷ lệ thất nghiệp lên đến 46,5% tuy nhiên vẫn có nhiều tranh cãi vì con số của chính phủ đưa ra thấp hơn rất nhiều. Có điều, phương pháp luận của cơ quan quản lý lại không được công khai và số liệu cũng không được công bố nữa cho thấy các hoài nghi là có cơ sở.

Không có nhiều lựa chọn hay không muốn chọn?

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang đối mặt với áp lực lớn nhất trong gần một thập kỷ khi nhiều quyết sách quan trọng cần được sớm thông qua và thực thi để tránh một thời kỳ trì trệ và suy thoái.

Lần gần nhất Trung Quốc rơi vào tình huống khá tương tự là năm 2015 nhưng tình hình hiện tại phức tạp hơn rất nhiều, và các giải pháp được thực thi lúc trước khó lặp lại được. Trung Quốc đã vượt qua được khủng hoảng năm 2015 bằng cách phá giá đồng Nhân dân tệ, thắt chặt kiểm soát vốn, và đổ nguồn lực vào hạ tầng, bất động sản cũng như giảm lãi suất.

Ở thời điểm hiện tại, các giải pháp này nếu được cân nhắc lại cũng không còn mấy hiệu lực vì niềm tin của thị trường đang ở mức thấp nhất, và mặt bằng lãi suất trên thế giới vẫn còn đang duy trì ở mức cao để chống lại lạm phát.

Một giải pháp khả dĩ lúc này theo một số khuyến nghị là Trung Quốc nên tập trung vào cải thiện niềm tin, thị trường muốn thấy được một kế hoạch rõ ràng về việc xử lý những tồn tại của thị trường bất động sản, tái cấu trúc các khoản nợ địa phương, chuyển sang mô hình tăng trưởng bền vững, ít dựa vào nợ và dựa nhiều hơn vào chi tiêu của hộ gia đình.

Muốn vậy các chính sách hỗ trợ phải đến được tận tay người dân, thông qua chính sách tài khóa chứ không phải tín dụng vì dòng chảy tín dụng có thể đổi hướng một cách méo mó, chảy vào những nơi không hiệu quả như hạ tầng hay bất động sản.

Tuy vậy, lựa chọn này không là ưu tiên như đã biết trước đây của ông Tập Cận Bình. Đó là ông không thích hỗ trợ bằng tiền mặt hoặc cung cấp an sinh xã hội một cách hào phóng. Nếu thay đổi quan điểm, có thể bị gắn với việc thừa nhận những quyết định lúc trước là có sai lầm.

Đến lúc này, Trung Quốc vẫn cho thấy sự ưu tiên ổn định xã hội và an ninh quốc gia hơn là phát triển kinh tế bền vững, thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân cũng như thu hút đầu tư nước ngoài vì lo ngại những xáo trộn có thể được tạo ra bởi một mô hình phát triển khác.

Nói về các giải pháp, các chuyên gia giỏi của Trung Quốc trong nước hay đang ở nước ngoài không hề thiếu, nhưng thế kẹt của Trung Quốc là có dám thách thức cái gọi là “ý thức hệ”. Để Trung Quốc vượt qua giai đoạn khó khăn này, tránh trì trệ và suy thoái phải vực dậy lòng tin của thị trường, phải nới lỏng hơn với khu vực kinh tế tư nhân.

Có lẽ lãnh đạo Trung Quốc phải sớm tìm ra một điểm cân bằng, và sẽ thông báo điều này ở một kỳ họp quan trọng sớm trong năm, ở kỳ họp Quốc hội hoặc Hội nghị Trung ương trong năm nay.

Các tin khác