Thế khó của CII

(ĐTTCO) - 2015 có thể xem là năm thành công đối với CTCP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TPHCM (CII). Tuy nhiên, kỳ vọng của NĐT vào CII có thể không như mong đợi do một số khó khăn doanh nghiệp này đang đối mặt.

(ĐTTCO) - 2015 có thể xem là năm thành công đối với CTCP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TPHCM (CII). Tuy nhiên, kỳ vọng của NĐT vào CII có thể không như mong đợi do một số khó khăn doanh nghiệp này đang đối mặt. 

Hạ tầng nước đóng góp chính

Kết thúc năm tài chính 2015, CII đạt doanh thu thuần 1.750,9 tỷ đồng (giảm 32,8%), trong khi lợi nhuận sau thuế tăng 45,4% và vượt 195% kế hoạch năm (đạt 791,6 tỷ đồng). 2 mảng kinh doanh chính là xây dựng hạ tầng và thu phí giao thông đều tăng trưởng ổn định và tích cực với mức tăng tương ứng 32,3% và 32,5%. Điểm khác biệt trong kết quả kinh doanh của CII trong năm 2015 không đến từ mảng BT giao thông truyền thống, mà đến từ mảng hạ tầng nước. 

Theo CTCK Vietcombank, với thị giá hiện tại của CII là 24.000 đồng/CP, EPS 2016 dự phóng 3.720 đồng/CP và P/E 2016 đạt 6,4x, khá thấp so với nhiều CP largecap trong nhóm VN30.

Cụ thể, CII ghi nhận doanh thu từ mảng hạ tầng nước 420 tỷ đồng. Đây là khoản thu từ việc cung cấp vật tư thiết bị của Công ty Enviro. Tuy nhiên, tỷ suất lợi nhuận gộp của mảng này rất khiêm tốn (khoảng 14%). Tính đến cuối năm 2015, ngoài Enviro, CII còn nắm cổ phần chi phối tại các công ty chuyên khai thác, xử lý và cung cấp nước sạch, như CTCP Cấp nước Sài Gòn - Đankia, CTCP Cấp nước Sài Gòn - Pleiku, CTCP Cấp thoát nước Củ Chi, CTCP Nước Sài Gòn - Cần Thơ, CTCP Nước Tân Hiệp, Công ty TNHH MTV Cấp nước Long An, CTCP Cấp nước Tân Hòa, CTCP Cấp thoát nước Cần Thơ.

 Điểm nổi bật nhất trong kết quả kinh doanh của CII là hoạt động đầu tư tài chính với hơn 1.030 tỷ đồng (tăng 64,9%). Ngoài các khoản cổ tức, lợi nhuận được chia cũng như lãi tiền gửi, tiền cho vay tăng mạnh, doanh thu tài chính năm 2015 có thêm 2 khoản đóng góp đáng chú ý từ khoản lãi 331,7 tỷ đồng từ việc đánh giá lại giá trị hợp lý của khoản đầu tư vào công ty con là CTCP Cầu đường Hiền An Bình (50 tỷ đồng) và SII (281,7 tỷ đồng); khoản lãi 220,2 tỷ đồng từ việc ghi nhận phần chênh lệch giữa mệnh giá và giá phát hành thực tế của số trái phiếu hoán đổi  (TPHĐ) thành CP LGC, có tổng giá trị 1.020 tỷ đồng CII đã phát hành cho MPTC vào tháng 1-2015. Theo CII, do TPHĐ này có lãi suất tương đương với lãi suất thị trường, nên phần chênh lệch đó được công ty ghi nhận là khoản lãi tài chính trong BCTC quý II-2015. Đây cũng là khoản mục đang gây nhiều ý kiến khác nhau về cách hạch toán. Tuy nhiên, trong BCTC soát xét 6 tháng đầu năm 2015, đơn vị kiểm toán là IFC cũng không có ý kiến gì về việc này, do đó có thể tạm nhận định rằng cách hạch toán trên là hợp lý.

Khó nới room ngoại lên 100%

Tại buổi gặp gỡ NĐT được tổ chức trong tháng 3 vừa qua, lãnh đạo CII cho biết kết quả kinh doanh năm 2015 được xem là kết quả của quá trình tái cấu trúc. Mặc dù tại thời điểm bắt đầu tái cấu trúc năm 2013, CII dự phóng chấp nhận mức lợi nhuận thấp trong khoảng 3 năm. Cũng tại buổi gặp gỡ này, CII đã công bố kế hoạch sản xuất kinh doanh giai đoạn 2016-2018. Cụ thể, năm 2016, tổng doanh thu đạt 3.866 tỷ đồng, trong đó doanh thu thuần đạt 2.876 tỷ đồng (tăng 64,3%). Ngoài mức tăng trưởng ổn định trong mảng thu phí giao thông, CII dự kiến đạt tăng trưởng doanh thu mạnh ở 2 mảng xây dựng (đẩy mạnh thi công dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận) và hạ tầng nước (khi dự án mạng lưới nước Củ Chi đi vào hoạt động).

Tham vọng lớn này đòi hỏi CII phải đẩy mạnh huy động vốn thông qua nhiều hình thức khác nhau. Trong năm 2015, CII đã huy động thêm cả 2 nguồn vốn vay từ ngân hàng và từ phát hành trái phiếu. Về vốn vay dài hạn, tính đến cuối năm 2015, tổng giá trị nợ vay ngân hàng và công ty tài chính đã lên đến 5.126 tỷ đồng (tăng gần 135%). Về trái phiếu, dư nợ cuối năm 2015 của CII là 2.175 tỷ đồng, tăng thêm chủ yếu từ khoản phát hành TPHĐ thành CP LGC (tổng giá trị 1.292 tỷ đồng) cho Metro Pacific Tollways Corporation (MPTC) vào 2 đợt vào tháng 1 và tháng 9; phát hành TPHĐ thành CP của Công ty BOT Trung Lương - Mỹ Thuận (tổng giá trị 462,9 tỷ đồng) phát hành cho quỹ VIAC (No.1) Ltd. Partnership (trong tháng 8-2015). Theo quan ngại của giới đầu tư, dư nợ vay dài hạn lẫn nợ gốc trái phiếu tăng cao sẽ khiến doanh nghiệp gặp nhiều rủi ro và suy giảm lợi nhuận. Theo thống kê, chi phí lãi vay của CII trong năm 2015 lên đến 448,7 tỷ đồng (tăng 94%).

Dự án BOT Xa lộ Hà Nội do CII đầu tư.

Dự án BOT Xa lộ Hà Nội do CII đầu tư.

Một yếu tố được NĐT đặt kỳ vọng vào CII là kế hoạch nới room cho NĐTNN lên 100%.  Tuy nhiên, kế hoạch này gặp không ít trở ngại vì mảng kinh doanh bất động sản thuộc nhóm ngành bị giới hạn về vốn đầu tư nước ngoài. Hiện nay, ngoài dự án Thủ Thiêm, CII đang đàm phán dự án có giá trị không kém, nên doanh nghiệp này vẫn giữ ngành nghề này cho tới khi đàm phán dự án mới hoàn tất. Khi đó ngành kinh doanh bất động sản sẽ được chuyển cho Công ty TNHH MTV Khu Bắc Thủ Thiêm (đã thành lập) và lúc đó CII sẽ thực hiện nới room lên 100%.

Các tin khác